Ở yên tại Sài Gòn giữa dịch Covid-19: Mì gói và tô cơm ngon được nhiều người mang đến

02/08/2021 13:28 GMT+7

Hơn nửa tháng chỉ ăn mì gói, cảm nhận cơ thể sắp không chịu được, mắt ông Gấm sáng lên kể lại giây phút được mạnh thường quân đem cơm đến. Đối với ông chưa bao giờ cơm lại ngon đến thế, ông ăn liền mấy tô cơm.

Cắn răng ở yên vì nghĩ rằng “dăm ba bữa rồi hết dịch” nhưng không ngờ dịch bệnh kéo dài khiến 4 người thợ hồ là ông Nguyễn Khắc Bính (57 tuổi), ông Lê Duy Kỳ (47 tuổi), ông Trần Đăng Gấm (50 tuổi), và con trai 18 tuổi của ông Gấm “mắc kẹt” tại Sài Gòn khi công trình tạm dừng hoạt động, không có xe để về quê.

Sống tạm 

Nhóm ông Bính từ huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) vào TP.HCM nhận xây công trình ở Q.Gò Vấp từ ngày 12.5. Chưa được bao lâu thì Gò Vấp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên công trình tạm ngưng hoạt động. Sau khi được hoạt động lại, ép cọc được 2 tuần thì TP.HCM giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 khiến công trình phải tạm ngưng hoàn toàn đến nay.

Ước mơ của 4 thợ hồ kẹt lại Sài Gòn, 2 tuần ăn mì tôm qua bữa

Làm thợ hồ ở Sài Gòn hơn 10 năm nay, ông Bính thường dựng lán tại công trình ở tạm để tiết kiệm tiền thuê phòng trọ và các loại chi phí khác. Lúc TP chưa giãn cách xã hội, ông Bính, ông Kỳ, ông Gấm thay nhau ra đầu ngõ mua cơm về ăn.

Lán được dựng tạm bợ bằng tấm bạt che mưa nắng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, những người thợ miền Tây khăn gói về quê. Ông Bính cùng những anh em đồng hương không còn cách nào khác phải tiếp tục sống tại lán.
Lán được 4 người dựng tạm bợ bằng tấm bạt che nắng che mưa, vài tấm ván để ngả lưng, ban ngày dẹp vào để làm công trình. Sài Gòn mưa nắng thất thường, những ngày trời nắng lán nóng hầm hập rát da rát thịt, mưa gió thì tốc lên các ông phải dầm mưa ra cột lại. Ngồi co ro một góc trong lán để trú mưa, những đêm trời mưa lớn xem như thức trắng.

Bên trong lán nóng nực khi trời nắng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Đã quen với cảnh sống trong lán, ông Bính tâm sự ở quê thì mưa dầm nắng cháy, lũ lụt làm ăn khó khăn, đi làm xa quê thì phải chấp nhận chịu khổ vài tháng rồi về với gia đình. “Anh em gắng chịu đựng một thời gian để xây được phần cọc xong là chuyển vào bên trong công trình có chỗ che mưa nắng thì đỡ hơn nhiều. Nhưng giờ công trình chỉ mới ép cọc nên phải ở lán như thế này”, ông Bính rưng rưng nước mắt.

Trời mưa tạt vào nên trời sắp chuyển mưa là ông Gấm dựng tấm chắn ngay

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Khuôn mặt khắc khổ, chân tay nứt nẻ, ông Bính, ông Kỳ và ông Gấm đều là trụ cột chính của gia đình, đi làm thuê để nuôi con ăn học. Mỗi năm cả 3 sẽ vào Sài Gòn làm công trình 2 lần, mỗi lần khoảng 4 đến 5 tháng. Đến vụ mùa ở quê thì về làm việc nhà rồi lại khăn gói đi làm ăn xa.
Vì đi làm thuê, đất khách cũng không quen đường sá nên tất cả đều sợ không dám ra ngoài, kể cả mua nhu yếu phẩm. Mì tôm và trứng được chủ thầu là ông V. người cùng quê với ba anh em ông Bính mua mang xuống, cây quạt là của chủ nhà cho.

4 thợ hồ từng ăn mì tôm 2 tuần đã được tiêm vắc xin Covid-19

“Mong sớm về quê”

4 người chỉ có dăm ba bộ quần áo, vài cái bát, một ấm siêu tốc để nấu nước và gói bột giặt dùng để giặt áo quần và rửa chén bát. Tắm rửa sinh hoạt đều sử dụng vòi nước ở trong công trình, không có thau chậu, các ông sử dụng xe rùa để giặt đồ và rửa chén.
“Tiền anh em đã cạn kiệt, vì chỉ làm 2 tuần lương, mà tuần cao nhất cũng chỉ được 4 - 5 ngày, trả nợ tiền vay mượn vào những ngày đầu mới vào, tiêu xài tiết kiệm nhưng rồi cũng hết. Tính ra đã 2 tuần ăn mì tôm rồi”, ông nói.

Ông Gấm rơi nước mắt khi nghĩ đến vợ con

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Theo ông Bính đã nhiều năm, ông Trần Đăng Gấm (50 tuổi) bày tỏ làm việc ở quê cả năm mới được trả lương một lần, nhằm khi gặp phải lừa đảo xem như mất trắng. Vào Sài Gòn tuy xa xôi nhưng phát lương theo tuần, tiền lương cũng cao hơn, một ngày công hơn 300.000 đồng.
Mắt đỏ khi nhắc đến vợ con, ông cho biết con trai đang ngồi một góc trong lán học đến lớp 9 thì bỏ học theo ông đi phụ hồ. Không khóc vì phải chịu khổ, ông Gấm rơi nước mắt vì nghĩ rằng mình là người cha mà hàng ngày nhìn thấy con đi làm phải chịu khổ cùng mình. Ở nhà ông còn mẹ già với một đứa con học lớp 5, cả nhà đều trông chờ vào số tiền ông đi làm thuê.

Toàn bộ sinh hoạt đều sử dụng vòi nước ở công trình

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Cả đời đi làm thuê chưa có năm nào như năm này, suy sụp tinh thần. 2 tuần đầu thì không sợ nhưng bước qua tuần thứ 3 thì bắt đầu sợ vì tiền mình đã cạn kiệt, thứ 2 là ăn mì tôm riết nên cơ thể không thể chịu đựng được nữa”, ông nói.

Không có thau chậu nên xe rùa được sử dụng để thay thế

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cũng như những người nông dân khác, vợ ông Lê Duy Kỳ (47 tuổi) ở quê làm ruộng, con 2 đứa một người làm công nhân và một đang đi học. Không muốn gia đình lo lắng, ông Kỳ giấu việc thất nghiệp và ăn mì gói hơn nửa tháng qua. Mỗi lần vợ con gọi vào hỏi thăm đều cắn răng bảo đang ổn, động viên ở nhà cứ yên tâm.
“Anh em ở trong cùng một xã cũng gần nhau, cùng nhau chịu khổ cực đã bao nhiêu năm nay. Ở quê thì làm lúa cũng chỉ đủ ăn thôi, mình cũng phải đi làm thêm bên ngoài”, ông nói.

Những người thợ hồ chỉ có mong muốn là sớm được về quê

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Có người quen đến thăm đúng ngày mưa, chứng kiến hoàn cảnh của các ông nên đăng tải lên mạng xã hội. Nhóm ông Bính sau đó cộng đồng mạng giúp đỡ nồi, bếp ga mi-ni và gạo.
Có cơm ăn đầy đủ qua ngày, ông Bính cũng đã liên hệ với hội đồng hương đăng ký về quê nhưng chưa được. Nhìn xa xăm, ông Bính tâm sự: “Chúng tôi đều là người nông dân có sao nói vậy. Giờ cũng không mong muốn gì chỉ mong sao có xe để được về quê, vì người nhà và chúng tôi đều nóng ruột. Dịch này không ai lường trước được gì...”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Lực (Tổ trưởng tổ dân phố Tổ 102, KP.14, P.12, Q.Gò Vấp) cho biết trước đó ông V. (chủ thầu của công trình) có đăng ký cho 4 người thợ hồ vì công trình tạm ngưng để được nhận hỗ trợ. “Tôi cũng đã báo danh sách lên phường rồi”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.