Buồn vui nơi góc bếp
Chỉ là 3 cục đất sét được nhào nặn không công phu như các loại gia dụng khác, nhưng khi đặt vào vị trí góc bếp, làm nhiệm vụ “gánh gồng” nồi niêu xoong chảo mỗi khi nấu nướng thì được gọi là “ông” - ông Táo. Sự thiêng liêng được ký gửi vào cách xưng hô này.
Trong tâm thức của người Việt, ông Táo luôn có chỗ đứng rất thiêng liêng. Vì dù được đặt ở vị trí trong xó bếp, song ông Táo lại giữ một vai trò rất quan trọng trong mỗi gia đình. Ông Táo gần như chứng kiến toàn bộ cuộc sống phú quý hay nghèo khổ của gia chủ. “No cũng ngày ba bữa, đói cũng đỏ lửa ba lần”, ông bà ta đã chẳng nói thế sao.
Góc bếp của ông Táo là nơi mẹ ta thức dậy cùng tiếng gà để lui cui nhóm lửa chuẩn bị cho một ngày mới sắp bắt đầu. Có khi là một nồi khoai luộc hay chỉ là nắm xôi, thậm chí chỉ một ấm nước chè, tất cả đều được qua cửa ông Táo. Đó cũng là nơi cha ta hơ bàn tay lạnh cóng để sưởi ấm sau một ngày cày cuốc trong giá rét những tháng cuối năm. Đó cũng là nơi luôn nhắc nhở đến sự nhường nhịn nhau trong đạo vợ chồng, qua câu cửa miệng: “Cơm sôi bớt lửa”...
Ông Táo như là người ghi nhật ký trung thành nhất về những sự kiện diễn ra trong năm của từng nhà. Bởi thế, vào mỗi dịp cuối năm, đúng ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhà nào cúng đưa ông Táo về trời bằng một nồi chè và xôi để ông “báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch trong năm”, đồng thời “đề đạt nguyện vọng” của gia chủ với Ngọc Hoàng. Không một gia đình nào thời xưa, dù địa chủ hay bần nông, dám bỏ qua lễ cúng chè xôi vào dịp cuối năm này.
Chầu rìa xem cúng
Tôi không phải con cả trong nhà nhưng cha tôi lại “tin tưởng” tôi trong việc... sai vặt mỗi khi ông tiến hành các lễ cúng trong năm. Lúc thì đi mua rượu, khi thì lấy nước tráng miệng hoặc đốt các ngọn đèn cầy... nên tôi phải luôn túc trực bên cạnh mâm cúng để mỗi khi ông gọi tên là phải “dạ có” ngay. Trong các lệ cúng thì cúng đưa ông Táo là tôi ngán ngại nhất.
Gà gáy canh một, khi mẹ dậy nhóm bếp để nấu nồi chè và xôi thì cha con tôi cũng bắt đầu thức dậy để tiến hành các bước. Tuổi ăn tuổi ngủ mà bị dựng đầu dậy lúc quá nửa đêm như thế, quả là một cực hình. Nhưng riết rồi đâm quen, tôi thức dậy một cách tự giác mỗi khi thấy mẹ tôi chuẩn bị nguyên liệu cho việc nấu chè và xôi từ đêm hôm trước. Tất cả nguyên liệu cho lễ cúng đưa ông Táo đều phải “tinh luyện”, loại ngon, loại tốt nhất... như thế để thấy rằng, cuộc “báo cáo tổng kết” hằng năm với Ngọc Hoàng phải là một “lễ trọng” chứ không đơn giản dù bày biện trên mâm cỗ chỉ có hai món chè xôi.
Khi đã xong mọi công đoạn, cha tôi thắp hương và bắt đầu lầm rầm khấn vái. Tôi không rõ ông “báo cáo” với Ngọc Hoàng những gì, song điều này là chắc chắn: mong được Trời Phật phù hộ để gia đình, xóm làng được bình yên, sớm thoát nạn binh đao (trước năm 1975), mùa màng tươi tốt...
Vừa buồn ngủ, thằng bé tuổi vừa tròn con giáp là tôi phải đứng co ro trong cái rét cuối năm, nghe câu chuyện của cha mình ký thác vào đất trời... mà lòng dậy lên một cảm giác khó tả. Nhưng vui nhất là khi nghe cha tôi nói câu này: “Xong, dọn xuống con!”. Tôi vui không phải vì được thoát khỏi cảnh đứng chầu rìa trong cơn buồn ngủ mà là được... ăn chè. Trẻ con bây giờ có vạch mồm ra nhét chè vào lúc nửa đêm như thế, bố bảo chúng cũng nhè ra, nhưng thời đói kém ấy, được ăn chè là một mơ ước đối với lũ trẻ chúng tôi.
Táo ra gốc gáo
Sáng hôm sau buổi cúng đưa ông Táo, trong đôi quang gánh của những người đàn bà đi chợ sớm có sự hiện diện của những ông Táo đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Nơi trú ngụ cuối cùng của “ông ta” là dưới các gốc gáo đầu làng. Cái cảm giác phế hoang như trùm lên nỗi sợ hãi về một kẻ khuất mặt nào đó đối với lũ trẻ khi nhìn những ông Táo, bình vôi lăn lóc dưới gốc cây. Nghĩ cũng lạ thật, khi loại gia dụng này còn hiện diện trong nhà thì chúng là những người bạn thân thiết, nhưng khi đã xong chức phận rồi thì trở thành điều kinh sợ của đám trẻ con. Thì ra, khi đã hết vai trò “ông Táo”, đất rồi cũng đất hoàn đất thôi. Chẳng còn ai khom lưng quỳ gối để... lạy nữa.
Và trưa hôm đó, từ chợ về, trong đôi quang gánh của những bà mẹ quê, thế nào cũng có 3 ông Táo mới cứng.
Nhìn những ông Táo mặt đỏ au vừa mới thoát thai từ ngọn lửa nung, tôi như thấy mùa xuân đang chạm ngõ. Một năm mới lại về. Để rồi 12 tháng sau, tôi lại đứng chầu rìa trong giá rét cuối năm, xem cha tôi cúng đưa ông Táo...
Bình luận (0)