Phía sau chuyện lên Facebook rủ bạn trộm 'mồi nhậu' của cha thả biển

18/08/2020 10:45 GMT+7

Một người đàn ông ở Quảng Nam đi biển bắt được con đồi mồi (rùa biển) nặng hơn 18kg định làm thịt để đãi bạn. Tuy nhiên, con trai ông đã lên Facebook rủ bạn đến nhà “trộm” mồi nhậu của cha rồi chèo thuyền ra biển thả.

Câu chuyện dù đã xảy ra nhiều ngày trước, nhưng phía sau nó là một hành động và suy nghĩ rất nhân văn của người con trai khiến cư dân mạng vừa bật cười, vừa thấy ấm áp.

Giả vờ thiếu nợ mua lại của cha

Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Võ Hồng Rôn (28 tuổi, thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, H.Núi Thành, Quảng Nam) có 4 năm lắp ráp giàn khoan tại Vũng Tàu. Sau khi lấy vợ, anh về quê gắn bó với nghề đi biển được 2 năm nay. Theo anh Rôn, tuần trước, cha anh, ông Võ Hồng May cùng bạn tàu đi biển về với một con rùa biển nặng 18kg bị mắc câu.
Ông May và bạn tàu định bán đi nhưng được trả giá rất rẻ nên giữ lại làm... mồi nhậu chiêu đãi bạn bè. Tuy nhiên, sợ bị phát hiện nên ông bỏ vào một cái khay rồi che đậy rất kín.
“Khi mình phát hiện ra trong khay kia là một con rùa biển, mình đã “ra giá” với ba là bán cho mình 2 triệu đồng và được ba đồng ý. Mục đích của mình sẽ mua lại để mang ra biển thả nên giả vờ trong túi chỉ được 500.000 đồng để ba bán rẻ nhưng bất thành”, anh Rôn cười nói.
Anh Rôn thả chú rùa là “mồi nhậu” của cha về biển

Anh Rôn thả chú rùa là “mồi nhậu” của cha về biển

Vì anh Rôn không đủ tiền để mua nên ông May không bán. Tranh thủ trưa ba đi vắng, anh Rôn nảy ý định sẽ... ăn trộm. Vì “mồi nhậu” của ba nặng nên anh Rôn đã lên Facebook cá nhân gọi “đồng bọn” tới phụ khiêng. Ngay lập tức có một người bạn tới phụ anh, sau đó gần cả chục người rầm rộ kéo nhau tới nhà anh để giúp trộm rùa. Giữa trưa nắng, chú rùa được chở ra bãi biển Tam Tiến, sau đó đưa lên thuyền thúng chèo ra xa và thả về với biển cả.
“Mình cố chèo thuyền thúng ra thật xa, đến khi nào cảm thấy không còn sức để chèo nữa thì mình mới dừng lại để thả rùa về biển. Bởi, nếu thả rùa ở gần thì những người dân thả lưới gần bờ rồi cũng sẽ bắt được nó ngay”, anh Rôn nói.
Anh Rôn định sẽ dẫn vợ con về ngoại trốn ít ngày để ba nguôi cơn thịnh nộ nhưng bất thành. “Mình khai đem rùa đi thả rồi nhưng ba vẫn không tin, tưởng mình chỉ nói đùa. Nhưng khi mình cho ba xem đoạn clip quay cảnh thả rùa, ba đã mắng cho một trận lôi đình. Giải thích thế nào ba cũng không chịu nghe”, anh Rôn nói.

Giúp cha cùng bảo tồn rùa biển quý giá

Để nhằm “giảm nhanh” cơn giận của ba, anh Rôn lên Facebook của người dân Tam Tiến ghi số điện thoại của ba, nhờ mọi người nhắn tin để ba hiểu việc thả rùa đáng làm chứ không đáng trách. Nhận được nhiều tin nhắn, ông May cũng nghĩ thông nên đã bỏ qua cho anh Rôn. “Đến nay ba con bình thường rồi, ông tức giận nhất thời vậy thôi, sau đó thì đâu lại vào đó cả”, Rôn cười.
Anh Rôn kể đây không phải là lần đầu tiên anh thả rùa. Trước đây đi biển gặp rùa mắc lưới, anh cũng thả ngay. Không riêng gì anh mà nhiều người dân đi biển ở xã Tam Tiến khi gặp rùa mắc lưới cũng thường xuyên thả xuống biển.
“Mình từng đọc nhiều bài báo viết về tình trạng rùa biển ngày càng suy giảm số lượng. Bên cạnh đó, rùa biển phải có tuổi đời gần 20 năm mới sinh sản một lần và tỷ lệ ấp trứng nở là rất thấp. Chỉ mong các ngư dân có thể biết được và sớm hành động để bảo vệ, bảo tồn loài rùa biển quý giá này”, anh Rôn chia sẻ.
Hai cha con anh Rôn ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Hai cha con anh Rôn

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ông Võ Văn May (50 tuổi) cho hay thời điểm đó cũng chỉ tức giận nhất thời vì con không hỏi ý kiến mình mà tự thả rùa đi. Mặt khác bởi lỡ hứa với bạn bè là sẽ đãi nhậu bằng món rùa biển nên cũng không biết nói sao. Tuy nhiên, ông đã nhận ra đó là việc làm đúng đắn, bởi như vậy mới bảo tồn được những loại động vật này. “Sau này có đi biển nếu không may rùa mắc lưới thì tôi cũng sẽ thả về biển như cách con trai tôi đã làm”, ông May tâm sự.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho hay việc người dân tự giác thả rùa về biển là một việc quá tốt. “Đối với những việc làm này thì chúng tôi luôn khuyến khích để người dân phát huy nhiều hơn nữa tính tự giác để bảo vệ các loài động vật quý hiếm”, bà Tâm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.