Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Ngập thì nói ngập, không nói tụ nước'

28/05/2018 19:32 GMT+7

'Từ ngữ chuyên môn chỉ phục vụ cho yêu cầu kỹ thuật trong nội bộ, còn nói với xã hội, nói với người dân, nói với chính quyền thì phải nói đúng thực tế', ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Chiều nay (28.5), tại cuộc họp của UBND TP.HCM sau những trận ngập nước dồn dập, nặng nề ngay từ đầu mùa mưa 2018, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ sự không hài lòng về cách một số cơ quan, đơn vị chuyên ngành của TP.HCM sử dụng từ ngữ để mô tả tình trạng ngập gây bức xúc dư luận. 
[VIDEO] Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Ngập thì nói ngập, không nói tụ nước'

"Ngập thì nói ngập, không nói tụ nước. Từ ngữ chuyên môn chỉ phục vụ cho yêu cầu kỹ thuật trong nội bộ, còn nói với xã hội, nói với người dân, nói với chính quyền thì phải nói đúng thực tế", ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định. 

Ông Trần Vĩnh Tuyến nói thêm: "Ngập vừa qua mà nói tụ nước chứ không phải ngập là không được. Dù là một ụ nước mà gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt, gây bức xúc cũng phải xác định đó là nhiệm vụ phải lo tập trung giải quyết rồi".

Nỗ lực của thành phố thì không có gì phải giấu. Cái gì tốt mình công nhận, xã hội cũng sẽ công nhận. Cái gì chưa tốt thì xã hội cũng đánh giá, góp ý, phê phán, chúng ta phải cầu thị tiếp thu để sửa. Chúng ta phải chịu trách nhiệm giải quyết. Khi nào người dân còn bức xúc vì ngập nước, thì khi đó mình phải còn trách nhiệm.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Về tình hình đầu tư chống ngập, ông Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận tiền làm dự án là tiền của người dân. "Sử dụng tiền của người dân mà mình không thuyết minh được tính hiệu quả là không được. Rõ ràng cần phải thông tin đầy đủ. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước phải thông tin đầy đủ cho xã hội, báo chí hằng tuần về tình hình chống ngập, nơi nào chống ngập thành công, nơi nào chưa thành công để báo chí thông tin, người dân giám sát. Giải quyết chống ngập phải chính xác, minh bạch, huy động mọi người cùng hiến kế, giám sát", ông Trần Vĩnh Tuyến nói. 

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, cần nhận diện đầy đủ nguyên nhân gây ngập, nơi nào ngập do nước biển dâng, nơi nào ngập do mưa, nơi nào ngập do triều cường, nơi nào ngập do đô thị phát triển "nóng", nơi nào ngập do kênh rạch bị san lấp, do xả rác ùn ứ cống thoát nước... đều phải được nhận diện cụ thể, cập nhật đầy đủ, không sử dụng báo cáo cũ để phân tích. 
"Biện pháp quản lý quy hoạch, biện pháp công trình, phi công trình... phải tính toán thực hiện đồng bộ ra làm sao, phù hợp từng vị trí, khu vực ra làm sao, chứ không phải cứ lo đổ tiền ra đầu tư chống ngập", ông Trần Vĩnh Tuyến lưu ý, đồng thời chỉ đạo các sở ngành liên quan phân tích chặt chẽ, sâu sắc từng giải pháp, "bởi chỉ cần sai 1 giải pháp thôi thì gây lãng phí nguồn lực đầu tư, bức xúc xã hội, không hiệu quả".
Chia sẻ về công tác chống ngập mà chính quyền thành phố đã và đang thực hiện, ông Trần Vĩnh Tuyến nói: "Nỗ lực của thành phố thì không có gì phải giấu. Cái gì tốt mình công nhận, xã hội cũng sẽ công nhận. Cái gì chưa tốt thì xã hội cũng đánh giá, góp ý, phê phán, chúng ta phải cầu thị tiếp thu để sửa. Chúng ta phải chịu trách nhiệm giải quyết. Khi nào người dân còn bức xúc vì ngập nước, thì khi đó mình phải còn trách nhiệm". 
[VIDEO] Đêm chật vật khi nhiều tuyến đường TP.HCM giống miền Tây mùa nước nổi
Từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM bị ngập sâu mỗi khi trời mưa ẢNH: AN HUY
Công tác chống ngập chưa được như kỳ vọng
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM thừa nhận: "Công tác chống ngập chưa được như kỳ vọng, dù thực tế có đạt được một số kết quả nhất định". 

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết trong năm 2018 trên địa bàn TP.HCM có 22 trận mưa gây ngập nước, trong đó trận mưa lớn nhất dẫn đến ngập nặng nề trên diện rộng xảy ra vào ngày 19.5 vừa qua. Theo đó, có hàng loạt tuyến đường phải mất từ 3 - 5 giờ đồng hồ nước mới rút hết. 
Cập nhật các nguyên nhân gây ngập nặng, ông Dũng cho rằng do vũ lượng lớn, nhiều trận mưa có vũ lượng trên 100 mm, đỉnh triều vượt qua ngưỡng 1,7 m, vượt tần xuất thiết kế hệ thống thoát nước theo Quyết định 752 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước tại TP.HCM (vũ lượng tối đa chỉ 95,91mm, đỉnh triều chỉ +1,32m). Đặc biệt, có những khu vực đô thị phát triển "nóng", hạ tầng không theo kịp nên hễ mưa là ngập nước. 
Ngoài ra, theo ông Dũng, ngập nước nặng nề còn do tình trạng đầu tư chưa đồng bộ, tình trạng xả rác xuống hệ thống cống thoát nước, hệ thống cống thoát nước bị lấn chiếm; nhiều dự án đang triển khai chưa hoàn thành nên chưa phát huy tác dụng...
Đề cập đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, nói: "Đô thị của mình có nơi "áo mới" nhưng nhiều nơi đang khoác "áo cũ", không có sự đồng bộ. Chúng ta cần đánh giá toàn diện về nguyên nhân, tính đến từng vị trí, từng khu vực cụ thể, rà soát cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được để tập trung khắc phục".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.