Phong tỏa cách ly toàn P.Tân Phú ở Thủ Đức: 'Vô rồi khỏi ra, nên xin nghỉ làm luôn!'

06/07/2021 12:37 GMT+7

Nhiều người dân tập trung trước các chốt phong tỏa P.Tân Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM), người muốn vào làm việc, người muốn rời phường. Với người muốn ra, cán bộ chỉ giải quyết cho trường hợp cấp thiết, người đi gác thi...

Từ 0 giờ ngày 6.7, P.Tân Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) chính thức thiết lập phong tỏa, cách ly y tế theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Theo đó, 12.000 hộ dân với 34.750 nhân khẩu bị phong tỏa phòng dịch cho đến khi có thông báo mới. Quyết định được TP.Thủ Đức đưa ra khi số ca nhiễm Covid-19 tại một doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP.HCM tăng đột biến.

"Vào rủi bị bệnh thì chết"

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại nhiều chốt kiểm soát, lực lượng bảo vệ dân phố, công an, dân quân tự vệ canh gác nghiêm ngặt, linh động giải quyết các trường hợp xin ra, vào.
Từ sáng sớm ngày đầu tiên phong tỏa, nhiều người dân đứng phía trước chốt kiểm soát đường Hoàng Hữu Nam - đường số 154. Đa phần người bên trong đến để xin ra ngoài, nhận thực phẩm tiếp tế, người bên ngoài thì lưỡng lự không biết có nên vào trong hay không nên gọi điện thoại thông báo, hỏi thăm người thân liên tục.

Một chốt kiểm soát trên đường 154, P.Tân Phú, TP.Thủ Đức sáng 6.7

ẢNH: CAO AN BIÊN

Khu vực thuộc P.Tân Phú được giăng dây phong tỏa

ẢNH: CAO AN BIÊN

Nhóm của anh Đặng Việt Huấn (30 tuổi, ngụ P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) dừng xe phía trước chốt phong tỏa, cầm một tờ giấy trên tay rồi lại hỏi cán bộ: “Anh ơi tôi có giấy xác nhận đang làm việc của công ty, công ty tôi trong khu vực phong tỏa này nè thì có vào được không?”. Sau khi trao đổi, người này lắc đầu nói với đồng nghiệp: “Không được rồi”.
Anh Huấn tâm sự rằng từ lúc hay tin công ty mình làm việc nằm trong khu vực phong tỏa, anh có chút lo lắng không biết có đi làm được hay không. Công ty đã làm một tờ giấy xác nhận nên anh cứ nghĩ có thể ra vào bình thường. Tuy nhiên, khi nghe lực lượng trực chốt nói: “Chúng tôi chỉ giải quyết cho những trường hợp đặc biệt, anh vào rồi là không thể ra được cho tới khi hết phong tỏa” thì anh Huấn và các đồng nghiệp hoang mang không biết nên làm sao.
“Bây giờ tính sao mọi người, hay về lấy quần áo cho đủ rồi vô trong đó làm. Chứ ở ngoài sao đi làm? Bây giờ vô ở đó rồi gia đình sao? Với lại cũng nguy hiểm tại trong đó là vùng dịch, rủi bị lây bệnh thì chết”, một người nói. Cuối cùng cả nhóm quay xe về, quyết định nghỉ làm.

Chốt kiểm soát đường Hoàng Hữu Nam - đường số 154 có nhiều người muốn ra ngoài sáng 6.7

ẢNH: CAO AN BIÊN

Nhóm của anh Đặng Việt Huấn (30 tuổi, ngụ P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) dừng xe phía trước chốt phong tỏa chần chừ không biết nên vào hay không

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông Hoàng Văn Cẩm (43 tuổi) chạy đến chốt phong tỏa với 2 thùng mì được chất lên xe. Ông nói mình làm tài xế chở hàng cho một công ty bên trong, tuy nhiên đang rất phân vân không biết có nên vô hay không.
“Có một cô làm trong bếp ăn của công ty cũng thân với tôi nhờ mua hai thùng mì tiếp tế, còn tôi thì đang do dự xem là có nên đi làm tiếp hay không. Bây giờ mà nghĩ làm rồi không biết mà sống sao”, ông nói.
Chưa dứt lời, một người phụ nữ đứng tuổi từ xa tiến đến, vẫy tay chào ông Cẩm. Ông được cán bộ trực chốt hướng dẫn cách để giao hàng cho người này, sau khi xong việc ông nói vọng vào trong: “Bữa nay gặp chắc còn lâu lắm mới gặp lại. Cô giữ sức khỏe nhá” rồi chào tạm biệt.
“Tôi quyết định rồi, tôi sẽ gọi công ty xin nghỉ làm. Tôi làm tài xế, giờ phong tỏa vậy chắc cũng ít việc, thậm chí chắc không có việc gì làm làm. Thôi ở ngoài cho lành”, ông Cẩm quay qua nói với tôi.

“Cán bộ giải quyết nhanh gọn”

Khác với nhóm công nhân trên kia, nhiều người dân đã “chắc nịch” sẽ vào bên trong. Một thanh niên chạy xe máy tới khu vực bị phong tỏa rồi nói với cán bộ: “Anh cho em vô”. Khi một chiến sĩ công an hỏi: “Vô không ra được nha, vô không?”, thanh niên này quả quyết: “Em nghĩ kỹ rồi, vô chứ sao không. Nhà em trong đó không vô rồi chỗ đâu ở”. Nói xong người này nhanh chóng chạy xe vào khu vực phong tỏa.
Tương tự, bà Trương Thị Ngọc Ánh (40 tuổi) cũng chở hai con gái xin được vào bên trong. Bà cho biết mấy ngày qua, bà và các con về nhà ngoại đến nay hay tin phong tỏa thì quyết định về nhà.

Nhiều người bên trong muốn ra, tuy nhiên chỉ có những trường hợp cấp thiết mới được giải quyết

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Không biết phong tỏa đến khi nào hết nên tôi về để trông coi nhà, với lại cũng còn ông xã nữa. Hôm qua chồng tôi cũng mua nhiều đồ về dự trữ rồi nên cũng không lo, chỉ cần ở yên trong nhà là sẽ không sao”, bà Ánh lạc quan.
Trong một buổi sáng, nhiều trường hợp ở bên trong khu vực phong tỏa muốn xin ra, tuy nhiên vì không có lý do cấp thiết nên không được giải quyết. Một cán bộ trực chốt cho biết họ chỉ giải quyết cho những trường hợp cấp thiết theo quy định được rời khỏi khu vực phong tỏa.
Từ sáng, tại chốt kiểm soát Hoàng Hữu Nam - đường số 154 đã làm thủ tục cho nhiều giáo viên công tác trong kỳ thi THPT Quốc gia được ra ngoài.

Một công nhân thất vọng khi nghe cán bộ thông báo “Vào rồi sẽ không thể ra cho tới khi hết phong tỏa”

ẢNH: CAO AN BIÊN

Anh Hoàng Văn Cẩm (43 tuổi) mang 2 thùng mì đến tiếp tế cho người quen

ẢNH: CAO AN BIÊN

Bà Vũ Hồng Hạnh (43 tuổi) đang là giáo viên của một trường THPT ở Q.9, sau khi hoàn tất thủ tục thì được ra khỏi khu vực phong tỏa. Bà cho biết: “Tôi làm nhiệm vụ gác thi trong kỳ thi quan trọng sắp tới nên được ra. Cán bộ ở đây rất linh động, làm việc nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định. Tôi khai báo y tế, trình các giấy tờ chứng minh là xong, chưa đầy 5 phút”.
Từ lúc nơi mình ở bị phong tỏa, bà Hạnh nói mình không quá hoang mang hay lo lắng vì trước đó bà “hết sức cẩn thận, luôn biết cách giữ an toàn cho bản thân”. Cô giáo này mong rằng những ngày sắp tới kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được diễn ra suôn sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.