Phụ nữ cảnh giác với tội phạm quay lén trong nhà vệ sinh

Cứ mỗi buổi sáng, các chị nữ cảnh sát và nữ bảo vệ của nhà ga tàu điện ngầm Seoul, Hàn Quốc lại cầm đèn pin đi một vòng kiểm tra tất cả các phòng toilet dành cho phụ nữ.

Họ kiểm tra thật kỹ từ những ngõ ngách nhỏ nhất trong bồn cầu, trên cửa, các khe hở của bồn nước, đèn chiếu sáng phía trên, các khe hở của các tấm kiếng để phụ nữ soi và chải tóc, xem có… chiếc camera nhỏ xíu nào được cài cắm ở những nơi ấy không.
Hàn Quốc là một quốc gia giỏi hàng đầu về sản xuất, chế tạo những sản phẩm công nghệ thông tin hiện đại, trong đó có dải băng thông rộng và điện thoại thông minh. Một số người - chủ yếu là đàn ông, đã lợi dụng thành tựu công nghệ thông tin ấy, làm những việc tệ hại là gắn… camera siêu nhỏ cố định ở những nơi phụ nữ vào phòng vệ sinh, tắm rửa, thay đồ hay “tân trang” nhan sắc.
Camera tự động quay các clip để họ làm trò giải trí. Những camera siêu nhỏ ấy có thể được ngụy trang trong một chiếc nút áo nhét vào các khe hở, một đầu bút bình thường đặt kín đáo sau tấm kiếng hoặc ở bất kỳ một ngõ ngách nào đó.
Các nữ nạn nhân bất đắc dĩ hoàn toàn mất cảnh giác trước những ý định xấu ấy. Vả chăng, những nơi công cộng đông phụ nữ ra vào như phòng vệ sinh tàu điện ngầm, cư xá nữ sinh viên, các rạp chiếu phim và rạp hát, các siêu thị, người ta chỉ vào trong chốc lát để làm việc cần làm rồi bước ra, chẳng ai nghĩ đến chuyện mình bị ai đó lắp đặt máy quay lén hình ảnh nhạy cảm làm gì.
Những trò quay lén cổ điển như đặt máy quay trên cầu thang lên để quay lén phía sau và bên trong của các phụ nữ mặc váy ngắn đã… xưa như trái đất, dễ bị khám phá. Thiên hạ đổi mốt chơi, đặt camera siêu nhỏ quay lén trong các nhà vệ sinh!
Ai cũng biết những nhà vệ sinh công cộng là nơi mọi người vào đó để làm cái gì. Vì vậy mà các “cameraman” nghiệp dư sẵn sàng nhét camera vào những chỗ kín đáo, bất ngờ nhất để quay lén những chỗ nhạy cảm trên thân thể phụ nữ.
Những xen phim trời ơi đó được xử lý, cắt cúp, biên tập, có khi ghi chú thêm các hàng chữ thuyết minh dài dòng rồi đưa lên mạng. Người ta vào trang “quay lén” coi, rồi like, rồi share và “trân trọng kính giới thiệu cho anh em đồng đạo” cùng coi.
Con số clip quay lén vì vậy mà phát triển không ngờ, năm sau cao hơn năm trước. Người ta thống kê rằng nếu năm 2005 chỉ có khoảng 1.400 vụ quay lén như vậy thì năm 2015 đã lên đến 6.400 vụ. Hành vi đặt máy quay lén những hình ảnh, những sinh hoạt nhạy cảm của người phụ nữ rồi đưa lên mạng là vi phạm pháp luật, ít nhất là vi phạm quyền nhân thân. Vì vậy quay lén là hành vi tội phạm - tội phạm quay lén.
Không chỉ riêng ở Hàn Quốc mà ở tất cả các quốc gia khác trên toàn thế giới đều có tội phạm quay lén hoạt động, diễn ra hằng ngày hằng giờ. Nước ta cũng đang có chuyện này. Đã có những người đưa lên mạng những hình ảnh, những đoạn clip mà nội dung là phụ nữ thay đồ, tắm, chuyện chăn gối với ai đó mà người trong cuộc không tự động chụp, quay clip và đưa lên.
Thậm chí một vài ông chủ khách sạn, nhà nghỉ đã có tục ý đặt máy quay phim trong phòng loại VIP rồi “kính mời” một chức sắc nào đó đưa phụ nữ vào diễn những cảnh éo le, gay cấn. Các ông chủ ấy dùng cuốn phim hay clip quay lén được để làm áp lực với một trong hai nạn nhân, khống chế họ và buộc họ phải làm một cái gì đó có lợi cho mình.
Hành vi quay lén ngày nay là một trong những biểu hiện để thỏa mãn khuynh hướng thị dâm - thỏa mãn bản năng tình dục bằng mắt, là khuynh hướng xưa rích và từng được coi là không phạm tội trước pháp luật.
Chuyện kể rằng, vua Gia Tĩnh (Minh Thế tông) - ông vua thứ 12 của triều Minh, ngồi trên ngai vàng cai trị Trung Quốc 45 năm. Trong 5 năm cuối đời, Gia Tĩnh bị chứng thị dâm nặng, buộc các nghệ nhân làm đồ sành sứ (céramique) phải làm riêng cho mình các món từ khí đặc biệt có hình ảnh nam nữ giao phối chìm trong bình trà, chung trà.
Khi rót nước nóng vào, các hình ảnh đó sẽ hiện lên cho nhà vua giải trí. Người đời sau gọi các món từ khí đó là bí hí khí - từ khí vui vẻ trong phòng kín hay nam nữ tư tiết khí - từ khí nam nữ giao phối nhau.
Ông còn ra lệnh cho các cung nữ khéo tay thêu những bức xuân cung đồ - bức thêu diễn tả rõ vùng âm đạo của phụ nữ để xem. Quyển thứ tư trong bộ tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung xây dựng nhân vật Tống Thanh Thư - đệ tử đời thứ ba phái Võ Đang, từng lập thành tích… dòm lén các nữ đệ tử phái Nga Mi ngủ nhiều lần. Một sư thúc của y bắt gặp chuyện y thị dâm. Sợ bị sư thúc tố cáo, y liền giết chết để bịt miệng...
Vâng, đó là chứng thị dâm cổ điển, mờ mờ, ảo ảo, chủ yếu nhằm giải trí không lành mạnh. Thị dâm hiện đại cụ thể hơn, kinh hoàng hơn, rõ ràng hơn. Ấy bởi vì nó nhờ đến những phương tiện nghe nhìn tiên tiến nhất của công nghệ thông tin tối tân nhất để quay lén. Người xưa chỉ dòm chút đỉnh một mình ên, nhiều lắm là tưởng tượng rồi kể lại cho người khác nghe thì người đời nay up nguyên con lên các trang mạng, cho nên “khán thính giả” hơi bị nhiều.
Không còn nghi ngờ gì nữa, quay lén chuyện nhạy cảm của người khác rồi phổ biến ra cho nhiều người xem là hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự. Hành vi ấy nguy hiểm ở chỗ xâm phạm đời tư cá nhân (quyền nhân thân), có dấu hiệu làm nhục người khác và làm rối loạn trật tự xã hội.
Pháp luật đất nước ta chưa gọi đích danh hành vi ấy là “tội phạm quay lén” nhưng đã đưa ra xét xử một số vụ điển hình về các cameraman trời ơi đó với các tội danh làm nhục người khác hoặc cưỡng đoạt tài sản (nếu bị bắt quả tang đang tống tiền nạn nhân).
Công nghệ thông tin tiến nhanh vùn vụt, chắc chắn là hành vi quay lén sẽ còn phát triển nhiều hơn, tinh vi hơn, cổ quái hơn. Bản thân công nghệ thông tin không có tội; cái tội là của con người quay lén và dùng sản phẩm quay lén được vào những mục đích đen tối.
Ai cũng có một đời sống bình thường với những sinh hoạt bình thường như tắm rửa, thay quần áo, bài tiết, chăm sóc nhan sắc... Đặt camera ghi lại những hoạt động ấy của người ta là việc làm không nên, không phải.
Ngay giới làm báo dù có quyền được thông tin nhưng khi sử dụng hình ảnh cá nhân của một ai đó đưa lên báo, nhà báo cũng phải xin phép hoặc hỏi ý kiến của họ trước. Ngay đến những đài truyền hình dù được quyền thông tin nhưng có trường hợp vẫn thận trọng sử dụng kỹ thuật che mờ hay xóa nét khuôn mặt của các nhân vật, dù nhân vật ấy bị bắt quả tang phạm pháp. Điều ấy vừa là quy định pháp luật, cũng đồng thời là cái tình, cái nghĩa giữa người và người với nhau.
Đừng bao giờ quay lén hình ảnh, sinh hoạt của người khác - nhất là phụ nữ để đưa lên mạng cho nhiều người cùng xem và đàm tiếu. Chưa nói đến chuyện có thể bị luật pháp chế tài, hành vi đáng tiếc ấy chắc chắn không phải là cách hành xử nhân hậu giữa người và người với nhau. Mặt khác, những hình ảnh ấy có hại cho đầu óc và tâm hồn con em chúng ta. Xin đừng làm hại chúng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.