Phụ nữ U.60 nhận người dưng về làm 'mẹ' để chăm sóc: ‘Người ta nói tôi bị điên!’

20/10/2019 13:09 GMT+7

“Khi tôi nhận cụ Mịch về nhà chăm sóc, phụng dưỡng nhiều người nói tôi bị điên khi mới ôm cái khổ vào thân...”, bà Lê Thị Mộng Thu nói.

Tư nhiên có thêm mẹ

Bấy lâu nay, có một câu chuyện chỉ tưởng như trong cổ tích mà người dân ở vùng quê nghèo xã Tam Vinh (H.Phú Ninh, Quảng Nam), vẫn thường hay truyền tai nhau. Đó là chuyện bà Lê Thị Mộng Thu (52 tuổi, trú tại thôn Tân Quý, xã Tam Vinh) bất chấp lời dị nghị của bà con lối xóm, nhận cụ Nguyễn Thị Mịch (80 tuổi, cùng thôn) đưa về nhà chăm sóc như chính mẹ của mình dù cả hai không có mối quan hệ họ hàng nào.

Từ khi đón cụ Mịch về, bà Thu chăm sóc cận thận và xem như mẹ mình

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Bước vào căn nhà cấp 4 cũ kỹ, không mấy rộng rãi nằm sát đường DT615, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ với dáng vẻ gầy gò, khuôn mặt khắc khổ đang nhẹ nhàng lấy chiếc khăn mùi xoa lau sạch vết trầu còn vương trên làn môi móm mém của một cụ bà. Sau đó, người phụ nữ này lại cận thận bón từng ngụm cơm cho cụ bà.

Nếu ai đó tình cờ nhìn vào cảnh ấy thì cho rằng đó là bình thường và sẽ nghĩ ngay đến việc đứa con cái đang chăm sóc mẹ mình. Nhưng không, hình ảnh chúng tôi bắt gặp đó là câu chuyện mà người ta vẫn truyền tai nhau bấy lâu nay. Nó cũng đã quá quen thuộc với những người dân ở xóm nghèo Tân Qúy. Cách đây 5 năm, thương cảnh cụ Mịch bị mù lòa 2 mắt, hoàn cảnh khó khăn, sống côi cút môt mình nên bà Thu đã nhận cụ về nhà mình phụng dưỡng, chăm sóc.

Theo bà Thu, năm lên 3 tuổi, cụ Mịch không may bị đau mắt nhưng do chữa trị không đúng cách khiến đôi mắt của cụ bị mù vĩnh viễn. Cha mẹ cụ Mịch cũng lần lượt ra đi để lại cụ và người anh trai. Thương em, anh trai cụ cũng không lập gia đình mà ở vậy chăm sóc.

Bà Thu cận thận đút từng ngụm cơm cho cụ Mịch

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Cách đây 5 năm, vì tuổi cao, sức yếu nên anh trai cụ Mịch qua đời. Cụ Mịch cứ thế sống một mình trong căn nhà nhỏ xập xệ. “Thấy hoàn cảnh của cụ Mịch, trong đầu tôi toát lên một suy nghĩ bản thân phải nhận cụ về nhà mình để tiện chăm sóc. Rước cụ về chăm sóc thì cũng chỉ thêm đôi đũa, cái chén. Nhưng bù lại, tôi lại có thêm một người mẹ”, bà Thu cười khẽ.

‘Người ta nói tôi bị điên’

Trước khi đón cụ Mịch về sống chung dưới một mái nhà, bà Thu thủ thỉ với chồng về ý định mà ai nấy cho rằng chẳng khác nào “rước nợ vào thân”. Cái gật đầu cái rụp ngay trong đêm của người chồng dường như đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc bà Thu sang rước cụ Mịch về nhà mình. Từ đó, cụ Mịch không còn sống trong cảnh quạnh quẽ. Nụ cười cũng bắt đầu hé mở ở cái tuổi xế chiều của cụ.

Bà Thu cận thận bối lại tóc cho cụ Mịch

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Từ ngày có cụ Mịch, căn nhà nhỏ của gia đình bà Thu có thêm thành viên mới. Vui vầy và ấm cúng hơn. Theo tháng năm, mối quan hệ “người dưng” giữa cụ Mịch và bà Thu càng thêm khăng khít. “Có lẽ, tôi và cụ có duyên nợ từ kiếp trước. Đến kiếp này, cả hai từ người dưng lại hóa thành người thân”, bà Thu trải lòng.

“Khi tôi nhận cụ Mịch về nhà chăm sóc, phụng dưỡng nhiều người nói tôi bị điên khi mới ôm cái khổ vào thân. Bất chấp lời dị nghị của thiên hạ, tôi vẫn quyết đưa cụ về để tiện chăm sóc, bởi tôi xem cụ Mịch cũng như mẹ của mình”, bà Lê Thị Mộng Thu nói. Trải lòng về hành động khiến nhiều người bảo “khùng”, bà "điên" Thu khẽ cười và giải thích ngắn gọn: “Vì thương”.

Theo bà Thu, tình thương mà bà dành cho cụ Mịch được khởi nguồn từ sự đồng cảm. Bà Thu mồ côi mẹ từ hồi còn rất nhỏ. Cha đi bước nữa, bà khăn gói về ở với mẹ kế. May mắn, được mẹ kế yêu thương và nuôi nấng đàng hoàng.

Bà Thu cũng cho rằng, khi nhận cụ Mịch về chăm sóc, nhiều người đồn thổi cụ Mịch giàu có, chắc vì tiền, đất đai nên mới chăm sóc để lấy gia tài của cụ. “Tôi mặc kệ lời đồn đoán của thiên hạ. Tôi nghĩ mình đã có nợ kiếp trước với cụ, xem như kiếp này phải trả", bà Thu nói.

"Về già tính tình cụ Mịch thay đổi nên đôi lúc quấy, chửi mắng, tôi vẫn phải dỗ và có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng cụ. Tuổi già mà, ai chả thế”, bà Thu cười nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.