Quà quê & cơm mẹ nấu

08/10/2017 14:33 GMT+7

Làng em có anh Thành, con nhà nghèo nhưng học rất giỏi.

Bài khó kiểu gì, mang sang nhờ anh, anh bày cho. Có hôm ngạc nhiên quá hỏi, sao cái gì khó qua anh thành ra đơn giản, dễ hiểu và nhớ lâu thế anh? Anh khôi hài, vì ở trường thầy cô dạy mà sợ học sinh hiểu mất, anh thì không sợ chúng mày hiểu.
Hồi mới học lớp 10, anh Thành mua lại cái radio cũ của bà chai bao, tháo tháo lắp lắp thế nào đó mà anh phát sóng là mấy cụ hưu trí hay nghe đài trong làng đều bắt được sóng. Anh đọc tin tức khắp nơi, tin tức trong làng, vui phết. Cả làng gọi là đài thằng Thành.

tin liên quan

Người xa xứ: Mơ làm gì đến những miền xa?
Có lẽ quà quê, món quê chính là sức hút và sự gắn kết lâu bền nhất giữa con người và xứ sở. Nói đến hương vị ẩm thực quê nhà, cái chất Việt dung dị đậm đà và không kém phần hấp dẫn trong mỗi món ăn tưởng đơn giản hằng ngày, có lẽ không gì thấm bằng niềm thương nỗi nhớ của người xa xứ. 
Rồi anh bị công an xã về tịch thu cái radio và bắt viết cam kết không vi phạm pháp luật. “Đài thằng Thành” kết thúc từ đó.
Anh với chị Nga thích nhau.
Chị Nga là con dì Mỹ bán hàng nước đầu làng. Ba chị Nga nát rượu, say xỉn, nói nhảm cả ngày nên trong làng ai cũng coi thường.
Chị Nga thì học kém. Anh Thành hay trêu, Nga bẩm sinh đã bị đứt dây thần kinh học hành. Chị Nga nghe thế, nguýt cái. Nhưng chị lam làm, phụ giúp mẹ từ công việc đồng áng đến trông coi quán nước để nuôi 3 đứa em và chị đi học.
Anh Thành đỗ đại học top cao của trường. Chị Nga đương nhiên là đạp vỏ chuối.
Tụi em lớp nhỏ nhưng ngưỡng mộ anh Thành lắm. Hồi đó cứ ước sao được như chị Nga (chỉ riêng chuyện được anh Thành thích thôi).
Khi nào về nhà, cũng thấy anh chị ra bờ sông ngồi. Hai người cứ ngồi thế suốt đêm. Chuyện gì lắm thế không biết.
Tốt nghiệp, anh Thành được giữ lại trường nhưng anh không ở mà ra làm cho một công ty tin học rồi nghe nói sau đó mở công ty riêng. Anh lái ô tô về, cả làng lác mắt.
Thế rồi chả hiểu sao, thấy nhà chị Nga trang hoàng cổng ngõ. Tụi em lúc đó đã học năm cuối phổ thông rồi nhưng hiếu kỳ, rủ nhau đến xem. Hóa ra nhà bác Ngọ sửa xe máy đầu làng đi hỏi chị cho anh Công.
Tụi bạn bè em thì thầm, đoán là anh Thành ra thành phố, có công ty, có ô tô riêng nên bỏ chị Nga theo cô khác. Tự nhiên thấy giận anh.
Vì giận nên làm cho ra lẽ.
Mấy đứa hỏi được số điện thoại mới gọi cho anh Thành. Đầu tiên xa gần trách móc. Anh Thành mới quát: Rốt cục là chuyện gì đây?
Tụi em khai ra chuyện chị Nga mới đám hỏi với anh Công.
Ạnh Thành ngạc nhiên: Há?
Hôm sau anh về làng, đến nhà chị Nga, xách chị lên xe chạy đến nhà bác Ngọ trả lễ. Xong thì lên xã đăng ký kết hôn. Xong thì cưới. Anh làm rẹt rẹt.
Sau tụi em mới nghe chị Nga kể, anh Thành đẹp trai, giỏi giang nên tự thấy mình lấy ảnh thì thiệt thòi cho ảnh quá nên đau mấy cũng tự cắt đi. Vì thế âm thầm đồng ý cho nhà anh Công đi hỏi. Tự nhiên thương chị.
*
Thời em học đại học, cả chục đứa người làng lên thành phố học đều ở nhà anh chị. Nói là nhà nhưng thực ra anh làm 3 phòng trọ phía sau vườn cho mấy đứa ở. Không phải ở không, anh nói rất rõ ràng, mỗi phòng mỗi tháng một triệu, điện nước tự trả. Tiền phòng nộp cho chị Nga.
Tính ra mỗi tháng một đứa cả điện nước cũng chỉ mất 300.000 đồng. Cái gì cũng anh Thành ơi, chị Nga ơi. Anh Thành ơi, cái máy tính của em bị treo. Chị Nga ơi em thấy em sao sao ấy… Đại để thế.
Rồi anh chị tổ chức cho đi chơi chỗ này chỗ khác. Tính ra còn hơn cả tiền nhà trọ. Chưa hết, mỗi lần về quê, anh chị đều kêu đến dặn, mang cái này về cho bà Theo, cái này về cho bà Mục… Đó là tiền anh chị giúp mấy người nghèo trong làng.

tin liên quan

Quà quê thời Facebook
Chỉ những người con sống xa quê mới hiểu nỗi khát khao được ăn những món ngon do chính tay má nấu, được thưởng thức hương vị đồng quê trong từng con cá, mớ rau. 

Thế rồi bỗng nhiên một hôm thấy anh Thành hớt hải cầm tờ giấy trong tay chạy ra phòng trọ hỏi mấy đứa chị đâu, không ai biết cả.
Hóa ra chị viết cái đơn ly hôn để lại rồi đi.
Anh phóng xe về làng, xách chị lên.
Chị Nga sụt sùi: Lấy nhau mấy năm mà chưa có con, bạn bè trêu nên tội ảnh quá, cực chẳng đã chị mới tính đường đó thôi.
Anh Thành thì vẫn khôi hài như xưa: Chị tụi mày đứt dây thần kinh học hành nhưng phát triển dây thần kinh… ngu!
Chị Nga mắng yêu chồng: Sao anh nói em ngu?
Lần này thì anh lớn tiếng: Không ngu à? Mới hai bảy hai tám tuổi đã đẻ đẻ đái đái, ưa đẻ tui cho đẻ một bầy mà nuôi!
*
Một hôm, chị Nga gọi hết mấy đứa sinh viên đồng hương lại, bàn bàn tính tính, thì thầm cứ như hoạt động bí mật.
Vài tháng sau, xuất hiện trang “Quà quê”, chuyên bán hàng trên mạng.
Nó nổi tiếng đến mức, gọi điện thoại ship hàng phải kiên nhẫn vì cả 4 số điện thoại đều luôn bận.
Khi đời sống cao lên, thấy món gì cũng chán, chỉ có những món ăn dân giã ở quê mới lấy được cảm giác thèm thuồng. Nó không phải là cao lương mỹ vị gì, chỉ là ruốc sả, cá bống kho khô “phẻ văng bột”, tóp mỡ giòn rụm, rau sưng (có nơi gọi là lá trơng, một loại cây vốn mọc dại ở quê xào thịt bò rất thơm), chả cá thác lác quết tay… đúng là quà quê, quà của ký ức.
Không chỉ thế, ai nhớ ra món gì quê quê đặt hàng đều có. Nhà dì Mỹ, mẹ chị Nga ở quê thành nơi thu gom nguyên liệu, chị Nga mua đất xây thêm khu nhà chế biến, mấy đứa sinh viên cùng quê thành người giúp việc…
Hôm kỷ niệm hai năm ra đời “Quà quê” và một năm khai trương chuỗi nhà hàng “Cơm mẹ nấu” (lúc đó có 3 nhà hàng) nổi tiếng, Giám đốc Kim Nga báo cáo doanh thu, lãi sau thuế, thu nhập bình quân của người làm, thu nhập của người ship hàng bán thời gian… tụi em đứa nào cũng hớn hở ra mặt. Anh Thành cười cười, vẫn giọng khôi hài: Cô này tuy đứt dây thần kinh học hành nhưng dây thần kinh kinh doanh to bằng đầu đũa.
*
Có điều, đến khi bọn em lập gia đình và có con thì chị vẫn chưa sinh lần nào. Đứa nào cũng thương và lo cho anh chị.
Rất lâu sau, anh lên phây triệu tập mấy gia đình đến nhà. Khi có chút men, anh mới xoa xoa vào bụng vợ rồi chỉ hết vào đám cháu: “Anh này tuy nhỏ nhưng có võ, tất cả chúng mày, trai gái, lớn bé đều phải gọi bằng anh!”.
Cả bọn ồ lên rồi đứa nào đứa nấy khóc hu hu khiến đám trẻ con ngơ ngác.
Lần đầu tiên trong đời tụi em được khóc thật đã!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.