Quán ốc chỉ bán buổi sáng Sài Gòn và bí mật của chủ quán Út Điệu

28/08/2019 12:10 GMT+7

Không chỉ mở bán vào giờ giấc "lạ đời", quán ốc Út Điệu nằm trong hẻm nhỏ ở đường Bình Thới, Q.11, TP.HCM còn có điều bí mật mà chị chủ chưa từng kể...

Quán ốc có giờ bán “ngược đời” của Út Điệu nằm sau số nhà 186/C6 Bình Thới, thật không dễ tìm nếu bạn đi theo địa chỉ chính xác là 93/51/19 Bình Thới, P.14, Q.11. Tôi đã rút ra kinh nghiệm chỉ đường sau một thời gian sống ở Sài Gòn.  

25 năm chỉ bán buổi sáng

Quán ốc kì lạ chỉ bán buổi sáng và điều Út Điệu chưa kể suốt 25 năm

Cách đây 25 năm, Út Điệu mở quán ốc này vừa để mưu sinh, vừa để chăm ba mẹ. “Hồi đó còn cha mẹ, bán sáng xong xuôi chiều còn về chăm ba mẹ bệnh. Sau này ba mẹ mất rồi, vẫn giữ thói quen bán sáng đến tận bây giờ”. Đó là lý do vì sao mà quán chỉ bán buổi sáng.

Út Điệu dạy từ sớm, 6 giờ đi lấy ốc ở chợ đầu mối về sơ chế, chuẩn bị đến 8 giờ là bắt đầu có hàng bán cho khách. Mỗi ngày bán đến 2 giờ chiều là hết hàng. Khách ăn từ bữa sáng, càng trưa càng đông, có hôm xe xếp kín hẻm.

Út Điệu nhập ốc từ 6 giờ sáng, sau đó về chuẩn bị đến 8 giờ là có hàng để khách ăn.

Lê Nam

Út Điệu kể tù tì một lúc mười mấy loại ốc bày biện trên bàn. Từ ốc mỡ, ốc bông, ốc hương, ốc cà nà, sò lông, ốc len… cho đến càng ghẹ, sò huyết, vịt lộn. Mỗi thứ Út lấy khoảng 2 kg, tính ra mỗi ngày bán mười mấy, hai chục kí ốc.

“Tùy theo mùa nước, có ốc nào Út bán ốc đó, chứ không phải bán một món. Ốc hương với ốc len ngon nhất, được người ta ăn nhiều nhất”, Út nói. Ở đây, mỗi món ốc được làm một kiểu riêng chứ không giống nhau. Ốc hương xào muối, ốc mỡ xào me, ốc cà na xào bơ, xào tỏi… Giá đồng loạt 30.000 đồng/ món, trừ ốc hương với ốc len là 50.000 đồng, tại giá thành cao quá.

Tại đây có khoảng mười mấy loại ốc, từ ốc mỡ, ốc hương, ốc cà na... cho đến càng ghẹ, hay vịt lộn.

Lê Nam

Chị Thanh Loan, Q. 11 dẫn cả nhà đến quán ốc lúc 8 giờ sáng. Thấy cách chị trò chuyện và lựa ốc, biết là khách ruột của quán. “Tôi ăn mười mấy năm rồi, đúng là trong hẻm thì hơi khó tìm nhưng ngày xưa được bạn bè chỉ nên ăn tới giờ.”, chị Thanh nói thêm. “Nếu ăn sáng xong thì không ăn được nhiều ốc, phải nhịn ăn sáng để ăn được nhiều hơn đấy”.

Ốc Út Điệu được người Sài Gòn dùng làm bữa sáng

Lê Nam

Thanh Hiền, sinh viên năm 1 Đại học Tôn Đức Thắng lý giải, việc ăn ốc sáng sẽ cho cảm nhận tươi ngon, đậm đà hơn. “Bình thường mọi người hay quen ăn ốc đêm, nhưng ăn buổi sáng rất thú vị. Ốc tươi hơn, vị đậm đà hơn, mà ăn cũng được nhiều hơn nữa”. Hiền nói cũng hay ghé quán, bữa nào rảnh rỗi hay không phải đi học sẽ đi cùng gia đình đến đây ăn ốc.

Chị Thanh Loan, Q.11 là thực khách quen thuộc của quán Út Điệu mười mấy năm nay

Lê Nam

“Út không phải là con gái, Út là ô-môi”

Tôi hơi ngạc nhiên khi Út Điệu chia sẻ thông tin này. Bởi nhìn bề ngoài, Út Điệu đúng dịu dàng, nữ tính như cái tên. Dáng người nhỏ nhắn, tóc nhuộm vàng búi lọn phía sau, kể cả Út có cất giọng cũng không nhận ra Út là người chuyển giới.

Út Điệu tên thật là Trương Văn Hùng, năm nay 52 tuổi.

“Út chuyển giới, nhưng khách không biết. Từ nhỏ tới giờ đã như vậy sẵn rồi, mọi người kêu Út bình thường vậy thôi”. Đúng là cái nét nữ tính phải từ bẩm sinh thì từ cử chỉ cho đến ngoại hình mới được như vậy. “Chắc ngày trẻ Út xinh lắm”, tôi khen Út Điệu thật lòng, Út cười.

Út Điệu bộc bạch mình là người chuyển giới, nhưng khách chẳng ai biết...

Lê Nam

Út Điệu là… con cả trong nhà có 3 anh chị em. Dưới Út còn một người em trai và em gái. “Con cả mà lại tên là Út vậy?” - “Tại mẹ đặt, Út không biết!”.

Út Điệu không có gia đình riêng, ở vậy với 2 người em. “Hai đứa ở trên lầu, Út ngủ dưới. Ngày xưa còn mẹ thì ngủ với mẹ, giờ mẹ mất thì ngủ một mình chứ không ở với ai”.

Mặc dù không lập gia đình riêng, nhưng cuộc sống của Út Điệu luôn ngập tràn tiếng cười bởi chị em hàng xóm rất vui vẻ, thân thiện

Lê Nam

Bà Ba cũng cho Út Điệu ngồi bán ốc trước hiên, vừa vui vẻ lại thắm tình hàng xóm

Lê Nam

Thấy Út Điệu chẳng cô đơn chút nào. Mặc dù Út mở quán một mình, nhưng xung quanh luôn có chị có em, có hàng xóm tíu tít trò chuyện, hàn huyên mỗi ngày. Có cả cô bán hàng nước, cô bán vịt lộn cũng bưng đồ phụ Út. Rồi ngay số nhà Út ngồi mở quán cũng là của Bà Ba già cả cho Út ngồi nhờ.

Ai cũng nhận xét Út Điệu dễ thương, lành tính. Có lẽ bởi vậy mà suốt bao nhiêu năm, mặc dù nằm trong hẻm nhỏ thật nhỏ, sâu thật sâu mà khách ở đâu vẫn lặn lội tìm đường đến quán, Việt Kiều về nước cũng tìm Út Điệu để thử ăn… Một sáng Sài Gòn, thay vì ăn bánh mì, hủ tiếu, thử một lần ăn ốc Út Điệu xem sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.