Quán ốc mở vào giờ trưa
Quán ốc Dì Trước nằm trong con hẻm 171 Cô Bắc (Q.1, TP.HCM) đã 20 năm, trở thành điểm đến của nhiều thực khách yêu thích món ăn dân dã này. Người ta thường đi ăn ốc khi trời chuyển chiều hay về đêm, nhưng quán ốc Dì Trước lại chỉ mở từ 10 giờ đến 15 giờ, hết món là dọn dẹp đóng cửa.
“Trái tính” là vậy nhưng quán vẫn thường rất đông, giờ cao điểm tầm 11 giờ đến 13 giờ, người đến ăn tấp nập, khách gọi giao hàng đơn đến đơn di nườm nượp. Có người nhà chủ quán ra bán phụ nhưng vẫn phục vụ không xuể.
|
Bà Thái Thị Kim Phượng (49 tuổi) là chủ nhân của quán ốc lề đường này. Bà mở quán những ngày đầu rời quê lên phố lập nghiệp, trong tay chỉ biết làm món ốc len xào dừa được ba dạy. Bán cho bà con trong xóm, ngày ngày bà Phượng tập thêm dăm ba món mới. Giờ đây trên kệ bán đã có hơn 13 loại khác nhau, loại nào bà cũng tự tin, thành thạo làm. Nhưng ngon và được bà con ủng hộ nhiều nhất vẫn là món ốc len xào dừa. Bà Phượng kể: “Hồi trước, có ngày phải mua đến 10kg ốc len để bán”.
Quả thật, món ốc len xào dừa với vị ngọt bùi, thơm nhẹ luôn khiến thực khách mê mẩn. Một vị khách ngồi cạnh bàn bảo tôi: “Đến đây ăn gì cũng phải gọi một dĩa ốc len. Ăn xong ốc thì lấy nước sốt dừa ở dưới để làm đồ chấm cho những món sau”.
Sò lông mỡ hành, ốc móng tay, sò điệp xào tỏi.... đặc biệt là những món xào với mì cũng rất được yêu thích vì chúng cung cấp chất dinh dưỡng để thực khách có thêm năng lượng tiếp tục công việc vào buổi chiều.
|
Giữ chân khách quen trong mùa dịch
Đang làm ăn thuận lợi, dịch bệnh Covid-19 bùng phát. “Mùa dịch đầu tiên, mình không bán được. Mùa dịch thứ hai, lượng khách giảm đi một nửa”, bà Phượng tâm sự. Dẫu hiện tại quán vẫn đông khách nhưng đến giờ chiều, khách đến cũng thưa dần so với trước. Từng thu hút rất nhiều du khách nước ngoài nhờ xuất hiện trên show truyền hình Street Food Asian được sản xuất bởi Netflix, nhưng giờ đây, quán ốc Dì Trước cũng mất đi lợi thế này.
Bà Phượng nói: “Ngày trước, có khi ốc len phải mua đến 10kg mới đủ phục vụ cho khách, giờ đây mình chỉ mua bằng một nửa lượng đó thôi là vừa đẹp”.
Dù vậy, bà Phượng vẫn tiếp tục buôn bán, vì khách quen vẫn còn nhiều. Bà kể, mùa dịch đầu tiên bà chỉ nhận bán qua điện thoại. Người nào muốn ăn gì thì gọi đặt từ hôm trước, bà đi mua rồi hôm sau gửi xe giao qua. Sau này, khi không còn giãn cách xã hội, quán đa phần cũng chỉ đón những khách quen. “Tới lúc khó khăn mình mới thấy được ích lợi của việc làm ăn uy tín”, bà khẳng định.
|
Với bà Phượng, bán được nhiều cũng không quan trọng, quan trọng là phải đảm bảo được chất lượng. Bà chia sẻ: “Nhiều chỗ bán ốc, người ta thường nhập dư hàng vào đợt ốc rẻ rồi để trong ngăn đá, đông lạnh bán dần. Làm vậy, ốc không được ngọt. Có những chỗ lại rửa ốc rất ẩu, cứ đổ hết vào một xô nước rồi vớt ra. Làm vậy ốc không những bị sạn mà còn chẳng tốt cho sức khỏe”.
Ở quán ốc Dì Trước, lúc nào bà Phượng cũng chuẩn bị rất kỹ. Tối rửa ốc, rửa rau, ngâm qua bao lần nước, sáng hôm sau lại rửa thêm một lần nữa trước khi bán. “Mình ra chợ, thấy ốc ngon thì mình mua. Mua được 10kg thì bán 10kg, mua được 3kg thì chỉ bán từng vậy. Mình không trữ ốc vì như vậy là bán đồ không chất lượng”, bà bày tỏ. Cũng nhờ đảm bảo uy tín, chất lượng nên sau mùa dịch, quán bà luôn giữ được khách quen.
Dù công việc tất bật nhưng bà Phượng vẫn luôn niềm nở trò chuyện với khách. Những chị em bà Phượng ra phụ buôn bán cũng vui vẻ, nhiệt tình tư vấn, thậm chí còn chỉ khách phải ăn như thế nào mới đúng, mới ngon. Nên quán ốc Dì Trước lúc nào cũng đông vui như gia đình.
|
Đến nay, quán ốc đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà Phượng. Nhờ nó, con trai bà có thể tiếp tục việc học. Thế nhưng, bà Phượng chia sẻ dù sau này có khó khăn cũng không trọng doanh thu, không bán đồ “dởm”. “Đây đã là tâm huyết, là gia đình, là cuộc đời của mình. Mình bỏ nó mình cũng không nỡ”, bà Phượng nói.
Bình luận (0)