Quán vắng hoe, chủ lên phương án đưa khách và xe về tận nhà sau cuộc nhậu

09/01/2020 09:51 GMT+7

Sau khi Nghị định 100 được áp dụng, nhiều nhà hàng, quán nhậu tại Hà Nội vắng hoe, chủ quán nhậu phải loay hoay tìm phương án giữ khách, thậm chí đã lên phương án đưa khách và xe về tận nhà sau cuộc nhậu.

Từ 1.1.2020, Nghị định 100/2019 của Chính phủ về thực hiện luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức được ban hành, triển khai, lực lượng CSGT trên toàn quốc đồng loạt ra quân kiểm soát, xử lý các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Hàng trăm trường hợp vi phạm bị phạt nặng, tước bằng lái xe đến gần 2 năm mà theo các tài xế, việc tước bằng như vậy không khác gì “cụt tay”, khiến nhiều tài xế răm rắp tuân thủ theo khẩu hiệu “đã uống rượu bia thì không lái xe”, đồng nghĩa với đó là các nhà hàng, quán nhậu lâm vào cảnh điêu đứng vì mất khách.

Từ khi Nghị định 100/2019 được ban hành, triển khai hàng trăm tài xế vi phạm nồng độ cồn đã bị xử phạt rất nặng

Ảnh Trần Cường

Tối 8.1, theo khảo sát của phóng viên, nhiều nhà hàng, quán nhậu tại địa bàn Hà Nội đều có lượng khách giảm, mặc dù ngay cả vào giờ tan tầm, ở một số nhà hàng lớn, lượng khách cũng giảm chỉ còn 1/10 so với trước.
Anh Phạm Ngọc Từ, quản lý một nhà hàng trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, lượng khách đến quán bắt đầu giảm dần.
“Đương nhiên mùa đông bia hơi là vắng khách, nhưng khi có Nghị định trên thì lượng khách đến nhà hàng giảm đi rất nhiều, tới 80% so với trước đây”, anh Từ nói.

Một quán bia lớn trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội trước đây lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào

Ảnh Thiên Thanh

Trước tình trạng trên, nhà hàng này cũng đã tính đến việc mở thêm khu vực giữ xe cho khách cũng như chuẩn bị những dịch vụ như đưa đón khách nhậu về nhà nếu cần.
“Hiện tôi đang lên phương án thuê một bãi giữ xe để trông xe của khách qua đêm và có một đội ngũ đưa khách hàng về cũng như là đưa xe khách hàng về. Nhưng thực tế, hiện giờ lượng khách đến nhà hàng giảm nhiều nên phương án trên cũng không khả quan lắm”, anh Từ tâm tư.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100/2019 được ban hành, triển khai thì lượng khách đến quán giảm tới 80% so với trước đó

Ảnh Thiên Thanh

Theo ông Lê Trọng Ba (64 tuổi, bảo vệ một nhà hàng trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội): “Từ hôm có nghị định mới, lượng khách đến đây giảm rất nhiều, khách đến nhà hàng đa số bằng taxi hoặc xe ôm. Nhà hàng phải cắt giảm nhân lực, từ nhân viên, đầu bếp cho đến bảo vệ”.

Vắng khách, quán cắt giảm nhân lực khiến ông Lê Trọng Ba cũng nơm nớp lo mất việc

Ảnh Thiên Thanh

Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Điệu (56 tuổi, chủ quán bia Thành Sơn, số 1 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng khách tới quán giảm cực mạnh và đột ngột, tới 90% so với trước đây.
“Bình thường, dịp gần tết như thế này nhà hàng không còn chỗ mà ngồi, giờ thì khách đến nhà hàng giảm đến 90%. Tôi cũng đi thăm dò các quán từ Hà Đông và các quán, nhà hàng dọc đường quanh đây, thấy hầu như quán nào, nhân viên cũng đều ngồi thơ thẩn, khách ngồi lác đác vài bàn”, ông Điệu nói.

Vắng khách, ông Nguyễn Văn Điệu, chủ quán bia Thành Sơn, rảnh rỗi tiếp phóng viên

Ảnh Thiên Thanh

Cũng theo ông Điệu, khánh đến nhậu tại nhà hàng vẫn cho khách để xe và được nhà hàng trông giữ xe miễn phí hoặc trường hợp khách say phía nhà hàng cho người chở khách về, tuy nhiên, khách hàng không tới để mà thông báo, phổ biến.

Nhiều nhà hàng, quán nhậu tại Hà Nội đìu hiu sau khi Nghị định 100 về phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành, triển khai

Ảnh Thiên Thanh

Khách đến nhậu phải đi taxi hoặc xe ôm tới quán, khiến chủ kinh doanh tính tới phương án thuê bãi giữ xe và đưa khách về sau bữa nhậu

Ảnh Thiên Thanh

 Mức phạt lỗi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi điều khiển xe
Mức phạt tiền đối với xe máy Mức phạt tiền đối với ô tô Hình phạt bổ sung
2 – 3 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.
6 – 8 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.
Tước Giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng
4 – 5 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở.
16 – 18 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tước Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.
6 – 8 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
30 – 40 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
• Đối với xe đạp, xe thô sơ: Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm nồng độ cồn bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.