Quyết liệt xử lý nợ đọng BHXH, BHYT tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM

29/11/2018 08:00 GMT+7

BHXH TP.HCM đang tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là xử lý nợ đọng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, góp phần giữ vững an sinh xã hội bền vững.

Liên quan đến công tác này, PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM.
Hướng đến người lao động, DN nhỏ và siêu nhỏ, BHYT học sinh, sinh viên
Thưa ông, nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được Bảo hiểm xã hội TP.HCM triển khai như thế nào?
    Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM  
Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tính đến ngày 31.10 hơn 7,13 triệu người, tăng 3,79% so với tháng trước và tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gần 2,3 triệu người, đạt hơn 92% kế hoạch, tăng hơn 23.000 người so với tháng trước.
Tuy nhiên, một thực trạng là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tham gia BHYT, BHXH bắt buộc trong khối doanh nghiệp (DN) tư nhân nhỏ và siêu nhỏ còn gặp khó khăn, mặc dù đây là những đối tượng rất tiềm năng nhưng tỷ lệ tham gia còn rất thấp. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng rất chậm, hiện chỉ có hơn 5.200 người tham gia, chỉ đạt hơn 31% kế hoạch.
Để phát triển bền vững, chủ sử dụng lao động phải ý thức được rằng, việc chăm lo cho người lao động, trong đó có việc đóng đầy đủ bảo hiểm, đảm bảo an sinh xã hội bền vững là hết sức quan trọng

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM 

BHYT, BHXH là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Cùng với đẩy mạnh mở rộng đối tượng tham gia, đôn đốc thu đúng thu đủ, BHXH TP.HCM tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến công tác BHXH, BHYT và gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 146 về BHYT (thay thế Nghị định 105) với rất nhiều điểm mới. BHXH TP.HCM tham mưu cho Thành ủy, UBND TP.HCM giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cho từng địa phương, ngoài ra còn phối hợp với Cục Thuế TP.HCM thống kê số DN đóng thuế chưa tham gia BHXH để yêu cầu các đơn vị này thực hiện theo đúng luật định; phối hợp Sở GD-ĐT chỉ đạo phòng giáo dục các quận, huyện yêu cầu các trường học trên địa bàn vận động phụ huynh học sinh, học sinh, sinh viên tích cực tham gia BHYT, vì đây vừa là quyền và nghĩa vụ cần phải thực hiện; tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT thường xuyên và đột xuất các đơn vị DN, cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT…
Giải pháp nào khắc phục thực trạng DN nhỏ và siêu nhỏ “né” tham gia bảo hiểm cho người lao động?
DN nhỏ và siêu nhỏ, theo thống kê của ngành thuế, hiện TP.HCM có hơn 172.000 DN, nhưng hiện số DN tham gia bảo hiểm chỉ mới hơn 80.000, số còn chưa tham gia và tỷ lệ chưa tham gia rất lớn. Chúng tôi cũng đã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Sắp tới, chúng tôi đề nghị phối hợp với ngành thuế tổ chức các hội nghị để yêu cầu các DN tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Quyết liệt truy thu nợ đọng BHXH
Kết quả thu BHXH của BHXH TP.HCM như thế nào?
TP.HCM là nơi có số lượng người lao động rất lớn. Trong năm nay, BHXH TP.HCM được giao chỉ tiêu kế hoạch 60.026 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 31.10, đã thu được khoảng 47.000 tỉ đồng, tỷ lệ khoảng 78%, và tính đến giữa tháng 11.2018, tỷ lệ đạt khoảng 80%. Từ nay đến cuối năm chúng tôi cố gắng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 60.026 tỉ đồng, chiếm khoảng 18% tổng thu toàn quốc.
Quá trình thu có gặp vướng mắc, khó khăn gì không?
Khó khăn thì rất nhiều. Đó là tình trạng chủ DN không tham gia đóng đầy đủ bảo hiểm cho người lao động, xảy ra rất nhiều; tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH diễn ra rất phổ biến. Tính đến thời điểm hiện tại, số nợ BHXH, BHYT, BHTN ở địa bàn TP.HCM lên tới khoảng 1.800 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,81%. Nhìn vào tỷ lệ này so với các năm trước thì có giảm nhiều, nhưng nhìn vào giá trị tuyệt đối thì con số khoảng 1.800 tỉ đồng là rất lớn. Mức nợ này tương đương với một tỉnh có mức thu trung bình tất cả các khoản bảo hiểm.
Tiếp đó là tình trạng các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ không tham gia BHXH, BHYT. Có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, ý thức của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc, bởi có điều kiện đóng mà cố tình không chịu đóng. Thứ hai, một số chủ DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; mặc dù cơ quan BHXH đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn không có khả năng đóng. Thứ ba, một phần cũng do nhận thức của người lao động, không biết được quyền lợi chính đáng của mình, do đó khi chủ sử dụng lao động cố tình chây ì không đóng, vẫn không đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng đó.
BHXH TP.HCM làm gì để công tác truy thu nợ đọng BHXH đạt kết quả cao hơn?
Chúng tôi đưa ra và thực hiện quyết liệt một số giải pháp căn bản. Thứ nhất, tập trung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành quy định về bảo hiểm. Thứ hai, tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và xử lý theo đúng quy định. Hiện cơ quan BHXH có chức năng thanh tra. Từ đầu năm đến nay, BHXH TP.HCM đã chủ động, phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 4.000 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 93 đơn vị vi phạm quy định về bảo hiểm; và qua đó các đơn vị nợ đọng kéo dài cũng đã chuyển khoảng 50% trong tổng số nợ; chủ sử dụng lao động tại các đơn vị bị thanh kiểm tra, đóng BHXH cho những trường hợp người lao động chưa được đóng lên đến hơn 3.100 người. Có thể nói hiệu quả từ công tác thanh kiểm tra rất tốt.
BHXH TP.HCM cũng tích cực phối hợp Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, ngành thuế và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khi DN tham gia đóng thuế, đăng ký thành lập, thì đồng thời cơ quan BHXH cấp mã số BHXH. Việc phối hợp này cũng thực hiện rất tốt. Phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB-XH trong việc nhắc nợ các đơn vị hằng tháng; yêu cầu các đơn vị nợ BHXH tham gia đóng, nếu trong tháng mà không đóng thì liền tháng sau, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh kiểm tra. Bên cạnh đó, phối hợp các cơ quan báo chí đăng tải danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên. Giải pháp cuối cùng là chuyển hồ sơ qua cơ quan công an khi các đơn vị vẫn cố tình vi phạm để tiến hành các biện pháp tố tụng, nhằm đảm bảo thu được tiền nợ bảo hiểm cho người lao động.
Chúng tôi luôn nghĩ rằng, để phát triển bền vững, chủ sử dụng lao động phải ý thức được rằng, việc chăm lo cho người lao động, trong đó có việc đóng đầy đủ bảo hiểm, đảm bảo an sinh xã hội bền vững là hết sức quan trọng.
Giải quyết thủ tục bảo hiểm cho DN, người lao động nhanh nhất, hiệu quả nhất
Ông Phan Văn Mến khẳng định trong quá trình hoạt động, BHXH TP.HCM đặc biệt tập trung kiểm soát các chi phí, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm; ý thức về việc phải cung cấp các dịch vụ thật tốt, cải cách thủ tục hành chính để giải quyết thủ tục theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả.
“Cùng với BHXH VN, BHXH TP.HCM quyết liệt cải cách hành chính và thực tế đã mang lại nhiều kết quả. Chúng tôi thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu và cấp số thẻ bảo hiểm... Trước đây các DN phải mang hồ sơ giấy đến cơ quan BHXH, thì nay thủ tục đã giảm đi rất nhiều, chỉ cần một tờ khai của đơn vị sử dụng lao động và kèm danh sách, gửi qua môi trường mạng là đã được giải quyết. Khi cần bổ sung mới thì chỉ cần truy cập vào hệ thống dữ liệu của BHXH và thực hiện giao dịch điện tử. DN và chủ sử dụng lao động có thể ở nhà và hoàn toàn thực hiện được nhiều giao dịch điện tử. BHXH phối hợp phía bưu điện luôn sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả đến tận nhà nếu DN có nhu cầu”, ông Mến cho biết.
Theo ông Mến, BHXH TP.HCM cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm cho người lao động đối với chủ sử dụng lao động, đặc biệt là DN nước ngoài, DN nhà nước, những DN đã tham gia thì tiếp tục tham gia đầy đủ.
Doanh nghiệp, người lao động có thể tìm hiểu quy định, thủ tục bảo hiểm tại website http://bhxhtphcm.gov.vn, điện thoại đường dây nóng: (028) 39979039
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.