Sống chung với ruồi, muỗi
Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân khu chợ Cống (xã Ngọc Hòa, H.Chương Mỹ) sống khốn khổ vì phải hứng chịu những ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác tự phát “mọc” ven đường liên xã. Rác thải bọc trong bao tải vứt lăn lóc, chất thành đống tràn ra mặt đường. “Mỗi lần rác tràn ra đường đều có xe gạt nhưng phải 1 tuần, đến nửa tháng họ mới bốc đi”, chị Lê Thị Hiền, chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ làm đẹp ở gần bãi rác tự phát này nói.
Nhà ở ngay cạnh bãi rác, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng cũng phải sống chung với ô nhiễm. Khốn khổ nhất là xác và nội tạng động vật thải loại khi phân hủy, ngoài mùi hôi thối, ruồi nhặng bay vi vu vào các nhà dân, kèm theo đó là nỗi lo bệnh dịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Duy Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Hòa, xác nhận bãi rác tự phát khiến chính quyền địa phương đau đầu từ nhiều năm nay. Để xóa sổ bãi rác này, chính quyền xã Ngọc Hòa từng đổ đất lấp đầy, cắm biển cấm, thậm chí là giăng lưới ngăn người dân đổ rác tự phát, nhưng cũng chỉ giữ sạch sẽ khoảng mươi ngày, rồi thì lưới bị đốt, rác thải lại đầy như trước.
tin liên quan
Bộ TN-MT quyết định thanh tra bãi rác làm khổ dân hai tỉnhTổng cục Môi trường, Bộ TN-MT vừa quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa trong việc quản lý bãi rác ở huyện Duy Tiên, Hà Nam.
Còn ở xã Sài Sơn (H.Quốc Oai, Hà Nội), người dân sống ở khu tập thể xi măng Sài Sơn không nhớ nổi bao lần phải hứng chịu “bão rác” khi gió mạnh cuốn theo túi li nông, vải vụn từ bãi rác trên triền đê thôn Khánh Tân “ném” xuống các nhà dân. Chị Phùng Thị Khánh, sống ở khu tập thể này cho biết cứ chiều đến, người dân vô tư mang rác về đây xả. Rác nhiều, chất đống trên mặt đê. Những hè nắng nóng, người dân bị “tra tấn” bởi mùi xú uế gay gắt đặc quánh theo gió phả vào khu nhà.
“Dù làm cửa kính, cửa lưới ngăn mùi và cản côn trùng nhưng hầu như nhà nào cũng phải mua sắm dự trữ thêm bẫy, nhang diệt ruồi, muỗi. Một liều thuốc phun chống ruồi, muỗi có tác dụng trong 3 tháng nhưng ở đây phun xong vài ngày là ruồi muỗi nhiều trở lại như thường, có những lần ngồi ăn cơm trong nhà cũng phải mắc màn. Còn ngày nghỉ ở nhà nhưng không dám mở cửa, tránh ruồi muỗi tràn vào nhà”, chị Khánh nói.
Rác xâm lấn đồng ruộng, kênh mương
Không chỉ làm ô nhiễm môi trường, RTSH còn lấn đất nông nghiệp, ao hồ, triệt đường mưu sinh của người dân như ở thôn Đoài (thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Dẫn chúng tôi khảo sát bãi rác này, bà Phạm Thị Sinh (ngụ thôn Đoài) nói với giọng xót xa: “Gia đình tôi từng kiếm bộn tiền từ đây khi trồng rau, lạc bán quanh năm nhưng cuối cùng cũng đành bỏ ruộng vì ô nhiễm”.
Theo bà Sinh, gia đình bà khoan giếng lấy nước canh tác nhưng khi hút lên, nước đen ngòm, có mùi thum thủm. Chân tay tiếp xúc nhiều ngày với nước này sinh ghẻ lở, thuốc bôi triền miên không dứt.
“Trồng rau gần bãi rác ô nhiễm có đủ thứ côn trùng, dòi bọ. Sợ nhất là mỗi lần trời mưa, dòi lổm ngổm bò ra xung quanh, người yếu bóng vía không dám qua lại. Bãi rác này ô nhiễm nổi tiếng khắp vùng, nên rau, lạc trồng xong đem bán người dân tránh xa, không dám mua ăn”, bà Sinh nói.
Có trang trại nuôi cá và gà cách bãi rác chỉ khoảng hơn trăm mét, ông Phạm Văn Thắng cũng bức xúc cho biết chưa cần phải mang mẫu nước đi xét nghiệm, bằng cảm quan cũng nhận thấy nguồn nước giếng khoan ô nhiễm. Nước bơm lên để trong ngày, cặn đen lợn cợn bám lại ở đáy xô, chậu. Đã từ lâu, người dân khu vực quanh bãi rác không còn dám dùng nước giếng khoan để ăn uống, phải mua từng can nước lọc. Khu đất ao làm trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà, vịt của gia đình ông Thắng nay phải tạm dừng, cho thuê làm mặt bằng tập kết cho xưởng dịch vụ xẻ gỗ.
Tại xã Ngọc Hòa (H.Chương Mỹ, Hà Nội), Phó chủ tịch UBND xã này - ông Trịnh Duy Hòa, cũng cho biết thực trạng tương tự, RTSH xả bừa bãi khiến đoạn kênh máng 7, chạy dọc địa bàn huyện, đi qua địa phương thường xuyên ùn tắc. Rác đựng trong bao tải, bó trong túi ni lông do người dân vứt bên đường lăn xuống dòng kênh. Sau mỗi trận mưa lớn, rác thải vứt bừa bãi dọc theo con kênh, dồn ứ thành đống trước cửa điều tiết nước làm tắc cả dòng chảy.
“Để phục vụ nước sản xuất, mỗi năm xã có vài lần móc rác khỏi dòng kênh khơi thông dòng chảy, mỗi lần được cả tấn rác mà chưa có cách nào giải quyết dứt điểm”, ông Hòa nói. (Còn tiếp)
Bình luận (0)