Rằm tháng Giêng: Người bán nhang, hoa ‘buồn thiu’ vì ít người đi chùa

27/02/2021 08:55 GMT+7

Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 người đi chùa dịp rằm tháng Giêng giảm hẳn so với những năm trước nên những người bán hoa, nhang đèn trước chùa có ngày ngồi không, phải vứt bỏ hoa vì không có khách.

Năm đầu tiên bán ế

Để chủ động phòng chống dịch Covid-19, GHPGVN TP.HCM đã gửi thông báo đến các cơ sở Tự viện tại TP.HCM chấp hành nghiêm túc ‘5K’ theo yêu cầu của UBND TP.HCM để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng để phòng dịch Covid-19 hiệu quả nhất. Nhiều chùa tại TP.HCM đóng cửa. Các chùa lớn vẫn mở cửa nhưng thông báo người dân hạn chế tập trung đông người.

Chùa Phước Hải tạm đóng cửa để phòng dịch nên người bán hoa cũng ngồi không

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mở cửa dịp Tết Nguyên đán nhưng chùa Phước Hải (Q.1, TP.HCM) tạm thời đóng cửa từ ngày 21.2 để phòng dịch Covid-19. Chùa vắng người khiến những thùng hoa trước cổng chùa cũng vì thế mà hẩm hiu. Một người dân bán hoa ở trước cổng chùa Phước Hải chia sẻ ông ngồi  cả ngày mà chỉ bán được 1 bó hoa sen, hoa được ông lấy với giá 50.000 - 60.000 đồng/bó và sau đó được bán lại với giá 70.000 - 90.000 đồng/bó.
“Buồn lắm vì không bán được hoa nhưng cũng phải chịu chứ biết sao giờ, chỉ mong sao dịch bệnh nhanh hết để mình lại buôn bán bình thường, chưa năm nào ế như năm nay”, ông chia sẻ.

Người bán hoa ế ẩm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) mở cửa xuyên dịp Tết nguyên đán và rằm tháng Giêng nhưng lượng người đến chùa giảm nhiều so với mọi năm. Vừa đến cổng chùa, nhiều người bán đã lập tức chào mời mua nhang, hoa. Khi được hỏi tình hình buôn bán, chị Nguyễn Thị Hà (30 tuổi) cho biết suốt cả ngày chỉ mới bán được 1 bó hoa.
“Ngày nào cũng bán, bán quanh năm suốt tháng. Ngoài hoa thì bán thêm nhang, đèn mỗi thứ một ít kiếm thêm, mà hoa ế quá lỗ quá trời luôn. Năm nay là năm thứ 15 bán hoa trước chùa, bán từ lúc chưa có con đến giờ. Giá hoa thì tăng nhiều lắm, mà mình bán 10.000 đồng bó thôi. Năm này vắng lắm, ngồi không luôn”, chị tâm sự.

"Mấy năm trước lấy cả mấy trăm bó vẫn bán hết"

Là trụ sở của GHPGVN TP.HCM, Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) luôn rất nhộn nhịp khách đến lễ chùa vào mỗi dịp lễ, đầu tháng và ngày rằm. Rằm tháng Giêng năm nay không khí nhộn nhịp không còn. Trước cổng chùa chỉ có ông Đỗ Duy Ngọc (71 tuổi) bày biện nhang và nến ra để bán. Ông kể lại năm ngoái thấy nhiều người bán hoa sớm hơn mà năm nay vì ế quá người ta nghỉ bán, thấy có 1 người bán hoa mà cũng dọn hàng về sớm.
“Tôi bán vé số rồi đến rằm thì lấy nhang đèn để bán thêm. Khách đến Việt Nam Quốc Tự cũng chỉ được thắp hương tại tượng Quan âm trong khuôn viên chùa nên lâu lâu cũng có người mua nhang nhưng ế lắm. Cũng may nhang để được lâu chứ hoa thì khó”, ông nói.

Ông Duy ngồi buồn thiu trước cổng Pháp viện Minh Đăng Quang vì ít người mua nhang đèn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bà Tư (74 tuổi) bán hoa trước Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TP.HCM) kể lại đã bán nước trước chùa từ khi chùa đang xây dựng cho đến bây giờ. “Hồi chùa đang xây dựng thì bán nước cho những người thợ xây, sau này thì bán nước cho người đến lễ chùa, gánh nước nhỏ cũng kiếm được khoảng từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày”, bà nói.

Người bán hoa trước Pháp viện Minh Đăng Quang cũng phải bỏ hoa vì không bán được

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Những ngày như mồng 1 và ngày rằm hàng tháng bà Tư bán thêm hoa, nhang và nến cho người đi chùa để kiếm thêm thu nhập. Từ 29 Tết bà Tư đã chuẩn bị hoa nhang, đèn để bán đến sau rằm tháng Giêng.
Bà Tư chỉ bán hoa sen, hoa hướng dương và hoa cúc. Chỉ vào thùng hoa hướng dương và hoa cúc bà Tư buồn rầu tâm sự chỉ dọn ra để vậy chứ không bán nữa, ai hỏi cũng không bán vì hoa bị hư do để lâu ngày. “Hoa được lấy ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ, mấy năm trước lấy cả mấy trăm bó vẫn bán hết mà năm nay chỉ dám lấy ít vì sợ không có khách đi chùa, mà hoa không để lâu được, không có người mua là phải bỏ hết coi như lỗ vốn”. bà nói.
Cháu của bà Tư cũng làm nghề lái xe ôm và đến phụ bà Tư bán nước, nhang hoa mỗi khi không có khách, anh chia sẻ nhờ gánh nước và thùng hoa trước chùa là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Tư suốt nhiều năm qua. Con cái hai ông bà đều đã lớn và chỉ còn 2 ông bà thuê nhà trọ ở Sài Gòn cũng nhau. "Tiền vốn buôn bán thì đi vay, rồi bán gom gom được bao nhiêu gửi trả người ta, bán không được thì cũng khổ lắm nhưng cũng chịu thôi không biết làm sao chứ người đi chùa ít thì hoa không bán được là phải rồi, mong là nhanh hết dịch", anh nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.