Trung tá Nguyễn Văn Vũ, Trưởng công an xã Tân Hạnh, H.Long Hồ, cho biết những người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, đặc biệt là sự xa lánh của cộng đồng…Trước thực tế đó, H.Long Hồ đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ bằng việc áp dụng mô hình “Quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”.
Sau một thời gian thực hiện, mô hình này đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, giúp người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống…
Năm 2017, chấp hành xong án phạt tù trở về, anh Trương Đức Đạt (38 tuổi, ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Hạnh, H.Long Hồ) được gia đình, chính quyền và các tổ chức đoàn thể kịp thời động viên, giúp đỡ. Nhờ vậy anh đã mau chóng xóa bỏ mặc cảm, có thu nhập ổn định từ tiệm nước giải khát và sửa xe máy của mình.
Anh Đạt kể anh vi phạm pháp luật, bị phạt tù 2 năm. Khi về lại địa phương, không có việc làm, anh được Đảng ủy, UBND xã Tân Hạnh giúp đỡ làm ăn, từ đó anh gầy dựng lại cái tiệm.
“Tui mừng lắm, hứa sẽ phấn đấu làm ăn tốt. Cảm ơn Đảng ủy, UBND xã Tân Hạnh và các ban ngành ở đây. Tui hứa sẽ chí thú làm ăn để sau này nuôi dạy con cái đừng lầm lỡ giống như mình”.
Tương tự, anh Nguyễn Dương Quốc Trạng (26 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh, H.Long Hồ) cũng vừa chấp hành xong án 7 năm tù trở về địa phương. Anh cho biết ban đầu cũng mặc cảm, bị cộng đồng xa lánh, nhưng sau một thời gian ổn định tâm lý, được chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ đến nay anh đã có thu nhập mỗi tháng từ 10 - 15 triệu đồng từ việc thu mua dừa giống và dừa tươi.
Hôm được đoàn cán bộ UBND và Công an xã đến thăm hỏi, tặng quà, anh Trạng vui mừng cho biết: “Hồi trước tui làm chuyện sai trái với pháp luật, giờ chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đi mua bán dừa, có nghề nghiệp ổn định, mọi người ủng hộ tui mừng lắm”.
Cũng một thời bồng bột đi theo bạn bè xấu nên vướng vào vòng lao lý, anh Lê Hiền Nhân (23 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh, H.Long Hồ) giờ đã “yên bề gia thất”. Nhân bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó còn nhỏ tuổi, nghe lời bạn bè rủ rê đi chơi rồi xảy ra chuyện cướp giật. Do chưa đủ tuổi thành niên nên tôi lãnh 3 năm tù treo, bây giờ đã được xóa án tích. Giờ tôi sống bằng nghề cưa cây, mỗi ngày kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng. Tôi hứa sẽ làm người tốt, giúp ích cho xã hội”.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hạnh, đa số người chấp hành xong án tù trở về đều chí thú làm ăn. Chính quyền địa phương cũng thường đến thăm hỏi động viên để họ không mặc cảm với xóm giềng, chí thú làm ăn, không quay lại đường cũ. Trường hợp nào khó khăn thì xã sẽ tìm hướng giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời và tốt nhất.
Trung tá Nguyễn Văn Vũ, Trưởng công an xã Tân Hạnh, H.Long Hồ, cho biết xã đang quản lý 17 người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó có 3 người không trở về địa phương, chỉ có 2 người tái phạm do liên quan đến ma túy, 12 người đã có việc làm ổn định tái hòa nhập cộng đồng thành công. Từ đó thấy được hiệu quả của mô hình “Quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” của H.Long Hồ hoạt động rất hiệu quả, hiện đã nhân rộng ra toàn huyện.
|
Bình luận (0)