Những ngày băng giá, thị trấn Sa Pa như cô gái dậy thì ửng hồng đôi má trong gió lạnh. Đêm thị trấn ấm cúng lạ lùng bởi những ánh nến, đèn màu hắt ra từ mọi ô cửa, chiếu lấp loáng mặt phố. Đêm Sa Pa rộn ràng trai thanh gái lịch, người ta đến đây để nối tiếp chặng đường xuân, để thỏa cái ước ao được mục sở thị băng tuyết.
Sáng 13.2, anh bạn đồng nghiệp của tôi hăm hở chỉnh giúp cái mạng internet của ông chủ quán cà phê. Ông chủ quán rất muốn chỉnh gấp để đọc báo trên mạng. Cái hăm hở của anh nhà báo bạn tôi bị tịt ngóm khi biết thực ra ông chủ quán chỉ muốn xem báo có đăng rằng: Sa Pa có băng giá, rằng sắp tới Sa Pa của ông có thể có tuyết rơi. Những tin ấy với những người làm du lịch ở Sa Pa là vàng mười hẳn hoi đấy. Ông đã được thỏa mãn. Mọi người được thỏa mãn, du khách đổ về Sa Pa rầm rập. Dân báo chí, nghệ thuật cũng đông lắm, đặc biệt là dân nhiếp ảnh. Cái điện thoại di động của tôi thỉnh thoảng lại réo: nếu có tuyết rơi báo ngay.
Sa Pa đang hả hê trong những ngày hội băng tuyết.
Nhưng ông trời chẳng cho không người ta cái gì. Có một Sa Pa khác của những người nông dân đang xám ngoét đi từng ngày, theo từng đợt giá rét. Cái Sa Pa thứ hai ấy đang run lên vì đại họa đang giáng xuống đầu, có nguy cơ cướp sạch mọi vốn liếng ít ỏi của người nông dân, đẩy họ từ trung nông xuống nghèo, từ nghèo xuống bần cùng. Người ta tính cả 1/4 thế kỷ rồi không có đợt rét nào tai ác như đợt rét này. Trâu bò thi nhau sụm ngã như bị ông trời cầm gậy phang ngang đầu gối. Đã 20 ngày rồi mà "ông ấy" vẫn chưa có dấu hiệu gì là mỏi mệt cả. Dọc quốc lộ 4D ăm ắp thịt trâu, 100% là thịt trâu chết rét. Giá rẻ bằng một phần ba hoặc một nửa thường ngày. Sa Pa những ngày này có thêm một nghề đang phất: đi mua trâu chết rét về xẻ thịt bán. Nghề ấy vất vả một tí nhưng đồng vốn đồng lời ngang nhau. Nếu khéo biết chọn trâu, pha lọc, chuyển tiếp về Lào Cai hay đi tiếp thì lãi chưa biết là bao nhiêu.
Hai bố con Châu A Dê người kéo người đẩy con nghé 1 tuổi. Con nghé đang khoác chính chiếc áo ấm của Châu A Dê. Một lát vợ Châu A Dê hớt hải chạy đến, thêm một cái chăn đắp lên con nghé, bây giờ hai bố con đẩy, chị vợ kéo. Ba người đẩy một con nghé, rờ rẫm từng bước trên đường về. Thỉnh thoảng Châu A Dê lại phải lắc đầu trước câu hỏi của những người mua trâu. Người ta nói thẳng: không trụ được đâu, làm sớm thêm được mấy trăm. Dê kiên quyết không bán, anh mất nhiều lắm rồi, con nghé ốm này là chút hy vọng mong manh trong cay đắng. Đợt trước Tết người em trai của Châu A Dê đi chơi nhà bạn về, không may đợt gió lạnh nghiệt ngã quật anh xuống bờ ruộng, không dậy được, 4 ngày sau người ta mới tìm thấy xác. Mai táng cho em xong thì đến lượt 3 con trâu trong nhà cũng lần lượt bị gió rét quật ngã. Con nghé này là con thứ 4 cũng là con cuối cùng, mất nốt nó cả nhà anh thành trắng tay.
Nhưng lòng người đâu chống lại được sức trời. Chừng 2 giờ sau khi chúng tôi quay lại đoạn đường ấy, Châu A Dê đang ngồi cạnh con nghé lúc trước cả nhà xúm vào kéo đẩy. Nó gục hẳn, máu trào ra đằng miệng. Dê ngồi thất thần bên cạnh con nghé hấp hối, vẫn lắc đầu kiên quyết không bán. Có cái gì đó giống như sự sụp đổ đang diễn ra trong lòng người đàn ông ấy. Sự mất mát mà gia đình anh không muốn tin là nghiệt ngã đến vậy, anh sẽ ngồi cạnh con nghé đến khi nào nó tự tắt thở.
Cửa hàng thịt trâu "hoành tráng" nhất chúng tôi tìm vào là nhà anh Châu A Sà. Từ Tết đến giờ nhà anh thành cửa hàng bán thịt trâu chết chuyên nghiệp vì bản Chu Lin 1, xã Trung Chải là một trong những tâm điểm trâu chết, cả bản đến nay đã có hơn 60 hộ có trâu bị chết với số lượng hơn trăm con. Nhà anh có cái vị thế cạnh đường, thôi thì giúp nhau cái chỗ tận thu những gì có thể được. Con trâu lúc sống bán 7-8 triệu đồng, đến lúc ngã vật ra vì rét có khi chỉ còn gom được hơn triệu bạc. Có khách hàng, cả cái đùi trâu trả 100.000 đồng, đắng ngắt họng mà vẫn phải lấy làm mừng. Mừng vì còn có người hỏi mua.
Bên cái bếp lửa hiu hắt trong nhà anh Sà gần chục con người lặng lẽ ngồi sưởi bên cạnh nhau. Phần lớn họ đều có trâu bị chết trong những ngày qua. Anh thôn đội trưởng Châu A Dinh có 2 con trâu bị chết, Giàng A Chèo cũng có 2 con trâu chết. Bản Chu Lìn 2 nhà Châu A Chơ có 9 con trâu thì đã chết 7.
Xã Trung Chải là điểm có trâu chết tệ hại nhất của toàn huyện Sa Pa với hơn 300 con chiếm tới 30% tổng đàn. Khổ nhất 146 hộ vay tiền ngân hàng chính sách mua trâu về nuôi. Trâu chết, lòi nợ ra. Chủ tịch xã Trung Chải Giàng A Dê cho biết xã hiện có 42% hộ nghèo trong tổng số 534 hộ, sau đợt rét này chắc số hộ nghèo sẽ tăng lên hàng trăm hộ nữa. Mà mất trâu biết làm ruộng bằng gì, chắc phải rủ nhau đi cuốc ruộng thôi.
Hai, ba giờ chiều, thịt trâu chết được khiêng ùn ùn ra quốc lộ 4D. Ở bản xa, sáng làm thịt, cõng gánh cả nửa ngày đường mới ra đến đường cái. Ra được đến đường cái mà bán thì trời đã chiều tà, thế là nháo nhào cả lên. Bán hết được trong buổi chiều thì đêm còn mò mẫm đường về, bằng không lại phải tá túc đâu đó qua đêm thì cực khổ muôn phần. Con trâu chết đã đành, con người sống cũng muốn ốm theo. Đoạn cầu K19 có quầy còn đến gần nửa con nghé mà không thấy ai trông nom gì, gà nhảy vào mổ tung tóe, chắc người bán đã quá chán mà bỏ về mất rồi.
Thằng bé Châu A Dơ đứng giữa đường khóc khi con nghé nhỏ nhất đàn của nó gục ngã xuống đường. Rồi nó gắt cả chúng tôi khi anh em tôi xúm vào an ủi nó. Có lẽ nó bực vì chúng tôi đã chứng kiến nó khóc. Nó không chịu cho ai giúp nó, mà một mình nó thì làm sao cõng được con nghé 3 tháng tuổi nặng hơn chính nó. Rồi con nghé cũng co co được hai chân trước như muốn đứng lên. Con nghé chưa chịu gục ngã ngay hay nó đã động lòng thương cậu chủ nhỏ mà không nỡ gục xuống dọc đường. Con nghé xiêu xiêu đứng, thằng bé áp vào đẩy, hai cái bóng loạng choạng từng bước trên đường về. Mấy anh lái trâu nhìn cảnh ấy lắc đầu phán: con nghé này đố qua được đêm nay.
Đến sáng 14.2, toàn huyện Sa Pa đã có 1.486 con trâu bò bị chết do rét. Sáng qua, băng dày đã lan đến thị trấn. Du khách lên đông lắm, có vẻ như cái ước ao bắt được mưa tuyết đang hiển hiện. Người ta bảo lúc ấy trời sẽ trong như ngọc, núi non đẹp đến kỳ vĩ.
X.T
Bình luận (0)