Xe

Sài Gòn kẹt xe lan sang... giờ lạ!

15/08/2016 15:12 GMT+7

Sài Gòn đang ngày một chật cứng khi kẹt xe vẫn tiếp diễn và có xu hướng gia tăng không chỉ trong giờ cao điểm (sáng - chiều) mà còn ở các khung giờ khác trong ngày.

Tình trạng ùn ứ diễn ra thường xuyên ở các trục đường dẫn vào trung tâm thành phố, sân bay Tân Sơn Nhất và các bến xe.
Đất giao thông không đủ
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM mật độ giao thông trên địa bàn TP hiện rất cao. Dân số TP và khách vãng lai hiện trên 10 triệu người, trong khi đường giao thông ít mở rộng nên chưa thể đáp ứng đủ. Mật độ đường giao thông hiện chỉ đạt 1,9 km/ 1km2 và đất công trình giao thông chỉ đạt 8,2% so với đất đô thị, trong khi muốn giải quyết giao thông tốt phải cần từ 18 -24% đất giao thông.
Nhiều người sống trên đường Cộng Hòa cho biết, kẹt xe trên đường không riêng giờ cao điểm mà thường xảy ra ở tất cả các giờ khác trong ngày - Ảnh: An Huy
Người dân trên đường Cộng Hòa cho biết, kẹt xe không riêng giờ cao điểm mà ở tất cả các giờ khác trong ngày. Ảnh: An Huy
Đồng thời, đường giao thông TP hiện chỉ là giao thông bộ, chủ yếu cho 2 làn xe. Trong khi các tuyến metro vẫn đang trong giai đoạn xây dựng nên chưa giải quyết ùn ứ hiệu quả.
Theo ghi nhận của Thanh Niên những ngày qua, dù không phải thời gian cao điểm trong ngày nhưng xe cộ ùn ứ kéo dài vẫn xảy ra liên tục trên nhiều tuyến đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt người dân.
Cụ thể, lúc 9 giờ ngày 12.8, trên đường Hoàng Văn Thụ (hướng vòng xoay Lăng Cha – Nguyễn Văn Trỗi) hàng nghìn phương tiện chen nhau chật cứng nhích từng chút kéo dài từ cầu vượt thép hướng về đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Càng về trưa, lượng phương tiện lưu thông trên đường càng tăng. Các luồng xe chạy từ Hoàng Văn Thụ (hướng ngã tư Bảy Hiền), Cộng Hòa, Lê Văn Sỹ, Phạm Văn Hai liên tục dồn về khiến khu vực ùn ứ nặng, giao thông tê liệt.
Trong khi đó, cũng xảy ra ùn ứ trên đường Trần Quốc Hoàn (hướng Trường Sơn – Lăng Cha Cả), hàng nghìn ô tô và xe máy chen nhau chạy dưới nắng nóng, một số người phải phóng xe máy lên vỉa hè chạy để thoát khỏi khu vực.
Tương tự, qua ghi nhận, dù chỉ mới 15 giờ, ngày 11.8, đường Cộng Hòa (hướng cầu vượt thép Hoàng Hoa Thám – Trường Chinh, Q.Tân Bình) cũng ùn ứ nặng. Xe máy và ô tô từ trung tâm thành phố ùn ùn đổ về Trường Chinh hướng Q.12 và H.Hóc Môn tăng cao, gây ùn ứ nặng tại các giao lộ Cộng Hòa - Ấp Bắc, Cộng Hòa – Tân Kỳ Tân Quý. Nhiều ô tô phải mất hàng giờ mới qua khỏi đoạn đường dài hơn 2km.
Ngoài ra tại nhiều trục đường khác như Trường Chinh (đoạn mũi tàu Cộng Hòa – Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình), Quốc Lộ 13 (đoạn qua cầu Ông Dầu, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức), Nguyễn Kiệm (đoạn Phan Đăng Lưu – vòng xoay Nguyễn Thái Sơn)... cũng trong tình trạng tương tự. 
Vẫn cái vòng luẩn quẩn
TS.Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, tình trạng kẹt xe ở TP.HCM thời gian qua không bất ngờ, vì nhu cầu người sử phương tiện xe cộ lớn nhưng đường không đảm bảo diện tích. Vấn đề trên gây ra nhiều hệ lụy như mất thời gian, tiền bạc, trễ công việc, ô nhiễm môi trường... Trong khi hướng giải quyết là phương tiện giao thông công cộng nhưng lại không đảm bảo.
Theo ông Sanh, để giải quyết nhu cầu giao thông thì phải mở rộng hạ tầng, phát triển giao thông công cộng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chú ý về tổ chức giao thông. Chẳng hạn, con đường có diện tích rộng chưa đến mức kẹt xe nhưng vẫn kẹt là do tổ chức chưa hợp lý. Trước vấn đề trên, các ngành chức năng phải tổ chức lại phân luồng, phân làn, điều chỉnh các biển báo, đèn tín hiệu... sao cho hiệu quả.
Lúc 9 giờ, ngày 12.8, đường Hoàng Văn Thụ (đoạn vòng xoay Lăng Cha Cả - Trường Sơn) hàng phương tiện di chuyển trên đường quá đông và xảy ra ùn ứ nặng - Ảnh: An Huy
Lúc 9 giờ, ngày 12.8, đường Hoàng Văn Thụ (đoạn vòng xoay Lăng Cha Cả - Trường Sơn) xảy ra ùn ứ nặng. Ảnh: An Huy
“Muốn nắm được những nguyên nhân trên, các ngành chức năng phải đi thực tế nghiên cứu kĩ lưỡng về diện tích đường; xe cộ chạy khoảng bao nhiêu chiếc, loại xe gì, giờ nào để xem con đường có chịu đựng được không; mức độ giao thông công cộng lưu thông qua khu vực tốt chưa rồi mới đề ra giải pháp”, ông Sanh nói.
TS.Phạm Sanh ví dụ, để giải quyết ùn ứ khu vực ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, ta phải đi thực tế nắm số liệu cụ thể, có bao nhiêu chiếc chạy qua đây mỗi ngày, loại xe nào và hướng từ đâu qua, hay nghẹt khúc nào.
Thực sự đường Trường Sơn ra vào sân bay không kẹt do xe quá tải lớn, vì con đường có tới 6 làn xe. Vấn đề ở đây do tổ chức giao thông chưa hợp lý, do có quá nhiều đường ngang cho xe chạy vào Trường Sơn và chạy xuyên nhiều khu vực gần sân bay chứ không hẳn vào sân bay. Nhiều người muốn chạy xe qua Phổ Quang, Hoàng Minh Giám đi Gò Vấp, Phạm Văn Đồng đều dồn về Trường Sơn và ngược lại.
 Ùn ứ tại các đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua diễn ra như cơm bữa khiến nhiều người khổ sở, phải mất hàng giờ mới qua được đoạn đường dài vài km - Ảnh: An Huy
Ùn ứ tại các đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua diễn ra như cơm bữa khiến nhiều người khổ sở, phải mất hàng giờ mới qua được đoạn đường dài vài km. Ảnh: An Huy
Ngoài ra, theo TS.Phạm Sanh, kẹt xe sân bay còn do nguyên nhân chủ yếu là xe taxi. Hiện có một bãi taxi rất lớn nằm trên đường Trường Sơn ra vào liên tục làm đoạn đường lúc nào cũng ùn ứ, xe tải chở hàng ra vào sân bay.
“Nhiều con đường trên địa bàn TP.HCM hiện nhỏ nhưng nếu biết tổ chức giao thông thì sẽ giảm kẹt. Hiện nay vẫn để xe chạy không ý thức, dựng lô cốt đào bới, biển báo không hợp lý thì kẹt là dễ hiểu. Ngành giao thông nên nghiên cứu tăng cường tổ chức giao thông thông minh lên, phân luồng lại thì may ra”. TS.Phạm Sanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.