Sau bão số 13, ngư dân Đà Nẵng dong thuyền thúng ra khơi 'hái lộc biển'

16/11/2020 16:13 GMT+7

Hương vị mặn mòi của biển cả cùng tiếng sóng vỗ rì rào yên ả đã thôi thúc những ngư dân miền biển Đà Nẵng thức giấc thật sớm, họ dong thúng, kéo thuyền ra khơi đánh cá sau bão số 13.

"Hái lộc biển" sau bão 

Mờ sáng 16.11, giữa những cơn gió chớm đông se se lạnh, mặt trời ló dạng mang sự bình yên len lỏi khắp mọi ngõ ngách, dọc theo tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) chúng tôi lại được ngắm nhìn biển Đà Nẵng bình yên với những con sóng rì rào vỗ nhẹ vào bờ sau ngày giông bão.
Bão số 13 (bão Vamco) đổ bộ hôm qua 15.11 khiến biển Đà Nẵng dậy sóng dữ dội, cát biển bị cuốn lên tận mặt đường nhựa, nhiều tuyến bờ kè bị sóng đánh vỡ toác…
Trước những thiên tai khắc nghiệt đổ lên mảnh đất miền Trung, những con người chịu thương chịu khó ở dải đất này phải oằn mình chống đỡ. Thế nhưng, với những ngư dân miền biển, giông bão rồi đến lúc phải dừng lại, mặt trời ló dạng cũng là lúc các ngư dân hướng về biển cả “hái lộc”.

Sau bão số 13 (bão Vamco) các ngư dân ở Đà Nẵng lại dong ghe thuyền ra biển đánh cá

HUY ĐẠT

Sau bão số 13, biển cả lại yên bình đãi người dân "lộc biển"

HUY ĐẠT

Nụ cười bội thu

HUY ĐẠT

Tờ mờ sáng, lẫn trong tiếng sóng vỗ rì rào, tại bãi biển Mân Thái (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) tiếng các ngư dân í ới gọi nhau kéo thúng ra biển, nhóm từ 4-5 người khẩn trương hướng về biển. Tỉ nẩm ngồi gỡ rác bám trong tay lưới, ông Phạm Mận (trú P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) cho biết, vì ảnh hưởng bão số 13 nên tất cả các ngư dân đã thuê xe cẩu để đưa thuyền lớn lên bờ, đối với ghe nhỏ và thúng được gánh đến nơi an toàn. Theo ông Mận, mùa này người ngư dân chỉ dong thúng thả lưới gần bờ, chiều thả lưới sáng sớm mai thu hoạch chứ không đánh cá xuyên đêm như tháng 9, 10.
“Hôm qua sau khi bão số 13 hướng ra phía bắc, biển vẫn còn sóng tương đối lớn thì tôi cùng vài ngư dân khác đã dong thúng ra lại biển rồi. Chúng tôi thả lưới lúc 5 giờ chiều qua, đến 4 giờ sáng nay (16.11) thì ra thu hoạch. Sau bão, rác nhiều khiến việc thả lưới khó khăn nhưng biển động cũng là lúc đánh được nhiều cá hơn”, ông Mận tâm sự.

Sao bão, sóng biển cuốn theo rác vào bờ nên việc thả lưới cũng gặp nhiều khó khăn

HUY ĐẠT

Nụ cười sau khi sảng khoái của những người đàn ông miền biển sau chuyến đánh cá bội thu

HUY ĐẠT

Tỉ mẩn ngồi gỡ lưới, chuẩn bị cho chuyến đánh cá vào buổi chiều

HUY ĐẠT

"Biển cả là cuộc sống"

Cùng người anh trai kéo chiếc thúng nhỏ theo con sóng hướng vào bờ, ông Lê Văn Dũng (47 tuổi, trú P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) cho biết, sinh ra ở miền biển, gắn đời mình với tay lưới, con cá và ghe thúng, đã 3 ngày nay từ lúc bão số 13 sắp tiến vào bờ thì những chiếc ghe bị úp ngược, thuyền lớn “mắc cạn” trên đường nhựa. Đó cũng là lúc những ngư dân như ông Dũng cảm thấy buồn bực chân tay nhất.
“Thiên tai phải dốc toàn sức lực, kêu gọi anh em đưa ghe thúng đi tránh bão. Tuy nhiên, bão đi rồi thì phải lao ngay ra biển. Đã 3 ngày rồi chúng tôi ở nhà, nay được ngược sóng ra thả lưới đánh cá về bán, về ăn thật thỏa thích. Biển cả là cuộc sống mà”, ông Dũng nói.

Cá tươi được chuyển lên bờ bán cho các tiểu thương

HUY ĐẠT

Sau khi chuyển cá lên bờ để vợ đi bán, ông Châu Văn Tốt khoe "chiến lợi phẩm" và đây cũng là thức ăn cho cả gia đình ngày hôm nay

HUY ĐẠT

Cũng theo ông Dũng, từ chiều qua đến sáng nay (16.11), ngư dân Q.Sơn Trà khẩn trương thuê xe cẩu để đưa thuyền xuống biển, chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt gần bờ.
Mặt trời lên cao dần, giữa gió biển thúc mạnh vẫn cảm nhận được hơi ấm dần chuyển sang nóng. Hì hục gánh những chiếc thúng giúp những người vừa từ biển trở về, ông Châu Văn Tốt (52 tuổi, Trú P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) cho biết, sáng nay ông ngược ra khơi từ lúc 2 giờ sáng để kịp đi 2 chuyến thu hoạch lưới. Chuyến đầu dong thúng đi lúc tờ mờ sáng nên sương mù quá dày khiến ông chỉ thu hoạch những mẻ lưới gần, sau đó xuôi theo con sóng chở cá về để vợ kịp bán ở Chợ Mai (Q.Sơn Trà).
“Biển cả có lúc dữ dội, cuồng phong bão số 13 thật khủng khiếp. Thế nhưng biển cả đã nuôi sống chúng tôi hằng ngày. Sáng đến giờ chuyến đầu bán được khoảng 400.000 đồng, tôi vui mừng lắm. Biển nổi cơn thịnh nộ cũng lúc mang “lộc” vào bờ”, ông Tốt nói.

Những ghe thuyền được đưa lên bờ tránh bão trước đó, sáng nay (16.11) được cẩu chở xuống biển trở lại

HUY ĐẠT

 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.