Sống bất an bên 'miệng' hà bá

Nhà bếp, đường đi, chuồng gà... bị sạt xuống sông Đào khiến hàng chục hộ dân ở TT.Nam Đàn (H.Nam Đàn, Nghệ An) bất an , lo lắng.

Những cơn mưa kéo dài cuối năm 2016 đã khiến con đường bê tông dẫn vào nhà bà Nguyễn Thị Phương (52 tuổi, ngụ tại khối Yên Khánh, TT.Nam Đàn) và nhà ông Trịnh Văn Phương (49 tuổi) ở kế bên bị sạt lở nghiêm trọng.
Phần lớn đất đá phía dưới con đường duy nhất dẫn vào nhà đã bị cuốn trôi xuống sông Đào buộc bà Phương và gia đình hàng xóm phải sử dụng hàng chục cọc tre, ván gỗ chống đỡ, rồi lấy bạt che chắn không cho nước mưa ngấm vào và tiếp tục phá huỷ con đường.
“Sạt lở lấn sâu gần tới mép nhà khiến nhiều chỗ bị nứt nẻ. Hễ thấy trời mưa là cả nhà tôi đứng ngồi không yên nhưng chẳng còn cách nào khác. Hơn 1 tháng nay, nước máy cũng đã bị cắt, nhà tôi phải đi xin nước về dùng”, bà Phương nói.
Ông Quách Văn Thọ (55, ngụ tại khối Sa Nam, TT.Nam Đàn) cho biết, trong đợt mưa cuối tháng 5 vừa qua, sạt lở đất đã lấn sát các công trình phụ và nhà bếp, cuốn trôi cả chuồng gà với gần 100 con gà của gia đình ông xuống sông.
“Sạt lở đã diễn ra từ nhiều năm nay. Cứ mỗi mùa mưa lũ về là chúng tôi không ai dám ngủ, sợ nhà cửa bị trôi xuống sông. Khi mưa lớn, người ra mép sông kiểm tra, người kiểm tra trong nhà xem nứt nẻ có xảy ra không để... chạy cho kịp. Chúng tôi rất bất an nhưng hết cách rồi”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp mong muốn sớm có phương án di dời đến khu tái định cư hoặc xây dựng bờ kè dọc hai bờ sông Đào để đảm bảo an toàn, sớm ổn định cuộc sống nhưng chưa được giải quyết.

tin liên quan

Sống bất an trong những căn nhà chờ sập
Hơn 20 năm qua, 32 hộ dân tại tổ 15, thôn 3, xã Thiện Hưng, H.Bù Đốp (Bình Phước) phải chịu cảnh sống thấp thỏm trong những căn nhà sập xệ, dột nát và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TT.Nam Đàn cho biết, có 20 hộ dân thuộc các khối Yên Khánh và Sa Nam sống dọc hai bên bờ sông Đào đang nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở. Tuy nhiên, kinh phí để di dời tái định cư quá lớn, không thể thực hiện được. Hiện mới có một dự án từ ngân sách của tỉnh làm bờ kè bằng đá hộc dọc đoạn bờ sông chảy qua khu đất ở của hai hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
“Chúng tôi đã lên phương án cụ thể, sẵn sàng di dời các hộ dân này đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão năm nay”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.