Sống ở Cuba: Bóng ma cấm vận

02/01/2017 09:02 GMT+7

Đối với người Cuba, cấm vận là nguyên do dẫn đến mọi khó khăn, thách thức mà họ phải đối mặt trong hơn nửa thế kỷ qua.

Năm 1960, sau khi bị Cuba quốc hữu hóa số tài sản trị giá khoảng 1 tỉ USD tại nước này, Mỹ quyết định phong tỏa kinh tế đảo quốc láng giềng theo lệnh của Tổng thống Dwight Eisenhower. Năm 1962, người kế nhiệm John F.Kennedy tiếp tục cấm mua hàng từ Cuba, từ chối tất cả tàu cập cảng nếu có ghé qua Cuba và cấm người Mỹ đến thăm Cuba.
Năm 1996, Tổng thống Bill Clinton ký đạo luật Helms-Burton cấm tất cả các công ty nước ngoài có làm ăn với Cuba giao dịch với Mỹ. Năm 2004, dưới thời Tổng thống George W.Bush, gần như tất cả hoạt động trao đổi văn hóa, khoa học, thể thao giữa hai nước bị đình chỉ.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Nghề tay trái
Tục ngữ có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng điều này hầu như không thể áp dụng tại Cuba.
Đến những năm gần đây, Tổng thống Barack Obama nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách bao vây cấm vận Cuba. Mỹ bắt đầu nới lỏng một số quy định và hiện hai nước đang tiến tới bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm thù địch.
Mỹ từng muốn mua Cuba
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, thế giới đã cực lực lên án chính sách cấm vận phi lý nhằm vào Cuba. Liên tiếp 21 năm liền, đại đa số các thành viên LHQ đều bỏ phiếu chống cấm vận Cuba. Năm 2012, Vatican cũng thể hiện quan điểm không tin rằng cấm vận là một biện pháp tốt vì gây ra hậu quả nặng nề cho người dân.
Tiến sĩ Hugo M.Pons Duarte, Giám đốc quan hệ quốc tế Hiệp hội Tài chính và kinh tế quốc gia Cuba, nói với PV Thanh Niên: “Ngày 26.10.2016, có tới 193 nước bỏ phiếu thuận về việc yêu cầu Mỹ xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận, hai nước bỏ phiếu trắng là Mỹ và Israel. Trước đây, Mỹ đều bỏ phiếu chống, nhưng năm nay tiến bộ hơn khi bỏ phiếu trắng”. Dầu vậy, lệnh cấm vận vẫn còn đó và khi nào chưa xóa bỏ thì đây vẫn là mối quan tâm lớn nhất về quan hệ Cuba - Mỹ.
Điều ít người biết là trong lịch sử có đến 4 đời chủ nhân Nhà Trắng muốn… mua Cuba. Năm 1808, Tổng thống Thomas Jefferson đưa ra mức giá không được tiết lộ. Bốn mươi năm sau, Tổng thống James K.Polk ngã giá 100 triệu USD. Năm 1854, Tổng thống Franklin Pierce nâng giá 130 triệu USD và năm 1898, Tổng thống William McKinley “chốt” là 300 triệu USD.
Một điểm đáng chú ý khác là vịnh Guantanamo, phía đông nam Cuba, hiện đang được Mỹ kiểm soát theo thỏa thuận cho thuê với chính quyền Cuba vào năm 1903. Hằng năm, Washington vẫn đều đặn gửi chi phiếu 4.000 USD tiền thuê đất nhưng phía Havana cương quyết từ chối.
Hậu quả nặng nề
Trong mắt người dân Cuba, hầu như mọi khó khăn lẫn bất cập đều “do cấm vận” cả. Kinh tế lẽ ra đã rất phát triển nếu không có cấm vận. Không có cấm vận, nước sinh hoạt sẽ sạch đến mức có thể uống được, lương cao không thua gì Mỹ… Cấm vận còn dẫn đến chuyện trễ nải giờ hẹn. Hẹn làm việc tại cơ quan nhà nước: trễ. Giờ tàu chạy: trễ.
Khi một người Cuba nói chờ 5 phút thì đừng bao giờ tin, có thể sẽ là 15 phút, 30 phút, 1 tiếng hoặc thậm chí... đến hôm sau. Lý do mà họ đưa ra là “tại cấm vận”. Mario Rizzi, anh bạn người Canada sống nhiều năm ở Cuba, nói nửa đùa nửa thật rằng ở châu Phi, nếu gặp chuyện không hay xảy ra, người ta thường đưa hai tay lên và cười lớn: “Đây là châu Phi mà”; còn ở Cuba, họ sẽ đưa hai tay lên và nói: “Tại cấm vận đấy!”.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Thời tem phiếu chưa qua
Sáng thứ bảy, bà hàng xóm đập cửa rầm rầm: “Thịt đến, có thịt rồi nhé!”. Nghe được tin vui, cả xóm chộn rộn hẳn lên.
Dưới lệnh cấm vận phi lý, không hàng hóa nào có hơn 10% nguyên liệu xuất phát từ Cuba có thể nhập khẩu vào Mỹ; đồng thời, Cuba cũng không được nhập hàng có trên 10% xuất xứ từ Mỹ. Tàu từ bất cứ quốc gia nào neo đậu tại Cuba đều bị cấm nhập cảnh Mỹ trong 180 ngày… Cấm vận khắc nghiệt đến nỗi năm 2006, cậu bé 13 tuổi người Cuba Rasel Sosa đoạt giải tại một cuộc thi nghệ thuật quốc tế nhưng ban tổ chức là Công ty Nikon không thể trao giải thưởng là chiếc máy ảnh kỹ thuật số, vì sản phẩm này có trên 10% bộ phận xuất xứ từ Mỹ. Vì thế, Nikon phải trao cho cậu bé một... bức tranh để thay thế.
Theo tiến sĩ Duarte, cấm vận khiến Cuba phải nhập khẩu lương thực, linh kiện công nông nghiệp… với giá cao, gặp khó khăn lớn trong việc nhận các nguồn tài chính bên ngoài để phát triển, hạn chế đảm bảo thu nhập cho người dân. “Tính từ tháng 4.2015 đến tháng 3.2016, tác động trực tiếp của chính sách bao vây cấm vận đã gây thiệt hại hơn 4 tỉ USD. Chỉ cần 21% trong con số này, Cuba đã có thể xây dựng được nhiều nhà máy dược phẩm… Hiển nhiên, theo nghĩa đen, Mỹ đang tiến hành chiến tranh kinh tế”, ông nói với Thanh Niên.
Vì sao lãnh tụ Fidel Castro để râu?
Một câu chuyện mà nhiều người thường kể vui cho nhau nghe là bộ râu đặc trưng của lãnh tụ Fidel Castro xuất phát từ cấm vận khiến nguồn cung cấp dao cạo của ông không còn nữa.
Thật ra, trong tự truyện của mình, Fidel đã giải thích điều này: “Câu chuyện về râu của chúng tôi rất đơn giản. Thời chiến đấu, chúng tôi là những du kích sống trong điều kiện khó khăn, làm gì có dao cạo râu, vì thế cứ để râu tóc mọc tự do. Và “râu ria xồm xoàm” cũng trở thành một trong những đặc điểm nhận dạng. Đối với báo chí và mọi người lúc bấy giờ, du kích chúng tôi là “những người đàn ông rậm râu”.
Điều này cũng có cái hay là một khi gián điệp muốn trà trộn vào hàng ngũ chúng tôi, anh ta phải tốn 6 tháng để... nuôi râu, tóc. Sau khi cách mạng thành công, chúng tôi vẫn để râu như một cách giữ gìn “hình tượng” đó”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.