Xì gà được trồng khắp nơi tại Cuba, tuy nhiên tập trung nhiều nhất là vùng Pinar del Rio. Vùng này thì rất đông du khách. Tôi đâm ngại nên tìm đến khu trồng xì gà ở tỉnh Sancti Spíritus, cách thủ đô Havana khoảng 350 km. Tôi đến vào thời điểm cuối năm, cây thuốc lá cũng chỉ mới nhú.
Ông nông dân Juanito cho biết cây thuốc lá ở đây chỉ trồng một vụ/năm. Trồng vào tháng 11 đến tháng 2, nông dân bắt đầu thu hoạch bằng cách ngắt từng lá và gom về kho, treo trên sào gỗ để phơi khô trong 4 tháng nữa. Sau đó tất cả lá xì gà sẽ được nhà nước thu mua.
tin liên quan
Sống ở Cuba: Tiếng lành đồn xaNhiều người biết giáo dục và y tế ở Cuba hoàn toàn miễn phí, nhưng “tận mục sở thị” thì còn thú vị hơn.
“Cây thuốc lá trưởng thành nhiều nhất chỉ có 30 lá. Tuy nhiên việc ngắt lá ở mỗi cây có thể kéo dài vài tuần vì mỗi lần chỉ được ngắt từ 2 - 3 lá, sau đó lại phải đợi vài ngày mới được ngắt tiếp”, ông nói.
Có tri thức nhờ vấn xì gà
Nhiều nước trên thế giới cũng trồng và sản xuất xì gà, nhưng xì gà Cuba vẫn luôn được xếp vào hàng chất lượng nhất. Ngoài lợi thế thổ nhưỡng và những bí quyết độc đáo trong quá trình trồng, thu hoạch, sản xuất, Cuba cũng là nước duy nhất làm xì gà hoàn toàn bằng phương pháp thủ công như cách đây 200 năm. Vì thế, xưởng sản xuất được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn khi đến nước này.
Ở Havana, xưởng Romeo y Julieta thu hút nhiều khách du lịch nhất. Vé vào cửa tham quan cũng đến 10 CUC (10 USD). Nhiều người hay đùa sở dĩ xì gà có mùi thơm và vị đặc biệt là do được vấn “trên đùi những cô gái mới lớn”. Rõ ràng là chuyện nói vui vì thực tế người ta vấn xì gà trên bàn nhưng chuyện đa số phụ nữ làm nghề này thì đúng bởi vì họ tỉ mỉ và khéo léo hơn. Một người có thể vấn được từ 60 - 100 điếu/ngày tùy kỹ thuật và kích thước.
Yaraina, 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết một điếu xì gà thường có 3 thành phần chính là ruột, vỏ lót và vỏ bọc. Cây thuốc lá trồng ngoài trời sẽ được lấy lá làm ruột và vỏ lót. Cây trồng trong nhà có lá to và mỏng hơn sẽ được dùng làm vỏ bọc vì dễ cuốn hơn. Từ lúc bắt đầu trồng cho đến khi ra thành phẩm có đến hơn 100 công đoạn. “Do có nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cao độ nên muốn trở thành một nghệ nhân vấn xì gà phải tốn cả chục năm”, cô nói.
Lương công nhân xì gà tại đây là 400 - 600 peso và 25 CUC/tháng (tổng cộng khoảng 45 - 50 USD). Ngoài ra, mỗi người còn được 5 điếu/ngày. Đây là mức khá cao so với lương trung bình ở Cuba khoảng từ 20 - 40 USD/tháng.
Khá bất ngờ là những người vấn xì gà Cuba từng được xem là giới trí thức. Chuyện bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, trong xưởng xì gà luôn có một người đứng đọc các tác phẩm văn học hoặc sách báo cho những thợ vấn nghe khi họ đang làm việc. Nhờ đó, họ tiếp thu và tích lũy kiến thức khá nhiều. Thậm chí cả tên của các loại xì gà nổi tiếng Cuba hiện nay như Montecristo và Romeo y Julieta cũng được cho là bắt nguồn từ hai tác phẩm Bá tước Monte Cristo và Romeo - Juliette đọc cho thợ vấn nghe vào thời điểm đó. Ngày nay, một số xưởng tại Cuba vẫn còn giữ truyền thống đọc sách báo cho thợ vấn nghe mỗi ngày.
Trữ xì gà rồi mới cấm vận
Đến Cuba, đi trên đường du khách thường được chào mời mua xì gà. Ai cũng đảm bảo hàng xịn 100% và rằng anh ta có bà con làm ở xưởng nhưng phần lớn đều không thật. Một trong những nguyên tắc đầu tiên mà nhiều người tại Cuba đều dặn tôi là không bao giờ mua xì gà trên đường phố vì ở Cuba có đủ loại, đủ giá từ vài peso (vài ngàn đồng) cho đến vài chục CUC/điếu (cả triệu đồng).
“Ngay cả dân Cuba hút xì gà “từ trong bụng mẹ” cũng khó phân biệt được những loại cùng dòng, cùng vị nhưng giá chênh lệch nhau gấp mấy lần”, theo lời Lorenso (32 tuổi), nghệ nhân vấn xì gà của Hãng Partagas nổi tiếng.
Năm 1961, Mỹ âm mưu lật đổ chế độ cách mạng Cuba trong sự kiện vịnh Con heo nhưng thất bại. Một tháng sau đó, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy gọi người phát ngôn Pierre Salinger vào phòng riêng và nói ông cần 1.000 điếu xì gà Cuba Petit Upmann vào sáng mai.
Hôm sau, khi Salinger trả lời đã tìm được 1.200 điếu, Kennedy hào hứng khen: “Tuyệt vời” rồi mở ngăn kéo rút sắc lệnh cấm tất cả sản phẩm của Cuba tại Mỹ và ký vào. Theo lời kể của cựu trợ lý Richard Goodwin với tờ The New York Times nhiều năm sau, Kennedy từng nói rằng ông không có ý định cấm vận luôn cả xì gà nhưng các nhà sản xuất tại Tampa (bang Florida, Mỹ) đã gây áp lực rất mạnh nên đành “xuôi tay”.
Câu chuyện này cũng cho thấy sức quyến rũ của xì gà Cuba mạnh mẽ đến chừng nào.
Bình luận (0)