Sông Sài Gòn ngày ngược thượng nguồn...

01/08/2020 08:06 GMT+7

Dòng sông êm đềm trôi qua bao phố phường, trôi dưới những cây cầu như lâu nay vẫn thế. Nhưng trải nghiệm của tôi với buổi chiều ngược thượng nguồn, rất khác và rất lạ...

Cơn mưa chiều bất chợt!

Viết về Sài Gòn, mà không ghi lại những cảm nhận về dòng sông chảy qua thành phố thì e rằng chưa trọn vẹn. Bởi thế nên có dịp may, tôi đã “tìm được” chuyến đi dọc sông thú vị. Ấy là nhờ sự kết nối của ông Trần Quang Trung, đang công tác ở Chi cục Đường thủy TP.HCM.
... Đó là 4 giờ chiều thứ bảy, chiếc ca nô chở 6 người cùng với anh tài công tên Hải, bắt đầu rời đi từ bến Bạch Đằng (Q.1). Chúng tôi đi bằng sự háo hức và trên ca nô có sự góp mặt của một người am hiểu sông nước: ông Nguyễn Kim Toản, người được giới báo chí đặt biệt danh là “ông trùm buýt sông”. Vừa mới khởi động, vèo một phát chúng tôi đã ở dưới cầu Thủ Thiêm 2, có mấy hàng dây văng đang hối hả thi công.
Dòng sông rộng. Lững lờ trôi về phía hạ nguồn, là nơi tôi từng đứng mê say trước vẻ mênh mang ở đoạn chia hai của sông Nhà Bè, mà ông Toản khi nhắc đến đã nói rằng “phía ấy sông nhìn rất bàng bạc”. Nhưng ca nô lại tăng tốc lên 45 - 50 km/giờ, lần này đưa chúng tôi lên thượng nguồn, để thấy một vẻ đẹp khác của dòng sông ân tình. Sông Sài Gòn có đoạn tôi hình dung như rạo rực, có đoạn phẳng lặng đến nao lòng. Bạn đồng nghiệp cùng đi làm ở một đài truyền hình, thốt lên: “Đẹp quá!”.

Cầu Thủ Thiêm 2 đang thi công

Qua những khu đô thị, các dãy nhà hàng ẩm thực đôi bờ, qua cả những chiếc cầu cũ mới bắc qua sông... chúng tôi đi mãi. Vài chiếc thuyền buýt xuôi về với nhiều đôi tay vẫy, vài chiếc sà lan cát cùng lên ngược. Đôi khi gặp một chiếc ghe chở trùm lên mình cơ man nào là lá dừa nước, dường như từ miệt Long An, Tiền Giang đưa lên mạn Bình Dương để bán. Những chiếc ghe thương hồ chở gia đình, phía mũi ghe có dựng cả bàn thiên để thắp nhang và “trang điểm” nhiều chậu kiểng bông sứ bông trang sắp san sát... Hình ảnh ấy cho thấy một cuộc sống lênh đênh mà họ có thể và không thể lựa chọn, rất khó gặp khi ở trên bờ.
Vượt qua bảy chiếc cầu. Bắt đầu là cầu Thủ Thiêm 2, Thủ Thiêm 1, cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước, rồi tiếp tục ngược lên băng qua xứ Lái Thiêu trù phú để lên đến cầu Phú Long. Cây cầu nào cũng có nét đẹp riêng của nó, nhưng lưu lượng xe dày mỏng khác nhau vẫn sầm sập trên đầu. Trần Quang Trung lúc thì thông tin đoạn sông này sâu bao nhiêu, đoạn sông kia rộng mấy trăm thước..., lúc lại giải thích về mấy bảng hiệu dẫn dắt đường thủy, chẳng khác gì biển hiệu giao thông đường bộ.
Còn ông Toản nói rất... văn chương: “Tôi đã đi qua bao dòng sông trên thế giới, nhưng sông Sài Gòn làm tôi say mê. Thành phố nào có dòng sông chảy qua đều đẹp và đầy sinh khí. Bởi sông nước hữu tình cũng làm lòng người đẹp thêm. Nó chính là cảnh quan, phong thủy của mỗi vùng đất...”.
Nhưng rồi, ô kìa mưa. Trước mặt là vầng mây xám dần chuyển màu buông xuống như dải lụa tím. Một dải lụa nước tự trời cao. Hải nói: “Nếu đi tiếp sẽ gặp cơn mưa ấy. Nặng hạt lắm đó”. Nên sau khi hội ý, anh quay mũi ca nô xuôi về, mà mưa vẫn không ngớt. Trên bến sông chiều thuộc địa bàn Q.12, một người đàn bà đón chúng tôi, pha cà phê và nước dừa, giúp đợi mưa tạnh.

Sông “trở trăn” tình người

Ở quán có hàng cây sanh rủ bóng ra dòng nước đón mưa, ông Toản kể về một đoạn đời “lặn lội” với sông nước miền Nam. Quả thực, chỉ là sơ ngộ nhưng qua ánh mắt và giọng nói, tôi chưa từng gặp ai yêu quý dòng sông này đến thế. Chính ông đã đi tham khảo rất nhiều mô hình ở các bến, các cảng của các dòng sông trên thế giới, để trở về tạo riêng cho mình một phong cách bến thủy ở khu vực Bạch Đằng. Có lúc, ông đã 7 ngày 7 đêm đi một vòng từ sông Sài Gòn về sông Vàm Cỏ rồi vượt qua bao dòng sông của vùng châu thổ Cửu Long, tìm hiểu luồng lạch, mớn nước, chế độ thủy triều...
Để rồi bây giờ, ông có một kho tư liệu quý về các dòng sông, có thể nói chuyện hàng giờ với sinh viên các trường đại học, bằng một niềm say mê, cảm hứng có được từ sự thu hái qua những năm tháng lênh đênh nhọc nhằn. Vì vậy, tôi nhớ mãi câu nói của ông, lúc ngồi ở ngôi quán ven sông: “Phải tìm hiểu kỹ và nhất thiết thuận theo lẽ tự nhiên khi xây dựng đô thị ven các dòng sông, đừng áp dặt ý chí con người. Mọi sự sẽ hỏng!”.
Những điều ghi nhận được qua câu chuyện, khiến tôi nhớ lại cách đây hơn 10 năm, trong mấy lần ngồi với một kiến trúc sư công tác ở Viện Quy hoạch xây dựng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), là người am hiểu về chế độ thủy văn sông Sài Gòn. Ông cho biết con sông này không quá phức tạp, kể cả về mùa mưa, nên rất thuận tiện cho giao thương đường thủy nội địa. Chế độ bán nhật triều, một ngày lên xuống hai lần ảnh hưởng từ Biển Đông đã giúp cho việc sản xuất nông nghiệp ngày trước ở các vùng ngoại thành rất thuận tiện. Tuy nhiên, sau này khi đô thị phát triển, việc xây dựng tại nhiều khu vực không tuân thủ tự nhiên đã khiến cho chế độ thủy triều bây giờ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và đi lại của người dân.
Điều tôi đặc biệt chú ý, là từ bản luận án gần đây của một vị tiến sĩ, cho thấy biên độ triều của sông Sài Gòn có khi lên đến 3,5 - 4 m, khiến cho ai nghe qua cũng đều e ngại về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng có ảnh hưởng trầm trọng đến thành phố với hơn chục triệu dân đang sinh sống. Hằng tháng có hai kỳ triều cường và hai kỳ triều kém. Trong năm, đỉnh triều có xu thế cao hơn vào tháng 10 và tháng 11 và chân triều có xu thế thấp hơn vào tháng 5 và tháng 6. Chuyện này giải thích vì sao triều cường khi đạt mức cao nhất đã khiến cho nhiều nhà vườn ngoại thành đôi lúc phải “bó tay” vào mỗi dịp cuối năm khi cây cối, hoa trái bị úng ngập.
Chợt nhớ, một chủ vườn mai rất kinh nghiệm ở An Phú Đông (Q.12) mà tôi từng có dịp đến thăm, khi hỏi chuyện đã thở vắn than dài: “Kinh tế tăng trưởng yếu do dịch bệnh khiến chúng tôi khó khăn đã đành, việc triều dâng do nước sông càng lúc càng lớn qua mỗi năm cũng khiến nhà vườn lao đao. Nếu có những chương trình xây dựng bờ bao ngăn nước, có các cửa xả tiêu thoát dọc sông Sài Gòn và ở các phụ lưu, thì bà con mần vườn đỡ biết mấy!”.
Cái sự thở than ấy của ông Tám Sết, chủ vườn, không hiểu sao trở đi trở lại trong đầu tôi khi nghĩ về câu chuyện quy hoạch dọc sông Sài Gòn. Ở mảnh đất phương nam này, ai cũng biết rằng mùa lũ và mùa kiệt phân định khá rạch ròi và thuận lắm. Nhưng bao năm qua, sự điều tiết khí hậu hai mùa rõ ràng ấy, cộng với chế độ thủy triều càng ngày càng khác lạ do biến đổi khí hậu, lại chưa được thể hiện bằng các dự án hợp lẽ có tầm vóc, quy mô để dòng sông Sài Gòn phát huy được tính năng trời ban cho một thành phố, mà đáng ra mọi người dân đều phải được thụ hưởng.
Vì thế, câu nói “thuận theo lẽ tự nhiên” của ông Toản như vẫn vẳng lại trên đường trở về sau một chuyến đi. Tôi đã nói với ông ấy rằng thử lênh đênh sông nước một buổi chiều xem sao, nhưng cái sự “lênh đênh” ấy hóa ra lại là một câu chuyện khá “oái oăm”, khi dòng sông ngoài kia thì rất đẹp, mà trong tôi vẩn vơ bao chuyện ngổn ngang cứ buộc phải tỏ bày...
Sông Sài Gòn dài 256 km, là một phụ lưu của sông Đồng Nai, về đến đoạn đầu của mình sông chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Sông đi qua trên địa bàn TP.HCM có chiều dài khoảng 80 km, bề rộng nơi hẹp nhất 225 m, rộng nhất 370 m, độ sâu nhất 20 m. Lưu lượng trung bình của sông, do có độ dốc bằng phẳng hơn các con sông ở miền Đông Nam bộ nên chỉ vào khoảng 54 m3/giây, đổ ra biển bằng 2 ngả chính là sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Các phụ lưu sông Sài Gòn gồm: sông Thị Tính, sông Vàm Thuật (đoạn hẹp nhất 230 m, có phà từ An Phú Đông - Q.12 qua Q. Gò Vấp), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tẻ - Kênh Đôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.