Hầu hết các trường hợp mơ hồ về giới tính được phát hiện ban đầu chủ yếu từ thân nhân người bệnh, một số còn lại do tình cờ khi đi khám về một bệnh lý khác.
Từ chối giới tính thật
Mới đây, một “cô gái” sinh năm 1995 (ngụ ở tỉnh Đồng Nai) được gia đình đưa đến bệnh viện khám vì phát hiện em có một khối u trong bụng. Qua quá trình thăm khám, làm xét nghiệm, sinh thiết, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị… ung thư tinh hoàn.
Theo gia đình khi bé mới chào đời, người thân ai cũng phân vân vì không biết bé là nam hay nữ. Bé có lỗ tiểu thấp và có bộ phận giống như âm vật dù to một cách bất thường. Bé được gia đình làm khai sinh là bé gái và đem đến một cơ sở y tế để… cắt bỏ phần bị cho là dư thừa của âm vật.
Đến tuổi 14, bé gái lại có biểu hiện vỡ giọng, cơ bắp phát triển như con trai. Lúc này, gia đình mới đưa con đi đến bệnh viện để làm xét nghiệm giới tính, tại bệnh viện, kết quả nhiễm sắc thể đồ cho thấy em mang bộ nhiễm sắc thể 46XY - quy định giới tính nam chứ không phải nữ. Đồng thời, bệnh nhân còn 2 tinh hoàn ẩn đang nằm trong ổ bụng.
tin liên quan
Định nhầm giới tính: Từ tinh hoàn ẩn đến bị bạn nữ tố là... namVới cơ quan sinh dục ngoài lỡ cỡ (không rõ nam hay nữ), không ít em bé phải sống trong 'đau khổ' vì giới tính thật ngược với ngoại hình của mình.
Tuy đã được khẳng định cháu là nam, nhưng gia đình và cả bệnh nhân đều từ chối việc quay về giới tính thật vì lỡ mang dáng dấp của nữ mười mấy năm qua. Sau đó, bệnh nhân được gia đình tự ý đưa qua Thái Lan tiêm hoóc môn sinh dục nữ. Đến năm em được 19 tuổi, 1 tinh hoàn ẩn trong ổ bụng bệnh nhân hóa ung thư, em phải cắt bỏ bộ phận này và tiến hành hóa trị. Không may, sau đó, tinh hoàn còn lại cũng hóa ác tính và cần cắt bỏ. Đến nay, tình cảnh của em vô cùng đáng thương bởi không chỉ đối mặt với ung thư mà tương lai em muốn trở thành nữ hay nam đều rất khó khăn.
Trong trường hợp này, theo các bác sĩ nam học, nếu trước đó, gia đình và bệnh nhân đồng ý can thiệp sớm, chỉ cần hạ tinh hoàn xuống bìu, tạo hình lại dương vật là bệnh nhân có thể quay về giới tính thật.
tin liên quan
Bi hài chuyện giáo dục giới tính: 'Ba mẹ con làm vậy đó!'Một cặp vợ chồng làm trong ngành truyền thông tại TP.HCM đã 'đứng hình' khi nghe đứa con gái hồn nhiên nói với ông bà ngoại: 'Ông bà bắt tréo chân qua đi, rồi đắp mền lại. Ba mẹ con làm vậy đó!'.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Bệnh viện Bình Dân, cho biết: “Bất kỳ trẻ nào có nghi ngờ giới tính sinh học đều phải xét nghiệm đến tận cùng để chẩn đoán có bị rối loạn biệt hóa giới tính hay chỉ là bất thường cơ quan sinh dục. Trước khi quyết định can thiệp tạo hình cơ quan sinh dục và điều chỉnh ngoại hình, bệnh nhân và gia đình cần cân nhắc kỹ lưỡng. Trước khi điều trị bằng nội tiết bác sĩ cần đánh giá dự trù được những tiến triển xấu của một đứa trẻ. Nhiều người bị chuyển giới (phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục) lệch lạc, chuyển giới xong mới phát hiện không đúng giới tính đó”.
Mơ hồ về giới tính ở trẻ mới sinh ra không phải là tình trạng dễ nhận biết ngay cả với nhân viên y tế. Do đó, ngày nay, một số bệnh viện phụ sản, nếu trẻ sơ sinh có cơ quan sinh dục không bình thường, bệnh viện phải tiến hành gửi trẻ đi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, xác định giới tính trước khi điền vào giấy chứng sinh. Hiện nay, trong cả nước có 3 bệnh viện có thẩm quyền can thiệp điều trị, cấp “Giấy chứng nhận y tế đã xác định lại giới tính” cho các trường hợp khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác: phía Bắc có Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Việt Đức; phía Nam có Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM. (Còn tiếp)
tin liên quan
Bi hài chuyện giáo dục giới tính: Những câu hỏi 'khó đỡ' của trẻNhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó xử, không biết giải thích ra sao khi trẻ thắc mắc: 'Con được sinh ra từ đâu?', 'Tại sao con có mặt trên đời này?'...
Bình luận (0)