“Quan sát bệnh nhân một chút thôi, nếu thấy họ thảnh thơi, thậm chí đang nằm vắt chân chữ ngũ nữa thì thật tuyệt, bởi điều đó nói rằng, bệnh nhân của mình đang thể chất tốt, tinh thần thoải mái”, GS-TS Trịnh Hồng Sơn, chuyên gia ghép tạng, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ.
Ghép tạng thành công cần sự phối hợp của tập thể - Ảnh: Thúy Anh |
Cuộc sống hồi sinh
“Anh cảm thấy thế nào khi trong lồng ngực mình đang là trái tim một thanh niên tuổi đôi mươi?”, GS Trịnh Hồng Sơn thân mật trao đổi với anh Nguyễn Văn H., bệnh nhân 38 tuổi sau khi được ghép tim hiến từ người cho chết não. “Tôi thấy cũng thoải mái, bình thường”, với nụ cười hiền lành, anh H. đáp lại. Những người có mặt cùng cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của thầy thuốc - bệnh nhân bởi được chứng kiến một cuộc sống mới đang trở lại với anh H., và sự sống dường như cũng đang hiện hữu với người thanh niên đã hiến trái tim mình.
“Sau mỗi ca ghép tạng, lúc nào tôi cũng tự hỏi: Không biết bệnh nhân của mình có sống được không. Có lẽ tôi hay quá lo xa”, GS Sơn thành thật. “Mọi cuộc phẫu thuật phải đòi hỏi sự tư duy, chính xác và nhanh chóng bởi sự sống chỉ còn tính bằng phút. Trong tình huống nào thì kỹ thuật viên không bao giờ được để cái tay cao hơn cái đầu. Trước tiên là chỉ định đúng, lựa chọn phương pháp tối ưu, ra quyết định chính xác”, ông giải thích. Chuyên gia cũng cho rằng: “Phẫu thuật như một trận đánh, đâu phải lúc nào cũng chỉ có thành công. Bởi vậy cuộc mổ đòi hỏi cái đầu phải đủ nhanh nhạy để quyết định xử trí các tình huống: có biến chứng phải làm gì, nếu không xử trí được phải gửi đi đâu, gọi ai hỗ trợ,... nếu phẫu thuật viên chỉ biết mở ra và cắt, khâu thì không phải là thợ mà cũng chẳng phải là thầy”. “Để biết được tình trạng người bệnh, có thể nắm và quan sát bàn tay họ. Cảm nhận được sự ấm và có sắc hồng, vậy là mừng”, ông tâm sự với tâm trạng của một người “lính” luôn tận tâm với từng “trận chiến”.
Tinh thần đồng đội
Theo chuyên gia, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. “Chúng tôi đã nhận được đăng ký hiến mô, tạng của nhà báo nữa, rất xúc động”, ông cho biết thêm.
Hơn 20 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, trong nước đã thực hiện 1.116 ca ghép thận, ghép gan 48 ca, ghép tim 13 ca, và 1 ca ghép thận - tụy. Con số này còn khiêm tốn so với 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép; trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, hàng trăm người chờ được ghép tim và khoảng 6.000 người mù đang chờ được ghép giác mạc. “Rất, rất nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng. Tạng hiến từ người cao tuổi có thể dành ghép cho bệnh nhân lớn tuổi. Một gan hiến của người lớn có thể ghép gan cho hai trẻ nhỏ. Và đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng”, GS Hồng Sơn bày tỏ.
Ông cũng chia sẻ: “Để một ca ghép tạng thành công đòi hỏi nỗ lực, hợp tác của một tập thể thuộc các chuyên khoa, của các điều dưỡng. Và đặc biệt là cần nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng ký hiến, tặng mô tạng”.
“Cá nhân tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não, từ năm 2013. Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người. Cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập thình thịch trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc và là một cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
|
Bình luận (0)