Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1.3.2016 sẽ thực hiện thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc.
Theo đó, quy định mức giá cụ thể của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế, gồm: Giá khám bệnh: theo hạng BV; Giá ngày giường bệnh: theo hạng và theo chuyên khoa; Giá các dịch vụ kỹ thuật: áp dụng chung cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, tính bình quân của tất cả các dịch vụ, mức giá dịch vụ y tế thực hiện từ 1.3.2016 (gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù) sẽ tăng khoảng 30% so với hiện nay; từ ngày 1.7.2016, khi tính thêm tiền lương vào, giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.
Về tác động của điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đánh giá, trước mắt việc điều chỉnh tăng giá mới chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT nên người không có thẻ BHYT (hiện chiếm khoảng 25% dân số) không phải tăng mức chi trả do giá dịch vụ vẫn giữ nguyên.
Đối với người có thẻ BHYT, mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau. Cụ thể: khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các thành phần diện chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng vì đã được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% (trước đây chỉ được thanh toán 95%, đồng chi trả 5%) nên toàn bộ phần tăng thêm đã được BHYT thanh toán cho BV.
Những người khám BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm phần chênh lệch cho BV, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm. Ngoài ra, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến chỉ phải thanh toán cùng chi trả tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội VN), việc giá dịch vụ y tế tính đủ chi phí và thống nhất trên toàn quốc sẽ khuyến khích các BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Về lâu dài, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế sẽ áp dụng với mọi đối tượng, do đó người dân cần tham gia BHYT để đảm bảo quyền lợi, tránh nguy cơ mất khả năng chi trả khi có bệnh nặng, chi phí lớn.
Bình luận (0)