Hai năm đi hát, bác sĩ kiếm hơn 30.000 dĩa cơm cho bệnh nhân nghèo

24/02/2017 05:09 GMT+7

Có một đêm nhạc của các y bác sĩ tổ chức hát 'kiếm cơm' cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nghèo. Khán giả đến xem chỉ cần đăng ký chỗ, nhận vé mời (không bán vé) và đóng góp lại 'dĩa cơm'.

Đêm nhạc đặc biệt được tổ chức tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) vào ngày 25.2.
Đi hát kiếm hơn 30.000 dĩa cơm
Gần hai năm nay, những phiếu ăn “Dĩa cơm trên tường” đã quen thuộc với nhiều bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nghèo nằm viện tại một số bệnh viện TP.HCM. Người nhận phiếu ăn chỉ cần cầm phiếu đến căn-tin, quán cơm ở bệnh viện có treo bảng “Dĩa cơm trên tường” gọi cơm, món ăn của quán và trả bằng phiếu “Dĩa cơm trên tường”.
Hiện giờ, mỗi dĩa cơm có giá 25.000 đồng.
Các bác sĩ đã kiếm được 30.000 dĩa cơm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân qua những Đêm nhạc Blouse trắng được biểu diễn thứ 7 mỗi tuần tại quán cà phê. Từ 175 dĩa cơm/tuần vào thời điểm đầu thực hiện, đến nay, chương trình đã cung cấp 1.386 dĩa cơm/tuần, ở 8 bệnh viện tại TP.HCM.
Thời gian tới, chương trình "Dĩa cơm trên tường" tại TP.HCM có kế hoạch nâng lên 1.600 dĩa cơm/tuần.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) là người khởi xướng ý tưởng "Dĩa cơm trên tường". Sau đó, ông được sự ủng hộ của nhiều bác sĩ khác và cả những người không làm trong ngành y, cùng tổ chức thực hiện, như bác sĩ Võ Xuân Sơn, rồi đạo diễn Tôn Thất Toàn…
Theo bác sĩ Hiển, qua gần hai năm thực hiện "Dĩa cơm trên tường", với Đêm nhạc blouse trắng, các bác sĩ không mất gì nhiều, chỉ mất thời gian, công sức và “chút ít” tiền túi nhưng được rất nhiều. Đó là giúp được một phần bệnh nhân nghèo; và các bác sĩ có thời gian bên nhau, bên sân chơi thư giãn sau giờ làm việc.
Đặc biệt, đến với Đêm nhạc blouse trắng là những tấm lòng đẹp.
Những tấm lòng đẹp
“Trong một Đêm nhạc Blouse trắng diễn ra tại cà phê Somewhere (Q.10, TP.HCM) những ngày đầu, chúng tôi thấy một cô bán vé số cứ đứng lấp ló ngoài cửa. Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ cô tò mò hay có ý muốn vào bán vé số. Rồi cô tiến thêm một chút vào quán. Giữa rất nhiều khách, ngập ngừng, cô cũng lấy một bao thư và bỏ vào ủng hộ 40.000 đồng. Số tiền đó trị giá bằng 4 tờ vé số của cô để bán. Mà giá của một dĩa cơm khi đó là 20.000 đồng”, bác sĩ Hiển xúc động kể.
Hay, trong đêm nhạc tại quán cà phê Regina (Q.1, TP.HCM), lúc kiểm đếm tiền quyên góp, có 1-2 bao thư chữ viết ngoằn nghèo, ghi là “NV quán Regina”. Số tiền trong bao thư là 50.000 đồng, 100.000 đồng. Hai đêm thứ 7 liên tiếp đều có.
Các quán ăn, căn-tin có chương trình "Dĩa cơm trên tường" đã có ở 8 bệnh viện tại TP.HCM và lên tận Đắk Lắk Nguyên Mi
“Đó là tiền ủng hộ của các em nhân viên ở quán. Hôm biểu diễn là ngày lãnh lương của các em. Các em đều bị khuyết tật như hội chứng Down, tự kỷ. Anh chủ quán cà phê Regina đã dành quán này cho các em có việc làm, thuê nhân viên nhiều hơn số cần thiết giúp các em có thu nhập cũng như qua đó thấy mình là người hữu dụng”, bác sĩ Hiển trầm ngâm kể lại.
Trong các y bác sĩ hát trong những "Đêm nhạc Blouse trắng", có một bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Củ Chi. Hết giờ làm ở bệnh viện, anh lại chạy xe về Q.1 tập và biểu diễn. Sau khi đêm nhạc kết thúc lúc hơn 10 giờ tối, anh lại chạy xe trong đêm về tận Củ Chi. Thế mà, anh vẫn đều đặn đi hát mỗi tuần.
Tất cả các y bác sĩ và những người không phải y bác sĩ đều đến với chương trình với tấm lòng như thế. Với "Dĩa cơm trên tường" và tất cả các Đêm nhạc Blouse trắng, những người tổ chức, bác sĩ - ca sĩ, ban nhạc đều không có đồng thù lao nào và tự “móc tiền túi” ra thực hiện.
Theo bác sĩ Hiển, những hành động trên đã cho anh cảm nhận rằng: “Làm từ thiện không chỉ là độc quyền của người giàu. Đó là việc làm của tất cả cộng đồng. Một ông tỉ phú và một chị bán vé số đều làm được”.
Đem “Dĩa cơm trên tường” lên Đắk Lắk
“Một lần, nghe anh bác sĩ trưởng khoa Ung bướu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk nói chuyện về một một bệnh nhân đang điều trị nhưng nằng nặc đòi bỏ về, dù bác sĩ đã năn nỉ, cố gắng giữ lại. Bệnh nhân thuộc hộ nghèo (có sổ hộ nghèo), được hưởng đủ các chính sách y tế, được BHYT chi trả 100%. Quá trình điều trị cũng đang tiến triển. Thế nhưng, bệnh nhân nhất quyết bỏ về vì… người nhà không có cái ăn”, bác sĩ Phạm Hòa Anh (Đắk Lắk) kể.
Thân nhân bệnh nhân nhận "Dĩa cơm trên tường" Nguyên Mi
Khi đó, anh đã nghĩ ngay đến chương trình "Dĩa cơm trên tường". Thế là, "Dĩa cơm trên tường" tại Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) “chào đời” với Đêm nhạc Blouse trắng, từ tháng 9.2016.
Tháng đầu tiên, các bác sĩ ở đây “kiếm được” 300 dĩa cơm và có thêm 300 dĩa cơm được chương trình "Dĩa cơm trên tường" TP.HCM tặng. Các “dĩa cơm” này chỉ đủ phát ở Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk mỗi ngày. Qua tháng thứ 2, số dĩa cơm nhiều hơn, các bác sĩ đã mở rộng ra phát cho cả bệnh viện.
Hiện nay, "Dĩa cơm trên tường" Buôn Ma Thuột đã có thêm ở Bệnh viện Lao phổi Đắk Lắk và Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk.
Đi hát, các bác sĩ "Dĩa cơm trên tường" Buôn Ma Thuột giờ đã kiếm được 2.700 dĩa cơm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mỗi tháng và đủ phát đến hết năm 2017.
Đêm nhạc Blouse trắng diễn ra lúc 20 giờ ngày 25.2 được tổ chức tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), Truyền hình trực tiếp trên HTV1 (Đài truyền hình TP.HCM).
Chi phí tổ chức đêm nhạc từ các nhà tài trợ.
"Tôn chỉ của chương trình ngay từ khởi nguồn thực hiện: Tất cả tiền quyên góp được biến thành cơm. Tất cả chi phí tổ chức phải là tiền túi của người thực hiện. Từ trước đến giờ, chúng tôi chưa bao giờ sử dụng bất cứ đồng tiền nào của quỹ từ thiện để làm tổ chức”, bác sĩ Hiển cùng nhiều bác sĩ khẳng khái tuyên bố.
Vé tặng được đăng ký qua facebook: www.facebook.com/diacomtrentuong/, facebook hien huynh thanh (số điện thoại 0903717221).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.