Ngân hàng sữa mẹ được đặt tại tầng 2 khu vực trung tâm của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Tại đây, những bà mẹ trẻ sau khi được tư vấn kích sữa để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ được khuyến khích tự nguyện góp sữa cho ngân hàng sữa mẹ. Số sữa này sẽ ưu tiên chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ có nguy cơ cao như sinh nhẹ cân, thiếu tháng, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi mẹ sau khi chào đời tại bệnh viện.
|
Các bà mẹ đều phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt trong suốt quá trình hiến tặng sữa, từ khám sàng lọc các loại bệnh đến kỹ năng vệ sinh đầu vú mẹ, vệ sinh bình sữa, máy hút sữa.
Sữa được hiến tặng cũng trải qua các quy trình sàng lọc, xét nghiệm trước và sau thanh trùng, các quy trình trữ đông (-24 độ) và rã đông tự nhiên, điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế cho đến khi trẻ được thụ hưởng.
|
TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng, cho biết mỗi năm, tại bệnh viện có từ 13.000-15.000 trẻ chào đời và gần 30% trong số đó là trẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao. “Vì vậy, kỳ vọng Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên này sẽ góp phần hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng và điều trị bệnh cho khoảng 3.000-4.000 trẻ mỗi năm, mang lại cơ hội cho các bé”, bác sĩ Hoàng cho biết
Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng sẽ là cơ sở để Bộ Y tế xem xét nhân rộng mô hình trên cả nước. “Nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp quan trọng giúp tăng cường sự sống còn và sức khỏe của trẻ. Chúng tôi hy vọng các cháu sẽ được tiếp cận với sữa mẹ an toàn, bất kể trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh nào”, bác sĩ Trần Văn Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), khẳng định.
“Hơn 500 ngân hàng sữa mẹ trên toàn thế giới đang bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bệnh tật và tử vong. Và từ hôm nay, trẻ em Việt Nam cũng được hưởng những giọt vàng hạnh phúc này, việc làm này cũng đồng thời lan tỏa tinh thần nuôi con bằng sữa mẹ đến với tất cả các bà mẹ Việt”, Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ ở khu vực Đông Nam Á, vui mừng cho biết.
Bình luận (0)