Thế nào được gọi là ăn mặn?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành mỗi ngày nên sử dụng ít hơn 6 gam muối (khoảng một thìa cà phê), nếu nhiều hơn thì được coi là ăn mặn.
Tại Việt Nam, kết quả khảo sát tại một số địa phương do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện cho thấy, lượng muối trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 15 gam mỗi ngày, nhiều gấp 3 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo chương trình quốc gia phòng chống tăng huyết áp, chế độ ăn mặn (thừa muối) khiến chúng ta có nguy cơ bị tăng huyết áp và các biến chứng nặng nề của tăng huyết áp như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận...
Nhiều bệnh liên quan đến thói quen ăn "đậm đà"
“Với chế độ ăn nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch làm tăng thể tích máu lưu thông, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp”, tiến sĩ, bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
tin liên quan
7 cách tự nhiên dễ thực hiện giúp bạn hạ huyết ápTheo một nghiên cứu của Harvard, huyết áp cao gây ra hơn 15% số ca tử vong ở Mỹ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, việc sử dụng quá nhiều muối dẫn đến một số bất lợi khác đối với sức khỏe như: giữ nước trong các bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ; gây phù chu kỳ, phù vô căn; tăng co thắt, kích thích cơn suyễn. Ăn mặn cũng liên quan đến ung thư dạ dày, làm tăng thải can xi qua thận làm tăng nguy cơ loãng xương.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyên: có thể hạn chế ăn mặn bằng cách giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn, hạn chế sử dụng những thức ăn có hàm lượng muối cao như: các loại đồ kho, đồ muối, đồ hộp.
“Để giảm “thèm” mặn, khi nấu nướng chế biến thức ăn cần tăng cường kỹ thuật phối chế, nấu các món ăn nhiều loại gia vị khác nhau như cay, ngọt, chua sẽ giúp quên cảm giác nhạt; đồng thời giảm bớt việc nêm mắm, bột canh và các loại gia vị có lượng muối cao”, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ.
“Đặc biệt, với trẻ em tập cho ăn nhạt từ lúc còn nhỏ. Người lớn thường áp đặt khẩu vị mặn của mình khi nấu thức ăn cho trẻ, cho rằng, nấu đậm đà để trẻ ngon miệng hơn, nhưng thực ra, cần cho trẻ được quen với khẩu vị nhạt muối ngay từ khi ăn dặm”, phó giáo sư Lê Bạch Mai lưu ý.
Bình luận (0)