Nếu sản phụ Bình Phước là một bệnh nhân, chắc tài xế sẽ không đuổi chị xuống đường, nhưng chị là sản phụ, như nhiều bạn đọc bình luận, tâm lý của người tài xế này là sợ chị sinh đẻ trên xe thì “xui”. Đó là cách nghĩ của một kẻ ngu muội, từ ngu muội dẫn đến vô cảm và ác tâm. Anh ta rõ ràng là “thấy chết mà không cứu”.
Hãy đặt vào trường hợp, nếu đó là vợ anh ta thì sao?
Phật dạy: “Cứu một mạng người hơn xây 7 tháp phù đồ”. Anh ta có thể cứu nhưng đã không cứu cả hai người, sản phụ và đứa con trong bụng.
|
Dân gian thường nói, làm việc không tốt sẽ bị quả báo. Nếu không tin là có quả báo đi thì hãy đặt người khác vào trường hợp của mình mà hành xử.
Người viết bài này đã đọc rất nhiều câu chuyện, có thể đó là trường hợp ngẫu nhiên, nhưng sự vô tâm khiến con người trở nên ân hận cả đời.
Một người lái xe về quê thăm mẹ, thấy một bà già bị tai nạn giao thông, anh ta cứ thế đi qua. Về đến nhà, mới hay mẹ mình đã ra ngoài. Lần hỏi mãi, sau mới được biết, bà già bị tai nạn đã mất đó chính là mẹ mình.
Một người qua đường, thấy đám trẻ la hét, ở giữa hồ nước có đứa trẻ đang quẫy đạp cố ngoi lên, anh ta cho đó không phải việc của mình, cứ thế mà đi. Không ngờ đó chính là con mình.
Càng ngày, càng chứng kiến nhiều chuyện vô cảm trong xã hội. Tài xế tông nạn nhân bị thương thì lùi xe cán cho chết vì sợ phải đền bù thuốc thang và tiền bạc để nuôi họ. Chỉ vì tức nhau một lời nói mà cầm dao đâm bạn nhậu đến tử vong… Có vẻ như phần “con” ngày càng trổi dậy trong “người”.
Đó là vì sao? Là vì gốc gác văn hóa không căn cơ. Không phải vì ít học (nhiều người có học) mà vì không hưởng được nền nếp giáo dục từ gia đình. Thói nhỏ nhen, vị kỷ in sâu vào tiềm thức.
|
Khi mình làm việc thiện, giúp người, là thể hiện tình yêu thương, trân trọng con người và trân trọng chính mình. Một xã hội sẽ tốt đẹp biết nhường nào khi mọi người nghĩ đến nhau, vì nhau.
Tôi vẫn còn nhớ như in, cách đây hai năm, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện một tài xế Hà Nội chở hàng qua Mường Lát (Thanh Hóa) bắt gặp một bé gái bị tật đôi chân, trần truồng, một mình ngồi giữa trời lạnh nên đã quay video đăng lên trang cá nhân, kèm lời kêu gọi ai đó cho bé một đôi chân để đi. Bé gái tên Pàng, 6 tuổi, sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, cha mất hơn một năm trước, mẹ bị bệnh tâm thần.
Vợ chồng chị Ngọc Phương và anh Quốc Tín (sống ở Q.7, TP.HCM) thấy hình ảnh đó. Chị đang bụng mang dạ chửa những đã cùng chồng vượt hàng nghìn cây số lên vùng cao Thanh Hóa xin đưa Pàng về chữa trị.
Hai tháng sau, mẹ Pàng đột ngột qua đời, anh chị quyết định nhận Pàng làm con. Cô bé được cha mẹ nuôi đưa đến các trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật để tập vật lý trị liệu, sau đó thì giải phẫu nẹp chân và cháu đã đi được.
Câu chuyện của bé Pàng như truyền kỳ về tấm lòng nhân hậu của vợ chồng chị Phương và anh Tín. Và nó có một sự lay động lớn đến tâm thức của nhiều người, khiến con người phải lắng lại để chiêm nghiệm về cuộc đời.
Khác với câu chuyện đã đề cập ở trên. Nó mang đến cho người ta sự phẫn nộ.
Tâm ích kỷ là chướng ngại to lớn nhất ngăn trở chúng ta, tất cả các tâm chấp trước đều do sự ích kỷ mà ra. Do tâm ích kỷ, chúng ta sẽ do dự khi đối mặt với vấn đề vì nỗi sợ hãi phải chịu đựng khổ nạn và mất mát những tư lợi cá nhân.
Lòng nhân ái mang đến năng lượng tích cực, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Tôi tin rằng, giờ anh Tín và chị Phương đang rất hạnh phúc vì họ có thêm một người con là Pàng, cuộc đời Pàng cũng sẽ rất hạnh phúc khi được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ nuôi. Và, những ai biết đến câu chuyện này đều sẽ sống tốt hơn. Đó chính là sự lan tỏa của tình yêu thương.
Bình luận (0)