Tài xế GrabBike chạy ăn từng bữa nhưng quyết không lấy tiền người khuyết tật

18/12/2020 12:39 GMT+7

Dù vừa chạy xe ôm vừa chăm vợ ung thư vú, phụ lo cho cháu ngoại bị teo não do virus Zika cùng tiền nhà trọ hàng tháng, nhưng tài xế GrabBike Sài Gòn vẫn quyết không lấy tiền khi chở khách là người khuyết tật.

Ông Huỳnh Bá Phước (57 tuổi, tài xế GrabBike) được nhiều người quen biết nhận xét là có khuôn mặt hiền lành, nụ cười dễ mến. 40 năm làm nghề xe gắn với đường phố Sài Gòn, từ xích lô đến tài xế GrabBike, tính tình ông Phước cũng cởi mở, hào sảng như chính những con người mà ông tiếp xúc.

Quyết không lấy tiền người khuyết tật

Ông Phước cho rằng, điều thú vị của làm tài xế GrabBike đó là công việc được tự do giờ giấc, được gặp gỡ nhiều người với đa dạng các lĩnh vực khác nhau, đa phần là người có học thức giúp ông được mở rộng kiến thức của mình khi giao tiếp.

40 năm chỉ có một nghề, ông Phước vẫn sống trong căn nhà trọ nhưng chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn

Ảnh: Vũ Phượng

Hơn nữa, chạy xe nhìn ngắm đường phố Sài Gòn thay đổi từng ngày cũng khiến ông cảm thấy thú vị. Ông nhận xét: “Bao nhiêu năm gắn với nghề chạy xe, tôi thấy đường Nguyễn Chí Thanh và đường Ba Tháng Hai vẫn vậy, không có gì đổi khác, từ xưa hàng cây đã cao ngút lên như vậy rồi. Ngày nay thì các con đường xe đông hơn, nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, có những đường rộng hơn nên chở khách tôi chẳng bao giờ dám chạy quá 40km/h”.
Mỗi ngày, ông vừa chở khách vừa mở giao hàng và giao hàng ứng tiền nên thu nhập trung bình từ 300 – 400 ngàn đồng (chưa trừ phí). Có những buổi ông nhận được cuốc xe đi Bình Dương, Đồng Nai hay Cần Thơ thì thu nhập sẽ nhỉnh hơn đôi chút.

Vợ ông Phước bị ung thư vú, sức lao động giảm sút nên ông là lao động chính của gia đình

Ảnh: Vũ Phượng

Điều này khiến ông đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi ứng tiền nhận hàng cho khách nhưng sau đó bị “boom hàng”. “Đây là chuyện không xa lạ gì với tài xế giao hàng ứng tiền, bù lại phải mở dịch vụ đó thì app mới thường nổ cuốc cho mình chạy. Có lần giao hàng tôi được người ta đặt địa chỉ là cuối một con hẻm sâu, giao hai chiếc điện thoại đi Đồng Nai phí tới gần 300 ngàn. Nhìn người gửi có vẻ giang hồ, tôi sợ có hàng cấm nên xin được kiểm tra hàng mà anh ta không chịu nên tôi phải tìm cách từ chối khéo”, ông Phước kể.
Những ngày sát lịch đóng tiền nhà, ông Phước thường về nhà trễ hơn vì chạy ráng thêm vài cuốc để dồn cho đủ tiền. Nhưng ông Phước có nguyên tắc, không lấy tiền của người khuyết tật hay những ai gửi hàng đi làm từ thiện.

Vì chạy cả giao hàng ứng tiền nên ông Phước dễ gặp trường hợp bị khách "boom hàng"

Ảnh: Vũ Phượng

Ông bộc bạch: “Người khuyết tật đã là một thiệt thòi, nhưng họ vẫn cố gắng làm việc như mình, điều đó đáng trân trọng nên tôi muốn chia sẻ đôi chút cùng họ. Có lần tôi chở cô bé bị mù từ nhà trọ đến nơi massage người mù, tôi nói không lấy tiền mà cô bé từ chối mãi. Phải giải thích xem như tôi giúp cháu mua ổ bánh mì cô bé mới chịu nhận. Còn những người gửi hàng đi làm từ thiện tôi cũng không lấy phí vì mong được góp chút công sức của mình. Thêm một cuốc xe tôi không giàu hơn được, mà thiếu một cuốc tôi cũng không nghèo thêm được”.

Tập chọt chọt điện thoại thông minh

Ông Phước sinh ra ở Sài Gòn. Năm 17 tuổi, ông sắm được chiếc xích lô chạy chở gạo quanh khu Chợ Lớn. Sau này tích cóp được mấy cây vàng, ông đổi sang chiếc xích lô điện. Tới khi TP.HCM có chủ trương hạn chế xe 3 bánh, ông Phước được TP hỗ trợ 5 triệu để chuyển đổi nghề nghiệp.
Dùng toàn bộ số tiền hỗ trợ, cộng thêm tiền tiết kiệm, ông Phước mua được chiếc xe Trung Quốc cũ để chạy xe ôm. Ngày ngày ông đậu xe ở đường Lãnh Binh Thăng để đón khách.
Ông kể, tới hồi xe ôm ế khách quá, ông chuyển sang làm thợ hồ. Mà có vẻ không hợp duyên với nghề, đi làm được vài ba hôm mà ông gặp đủ thứ tai nạn, từ dậm đinh cho đến bị tôn cắt.

Ông Phước có nhiều chuyện bi hài gắn với chiếc điện thoại thông minh

Ảnh: Vũ Phượng

Thương cha, năm 2015, con gái nói ông sắm chiếc điện thoại thông minh để đi thi làm xe ôm công nghệ. “Nghĩ tới là buồn cười, nào giờ mình chỉ xài điện thoại đập đá, nghe gọi vậy chứ biết smartphone là gì. Nhưng con gái động viên mua, rồi về cầm tập chọt chọt xong đến thi để làm tài xế xe ôm công nghệ. Tôi thi 4 lần mới qua chỉ vì không biết xài điện thoại cảm ứng này. Còn chiếc xe để đi thi cũng là của ông xui cho mượn chứ xe tôi cũ quá rồi không chạy được”, ông Phước nhớ lại.
Cũng vì không quen sử dụng điện thoại thông minh mà nhiều lần ông Phước để lỡ cuốc xe, bấm nhầm qua từ chối nên bị mất khách, ảnh hưởng đến thu nhập.
Ông Phước cười xòa nói: “Giờ tôi cầm điện thoại vậy chứ mà biết sử dụng app của tài xế GrabBike này thôi, còn Zalo, Facebook gì đó là bó tay toàn tập”.

Thiếu tiền nhưng không thiếu tình thương

Vợ chồng ông Phước ở trọ trong căn phòng gần 20 mét vuông nằm cuối con hẻm ngoằn nghoèo đã được mười mấy năm. Năm 2017, bà Đặng Ngọc Hoa (44 tuổi, vợ ông Phước) bất ngờ phát hiện bị ung thư vú giai đoạn 2 và thực hiện phẫu thuật.
Để vợ dưỡng bệnh, ông vừa chạy xe vừa lo mọi chuyện chợ búa, cơm cháo dù trước đó việc nào ông cũng vụng về. Đây cũng là khoảng thời gian bà Hoa cảm nhận được sự hy sinh của người bạn đời.

Ông Phước nói cuộc sống của ông đôi khi thiếu tiền chứ không thiếu tình thương

Ảnh: Vũ Phượng

Từ đó, bà Hoa phải dùng thuốc và tái khám thường xuyên nên chi tiêu trong nhà tăng dần lên, áp lực thêm đè nặng lên đôi vai ông Phước. Dù vậy, hễ bước chân về đến cửa phòng trọ, ông đều tươi cười và xắn tay áo phụ việc nhà với vợ mình.
Bà Hoa cho biết: “Hiện tôi đang đi phụ bán hủ tiếu, mỗi ngày được trả 150 ngàn đồng. Chiều đi lau nhà cho người ta 1 tiếng nữa, nhưng vì phẫu thuật xong, nhiều hôm mệt quá thì không đi được. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn ráng tích cóp để lo thuốc thang, cơm cháo, còn dư thì phụ chút ít cho con gái đang chăm cháu bị teo não vì virus Zika. Nó phải nghỉ làm để đưa con đi tập vật lý trị liệu mỗi ngày”.
Ông Phước tiếp lời: “Dù cuộc sống nó khi lấy chồng không khá giả gì, nhưng hễ có đồ ăn ngon là lại chạy mang sang cho tôi. Tôi cũng thường ghé thăm các cháu vì sợ cháu chạy sang mình nắng nôi”.
Điều hạnh phúc nhất của ông Phước là mỗi khi trời bất chợt mưa, sẽ có cả vợ và con gái cùng điện thoại nhắc ông tìm nơi nghỉ chân. “Biết tôi cứ gặp nước mưa là bệnh nên vợ và con gái lo lắm. Tôi cũng nghĩ sức khỏe quan trọng nhất nên gặp mưa to là tìm nơi trú chứ không chạy. Nhà tôi thiếu tiền chứ không thiếu tình thương”, ông Phước cười tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.