Tam Kỳ dậy sớm

02/06/2019 09:40 GMT+7

Ngủ thật sớm, thức dậy thật nhẹ nhàng, dường như đó là nhịp điệu - hơi nhàm chán, rề rà - của những đô thị chưa phải là phồn hoa đô hội. Cho đến lần ra Tam Kỳ (Quảng Nam) mới đây tôi mới biết là mình đã nhầm to.

Nhịp điệu biển lúc 5 giờ
Tuyen Nguyen - một thằng em dân bản xứ - bạn Facebook - đã cười tủm tỉm khi nghe tôi than xứ này sống chậm quá. Bạn ấy bảo: “4 giờ 30 sáng mai em ghé chở chị đi biển nghen”. Tôi gật đầu phần vì tò mò, phần thì muốn vận động cho nhịp sống khác đi một chút. Và khi bạn ấy rồ ga xe máy, chạy về hướng biển, tôi đã choáng thật sự.
Một hàng xe hơi nối đuôi nhau từ trung tâm chạy về xã Tam Thanh. Đoạn đường chừng 7 km, nếu buổi trưa thường vắng lặng, thì lúc này trái ngược hẳn. Chạy đâu chừng mươi phút đã ra tới biển. Chưa tới 5 giờ sáng, bình minh chưa lên mà trên các con đường đổ về quảng trường đều ken chật xe - dễ chừng gần trăm chiếc xe hơi; xe máy thì vô số. Nơi này chưa có du khách nhiều, nên có đến 95% là dân địa phương. Họ chào nhau thân thiết, nói chuyện rôm rả ngay từ khi chống chân xe máy. Tuyen Nguyen chỉ một bà tóc xoăn bảo là bà này bơi ghê lắm chị; chỉ sang một anh nọ bảo anh này bơi chung hội với em; chỉ qua bà giữ xe bảo cô này vui lắm, tụi em hay mua cá mua mực nhờ cô nấu, tắm xong lên có ăn.
Khi nghe tôi hỏi rằng tới mùa mưa biển có bớt đông, Tuyen Nguyen đã cười khì và bảo: “Một năm có 365 ngày em xuống biển hết 365 ngày; có khi nào đi Sài Gòn thì trừ bớt ra thôi chị. Mà ai cũng như em à...”.
Có một điều khá thú vị, có lần anh Lực, Phó chủ tịch xã Tam Thanh bảo với tôi rằng biển Tam Thanh là một trong những biển ngang hiếm hoi của VN. Theo ảnh giải thích biển ngang là dọc theo bãi biển sẽ không có bất cứ cửa sông, cửa lạch nào chảy ra. Vì thế, biển rất êm, rất xanh, sóng biển cứ dàn hàng ngang mà khoan thai đi vào bờ.
Bánh bèo bà Hai trong kiệt nhỏ
Có lẽ vì vậy mà mặt trời lên cũng hết sức thứ tự lớp lang. Hầu như dân xứ này ít ai thèm nhìn đồng hồ. Cứ thấy mặt trời ửng lên như thế nào là biết giờ đến đó. Tỷ như, mặt trời nhô lên chừng cách mặt nước khoảng gang tay nhắm chừng là biết năm giờ rưỡi; đợi chừng mươi lăm phút là những chiếc xe máy chở cá từ Tam Tiến về. Tới chừng đó là cả cái quảng trường lại xôn xao nhộn nhạo. Mấy bà mấy cô tóc tai ướt nhẹp nhưng lựa cá lựa mực trả giá ra điều khí thế lắm.
Chợ biển buổi sáng tinh mơ lúc 5 giờ 30 sáng mà rạng rỡ quá chừng. Ngay lúc đó, tôi chỉ ước giá như có một nhà quen nào đó ngay cái phố làng chài này. Sáng xách giỏ đệm đi mua cá mú rau cải. Hít hà chọn lựa. Xong xuôi đâu đó, mua ly cà phê, ngồi sải lai trên cát ngắm mặt trời lên. Rồi về nấu nấu nướng nướng. Đó gọi tên là hạnh phúc chứ gì nữa!
Mặt trời lên thêm gang tay nữa, biết là đã 6 giờ 30. Mấy ông đang chơi bóng chuyền trên bãi biển í ới thu lưới, lượm bóng. Mấy bà bán cháo nghêu trên bãi biển tranh thủ bán những tô cuối cùng. Những chiếc xe hơi lặng lẽ rời khỏi bãi đi về trung tâm thành phố mang theo những năng lượng thật là sạch và lành để bắt đầu ngày mới. Chẳng mấy chốc, bãi biển trở lại im lìm như chưa hề có nhịp điệu sôi động lúc bình minh lên.

Kiệt nhỏ - sức sống đô thị

Tam Kỳ, một phố thị đặc trưng miền Trung với cách gọi tên ngõ, hẻm là kiệt. Nơi này có rất nhiều đường phố lớn ngang dọc với rất nhiều hàng quán. Nhưng dường như các hàng quán dọc theo những đại lộ chỉ quen thuộc với du khách hoặc giả là những bữa cơm, bữa nhậu bạn bè mỗi khi chiều xuống. Còn buổi sáng, dân bản xứ họ hay đến những quán quen thuộc, nếu không nằm trong chợ thì ắt hẳn phải nép mình đâu đó trong các kiệt nhỏ hiền lành.
Chẳng hạn bánh bèo bà Hai nằm trong một cái kiệt ngoằn ngoèo. Bà Hai năm nay gần 70. Bà xay bột mần bánh từ năm 1980. Tới giờ đã là 39 năm. Cách đây chừng dăm năm, bà Hai còn hấp bánh ở nhà rồi gánh ra phố bán. Từ dạo đầu kiệt 265 Trần Cao Vân, Tam Kỳ được đổ bê tông thì bà vô nhà bán. Nhưng từ kiệt lớn cũng phải rẽ trái, rẽ phải mấy bận cái ngõ hẹp mới tới nhà bà Hai. Vậy mà khi nào bà Hai bận công chuyện nghỉ bán là đâu chừng một nửa người dân Tam Kỳ nháo nhào kiếm. Chưa tới 7 giờ sáng mà dân công chức chạy xe máy vô quán bà Hai coi bộ cũng xôm tụ. Rồi mấy chị chở con tới ăn cho kịp giờ vô trường. Bà Hai nhớ hết từng mặt người. Tiếng chào hỏi, xen lẫn tiếng củi lép bép sau bếp mà ông Hai đang hấp bánh.
Bánh bèo của bà Hai ngon nhờ bột. Bột bà tự ngâm, tự xay bằng cối đá. Dẻo mịn mềm mát miệng. Đậu phụng bà Hai cũng tự xay. Nước mắm thì lấy nước mắm biển truyền thống Tam Thanh chứ không xài loại “nước chấm” vô vị đang rần rần trên mạng. Thích nhất là bà Hai cho ăn bánh bèo bằng mấy cái xeo bằng tre.
Hỏi bà Hai một ngày hấp mấy sịa. Bà nói không có tính, chỉ biết một ngày ngâm xay 5 kg gạo. Một cái bánh bà Hai bán 2.000. Hai chị em ăn một chồng chén mà trả có 30.000. Đã vậy Bà Hai còn cho uống nước miễn phí. Bà nấu nước lá thiệt thơm. Bà nói: Uống vô cho tiêu thực đi con. Nghe mà cứ nhớ mấy bà má hồi xưa.
Còn rất nhiều quán mì Quảng, nem nướng, cơm gà… dọc theo các kiệt, các ngõ nhỏ. Những nơi đó mỗi sáng cũng rôm rả, cũng thân thuộc, cũng có nhịp điệu y như tôi đang cảm nhận ở quán bà Hai.
Còn chừng hơn mười ngày nữa, Tam Kỳ sẽ khai mạc Festival Du lịch biển 2019 với chủ đề: Hãy đến và khám phá. Cái nhịp điệu đô thị lúc 5 giờ sáng với những người dân bình dị hóa ra lại là khám phá đáng giá nhất của tôi ở cái đô thị bé xinh này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.