Đặc biệt, những ngày mưa lũ vừa qua khiến không ít du khách đi biển lo lắng thế nào là an toàn để xuống biển.
Mưa to, sóng lớn: không nên tắm
Trải lòng với Thanh Niên hôm qua, anh Trần Hữu Bảo Luyện (Tổ trưởng tổ cấp cứu số 2 thuộc Ban Quản lý các khu du lịch TP.Vũng Tàu), một nhân viên cứu nạn chuyên nghiệp thâm niên 36 năm, cho biết anh rất sốc khi biết tin đồng nghiệp do cứu nạn mà tử vong. “Cái chết của anh Tâm (cứu hộ khu du lịch Đất Lành, Bình Thuận - PV) là tin chấn động của anh em làm nghề cứu nạn ở TP.Vũng Tàu. Có thể, anh Tâm chết khi cố gắng bơi ra biển cứu người giữa những con sóng lớn mà không có phương tiện hỗ trợ”.
|
|
Chia sẻ kinh nghiệm, anh Luyện nhấn mạnh: Để tránh những tai nạn đáng tiếc cho du khách lúc tắm biển cũng như cho cứu hộ bờ biển, mọi người không nên tắm biển lúc trời mưa to, sóng lớn. Bởi theo anh, bãi biển từ Bình Thuận đổ vào hơi lài, nhưng lại có khá nhiều dòng chảy bất thường, nhiều ao xoáy rất nguy hiểm, nếu không có bảng cảnh báo, du khách không biết thì dễ lọt vào, dẫn đến hoảng sợ, ngộp nước gây tử vong. “Đặc biệt không nên tắm biển vào ban đêm khi không có lực lượng này”, anh Luyện nói.
Thâm niên trong nghề, anh Luyện cho biết, nguyên nhân chết đuối không phải là do khách tắm biển không biết bơi mà là ý thức của nhiều người là chính. Họ rất dễ phớt lờ các cảnh báo của nhân viên cứu hộ, nhiều trường hợp vẫn tắm biển lúc sóng to nguy hiểm.
Cần làm tốt khâu phòng ngừa
Đối với các bãi tắm, khu du lịch nếu không có lực lượng cứu hộ thì anh Luyện đề xuất nên có bảng cắm cảnh báo nguy hiểm. Tại đó, cũng thường xuyên thông báo bằng loa cho du khách nghe tình hình biến động của biển, cảnh báo việc tắm biển phải tuân thủ hướng dẫn của nhân viên cứu nạn. Dẫn chứng tại Vũng Tàu có gần cả trăm ao xoáy dọc Bãi Sau, nên công tác cứu nạn, ngăn ngừa du khách đuối nước được trang bị khá tốt.
Ông Nguyễn Khắc Tộ chia sẻ thêm, tại TP.Vũng Tàu, có hàng trăm đoàn khách xuống tắm biển nên các nhân viên cứu nạn phải dùng dây phao, khoanh thành vòng tròn để các đoàn khách tắm mà tiện theo dõi, quản lý. Các nhân viên cứu nạn liên tục chạy ca nô ra biển, yêu cầu khách vào gần bờ.
Ông Tộ cũng khuyến cáo, khi phát hiện thấy nạn nhân bị rơi vào vòng xoáy, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay. Tuyệt đối không được lao ra biển cứu nạn nhân nếu không biết bơi. Khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Ngay sau đó phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Ở các resort của nước ngoài tại VN hiện đang sử dụng cờ trắng, đỏ, đen để cảnh báo du khách việc tắm biển. Theo anh Luyện, cờ trắng là biển tốt, tắm an toàn, cờ đen là biển nguy hiểm, nơi có cắm cờ này là tuyệt đối không đến gần. Đối với cờ đỏ cắm báo hiệu biển động nhưng vẫn có thể tắm được.
Bình luận (0)