Sáng 20.5, hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19 là chủ quán bánh canh cá lóc O Thanh và 2 người con trong gia đình. Đây là con hẻm ẩm thực nổi tiếng với hàng loạt quán ăn luôn tấp nập khách như: bún riêu cua ốc, bánh canh, canh bún,... và còn có "chợ tự phát" hoạt động với đông người qua lại, mua bán.
|
Nghe tin con hẻm bị phong tỏa, nhiều người buôn bán gần đó, khách tới ăn và cả shipper "quen mặt" ở hẻm không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Nhiều dân văn phòng gần bên cũng bàn tán xôn xao, nhớ lại lịch trình xem ngày gần nhất ghé hẻm ăn là khi nào, có tiếp xúc với những ai...
Thực khách bất ngờ
Theo ghi nhận, khoảng 9 giờ sáng, rất đông nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, công an có mặt bên trong con hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, hàng rào thép gai được xếp chặn cả 2 đầu, những người đang ở bên trong không thể ra ngoài, tập trung chờ lấy mẫu xét nghiệm.
|
Khoảng 12 giờ, một người phụ nữ trẻ tuổi đang định chạy xe vào hẻm ẩm thực thì được lực lượng chức năng thông tin về chủ quán ăn nghi nhiễm Covid-19. Khi được hỏi: “Cô có ăn ở quán bánh canh đó không? Nếu có thì lên phường khai báo y tế”, người này bất ngờ đáp: “Trời, tôi mới ăn ở đó mấy ngày trước”. Dứt câu, người này lập tức rời đi.
Trả lời PV, anh H.M (34 tuổi) cũng cho biết anh vừa ăn tại quán ăn của chủ quán bánh canh nhiễm Covid-19 vài hôm trước. “Quán đó là quán ruột của tôi mà, tại tôi làm việc gần đây nên cũng hay ghé ăn. Bây giờ chắc phải đi khai báo y tế, chứ lo quá không biết mình có bị bệnh hay không. Lỡ mà bị gì chắc…”, anh lo lắng vội chạy xe nói lên phường khai báo liền.
|
Anh T. (làm việc tại Q.3) khi nghe tin chủ quán bánh canh O Thanh trong hẻm ẩm thực nghi nhiễm Covid-19 cũng hốt hoảng ngồi vạch lại lịch trình, xem lần gần nhất ghé quán là khi nào để đi khai báo y tế.
Đến giữa trưa, bà Lê Thị Kim Ngọc (50 tuổi, đối diện hẻm ẩm thực) cũng thấp thỏm đi ra đi vào cùng những người gần đó. Hướng về con hẻm, bà Ngọc cho biết, bà bán cà phê xa quán ăn của người chủ nhiễm Covid-19, nhưng người phụ quán lại sống gần nhà của bà nên bà cũng lo không biết chuyện gì xảy ra.
“Người phụ quán đã được lấy mẫu xét nghiệm rồi. Mong cho nó âm tính, chứ lỡ mà mắc chắc phong tỏa con hẻm tôi ở luôn quá. Bây giờ ở đâu cũng thấy dịch bệnh, tôi bán cà phê mấy nay cũng ế lắm”, bà Ngọc tâm sự.
|
Anh Lê Nam (30 tuổi, gần con hẻm ẩm thực) thở phào: “Hên ghê, cả tháng nay không ghé đó ăn chứ ghé chắc cũng có nguy cơ mắc bệnh rồi. Thôi giờ không dám ăn lề đường nữa, cứ mua mang về cho lành”.
Phía trước con hẻm bị phong tỏa, một số shipper đứng phía trước chụp ảnh để báo cho các đồng nghiệp của mình về ca nhiễm Covid-19 mới. “Anh em mấy ngày nay có ai đi giao hàng ở quán bánh canh trong này thì chủ động khai báo y tế đi nha, vì sức khỏe của mình và mọi người”, anh nhắn lên nhóm.
Hẻm 'ẩm thực'... mệt!
Đến trưa 20.5, một số người dân tự nguyện vào bên trong hẻm để lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo đúng quy định. Khi lực lượng chức năng hỏi: “Đi vào là không ra được nữa, có vào không?”, nhiều người trả lời là “Có!” và sẵn sàng đi vào trong để cách ly cùng với gia đình.
Bà Hồng Nga (45 tuổi, bán bún sát con hẻm bị phong tỏa) cho biết có quen với chủ quán bánh canh nhiễm Covid-19 vì sống gần và là dân buôn bán với nhau. 8 giờ sáng, thấy lực lượng chức năng tới phong tỏa, bà hoang mang không biết chuyện gì xảy ra.
|
Theo lời bà Nga: “Nghĩ cũng lo cho mình quá tại khách ở đây thường là những người đi làm hoặc ở gần gần đây nè, lỡ có ghé quán đó rồi ghé quán tôi hay quán khác nữa ăn thì khổ, thôi cứ chờ thêm xem sao".
Ngay khi thấy phong tỏa hẻm ẩm thực, bà Nga đã dừng bán cho khách ăn tại quán, chuyển sang bán mang về. Chủ quán nói rằng vì mưu sinh nên vẫn phải bán, tuy nhiên nếu cần thiết có thể đóng cửa trong vài ngày tới để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và những người khác.
|
Chủ quầy bánh ở đầu hẻm ẩm thực cũng lo lắng chia sẻ: "Rủi khách tới đó ăn, rồi sang mua bánh của tôi thì mệt à… Bây giờ phải đeo khẩu trang suốt đâu có dám mở ra đâu. Sợ lắm!”.
Một người phụ nữ định chạy vào hẻm ẩm thực để mua trứng gà thì hoang mang khi thấy hàng rào phong tỏa. Người này nói bà không ăn ở quán đó, những thường xuyên vào khu vực này để chợ mua đồ ăn về cho gia đình nên cũng không biết phải làm sao tiếp theo. “Nhìn thấy ghê quá, mấy nay đi vô đó tùm lum không biết có sao không đây. Nói thiệt là dù không ăn ở đó, nhưng lo quá", người này nói.
Bình luận (0)