Một hôm tình cờ, tôi bắt gặp trên tường ở khu nhà trọ St Christopher’s Inn dòng ghi chú: “Những chú chó Paris: Bạn có biết, ở Paris chó nhiều hơn trẻ con. Có tới 300.000 con chó tại thành phố này”. Tôi cứ băn khoăn mãi, chó đâu mà lắm thế!
Vĩnh biệt Rosie bé bỏng của mẹ
Buổi chiều, bạn kêu lên bến tàu điện Gabriel Péri, bảo sẽ có một trải nghiệm thú vị. “Hôm nay chúng ta cùng đi thăm nghĩa trang”, vừa gặp, anh bạn trẻ người Việt đã có 10 năm sống tại Paris nói. “Nghĩa trang nữa à?”, tôi hỏi lại, vẫn chưa quên cảm giác mà tôi từng trải qua khi tới thăm nghĩa trang Père Lachaise mênh mông và xanh mát cách đây một tuần. “Vâng, nhưng đây là nghĩa trang dành cho chó mèo”.
Hay thật, sau khi đọc được dòng thông tin trên bức tường nhà trọ, và đã bao lần bắt gặp lũ chó tung tăng cùng chủ nhân của chúng dọc bờ sông Seine, trong vườn Luxembourg, dưới chân tháp Eiffel, tôi đang rất muốn biết thêm về thế giới loài chó ở kinh đô ánh sáng.
Nằm bên bờ sông Seine thuộc vùng ngoại ô Asnières-sur-Seine, nghĩa trang dành cho chó mèo là một công viên rộng, với rất nhiều hoa và cây xanh. Và nếu không có dòng chữ rêu phong “Nghĩa trang chó và các loại vật nuôi khác” rất lớn trên cái cổng cũng rất lớn được thiết kế theo trường phái tân nghệ thuật thì tôi đã nhầm nó với những nghĩa trang rất đẹp và xanh ở Paris.
Nghĩa trang chó, tạm gọi thế, được xây dựng năm 1899 và được dân Paris tự hào là nghĩa trang động vật đầu tiên trên thế giới, dù thời cổ đại cũng đã có những nơi chôn cất dành cho thú. Sau hơn 100 năm kể từ khi ra đời, nghĩa trang là nơi chôn cất của khoảng 40.000 cá thể, đa phần là chó, ngoài ra còn có những loài vật nuôi khác như mèo, chim, ngựa, nói chung là bất kỳ con vật nào mà người ta từng nuôi và cảm thấy cần một nghi thức chôn cất trọng thể và một nơi yên nghỉ đàng hoàng.
Bước qua cánh cổng uy nghi với giá vé 3 euro, tôi bắt gặp công viên của cây xanh, hoa và lớp lớp nấm mộ được thiết kế muôn hình muôn vẻ. Ngay đầu lối đi chính là bức tượng của Barry, ông chó cứu hộ nổi tiếng của Thụy Sĩ. Ông chó này sinh năm 1800 và chết năm 1814. Theo ghi chú trên bức tượng, sinh thời, Barry đã giải cứu được 40 người và trong lúc đang cứu người thứ 41 thì thiệt mạng. Tuy nhiên, trên thực tế thì Barry đã chết già sau khi nghỉ hưu.
Trong nghĩa trang, có nhiều nấm mộ cổ xưa, đề năm sinh, năm mất của những vật nuôi từng sống đầu thế kỷ 20. Có nhiều nấm mộ mới xây lát đá hoa cương còn bóng loáng, trên mộ là chậu hoa hồng rực rỡ cùng dòng chữ: “Nơi yên nghỉ của Thibault, người con yêu quý của mẹ”. “Người con” ở đây là một chú chó bé xíu, lông xù với đôi mắt long lanh trên tấm ảnh được ép vào bia mộ. Đằng kia là “Nơi yên nghỉ của Anne, tình yêu của mẹ, cuộc sống của mẹ”; “Vĩnh biệt Rosie của mẹ”. Thông điệp thấm đẫm yêu thương, chứa chan sự tiếc nuối, đau khổ.
Dòng chữ thân thương, hình chụp của “người quá cố” cùng chủ nhân trong những chuyến ngao du thuở trước, những khóm hoa tươi rói trên mộ, làm cho kẻ viếng thăm là tôi cứ ngỡ mình đi lạc vào chốn yên nghỉ của con người. Đây đó, trên bia mộ còn khắc lời của hiền nhân về loài chó, chẳng hạn “đừng cho rằng chó không có linh hồn”, “chó là người bạn tốt nhất của con người”...
Chiều xuống, nghĩa trang đón thêm nhiều du khách và người viếng mộ. Bên nấm mộ còn mới của chú chó Tinous, tôi bắt gặp một phụ nữ lớn tuổi tỉ mẩn quét dọn, lau chùi và tưới tắm chậu hoa còn thơm mùi đất mới.
|
Sinh vật có cảm xúc
Chó mèo được yêu như con trẻ, giờ đây đã được luật định là “sinh vật có cảm xúc”, vậy nên rắc rối xung quanh chuyện nuôi thú cưng theo đó cũng trăm hoa đua nở. Anh bạn dẫn tôi đi thăm nghĩa trang có dịp quay được cảnh một nhóm cứu hộ giành con chó của người vô gia cư tạo nên một làn sóng tranh cãi chưa từng có trong “lịch sử thú cưng” nước Pháp.
Cảnh sát điều tra, luật sư vào cuộc, nhà hoạt động lên tiếng, báo chí đăng trang nhất, đài truyền hình làm phóng sự, nói chung là đủ cả. Chưa hết, các trung tâm cứu hộ vật nuôi cũng thường phàn nàn nhiều người ăn xin sử dụng thú cưng để mua lòng thương hại.
Tại Paris, không hiếm khi tôi gặp ở ga tàu điện, bên hè phố, những người ăn xin với hai, ba con chó bên cạnh, trước mặt là dòng chữ “Xin tiền mua thức ăn cho chó”. Không biết thực hư thế nào, nhưng nhiều người coi đó là hành vi lợi dụng chó rất chi là hèn hạ!
Một vấn đề đau đầu nữa đó là tình trạng bỏ rơi chó mèo mỗi dịp xuân tàn hè tới. Nước Pháp hiện đang bắt đầu kỳ nghỉ hè và đối với dân Pháp, việc dắt díu nhau sang Ý, Thụy Sĩ, thậm chí tới tận VN nghỉ một hai tuần là “thủ tục bắt buộc”. Mùa hè ngày rộng tháng dài, ăn chơi xả láng đến tháng 9 cạn tiền hẵng tính tiếp. Vấn đề là, cả gia đình dắt díu nhau đi thì thả chó mèo ở đâu?
Tại Paris, nhiều khách sạn chó mèo đã được mở, cung cấp dịch vụ chăm sóc vật nuôi khi gia chủ đi vắng. Tới gửi chó mèo ở đây với giá chừng 10 - 20 euro mỗi ngày, người ta chỉ cần tải ứng dụng di động về là có thể theo dõi được ký lô, sức khỏe, chế độ ăn uống của “con yêu” trong khi đang nằm phơi nắng, ăn hải sản, uống rượu vang cách Paris hàng ngàn cây số. Nhưng thực tế thì không phải ai cũng có thể đưa chó tới gửi dịch vụ, nên có rất nhiều vật nuôi bị bỏ rơi ở Paris mỗi dịp hè về.
Đấy là lúc các trung tâm cứu hộ động vật phải vã mồ hôi, dù là đang ngày hè và lẽ ra nhân viên của họ cũng có thể đặt vé cho một chuyến tắm biển tận Caribbean.
|
Tới Paris, sau khi ngẩng đầu ngắm tháp Eiffel, phóng tầm mắt nhìn dòng sông Seine lững lờ, bạn thử nhìn xuống xung quanh mình một lúc. Ở đó có rất nhiều chú chó dễ thương đang lon ton cùng chủ. Mà thực ra chó chỉ là tên gọi, chứ căn cứ vào cuộc sống cũng như cách thức mà chúng an nghỉ khi nhắm mắt xuôi chân, thấy cũng không khác con người là mấy.
Luật pháp quy định chặt chẽ
Nghĩa trang chó và các loài thú nuôi khác minh họa sống động cho tâm tư, tình cảm của người Pháp đối với vật nuôi, cho vai trò của chó, mèo và thú cưng trong đời sống của người dân ở xứ sở rượu vang thơm lừng và nước hoa thơm ngát này. Nếu như ở Paris có 300.000 con chó, thì số liệu thống kê toàn nước Pháp có khoảng 63 triệu thú cưng, tức gần bằng dân số nước Pháp không bao gồm các lãnh thổ hải ngoại. Chính bởi thú cưng quan trọng như vậy trong đời sống xã hội nên luật pháp cũng được quy định rất chặt chẽ.
Năm 2015, sau khi có 700.000 người ký kiến nghị thư, quốc hội Pháp đã thông qua luật mới, trong đó thay đổi khái niệm về thú nuôi từ “vật sở hữu cá nhân” thành “sinh vật có cảm xúc”. Một loạt hành động ngược đãi thú nuôi bị cấm từ đó. Luật cũng quy định về “quyền nuôi chó” đối với những cặp vợ chồng ly dị, tương tự quyền nuôi con trong luật hôn nhân gia đình bên ta vậy. Thậm chí sau khi luật mới ra đời, có người còn tiến xa hơn khi đề nghị bổ sung thêm các điều khoản “điên rồ”, chẳng hạn cho phép thú cưng có quyền kế thừa tài sản từ chủ nhân.
Luật mới được nhiều người dân và giới bảo vệ động vật ủng hộ, nhưng không ít người nói rằng giới bảo vệ động vật có thể sử dụng luật này để chống lại việc giết thịt gia súc, gia cầm, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế nông nghiệp; đó là chưa kể sử dụng động vật vào các thí nghiệm khoa học có khi cũng bị lên án. Tranh cãi còn dài, nhưng với dân Pháp yêu chó mèo như con đẻ, quy định mới là một chiến thắng, dù rằng có một số điều luật cũng hạn chế quyền của họ, ví dụ không được cho vật nuôi đẻ và buôn bán tự phát. Đẻ và buôn bán phải có tổ chức, đại khái thế!
|
Bình luận (0)