Con hẻm Mả Lạng từ số 245 Nguyễn Trãi đến 168 Nguyễn Cư Trinh (Q.1) bị phong tỏa tạm thời. Có mặt tại đây sáng 8.2, PV Thanh Niên ghi nhận lực lượng chức năng túc trực tại đây 24/24. Lượng người tiếp tế nhu yếu phẩm cho người thân trong hẻm tập trung đông trước rào chắn, quá trình giao nhận đều tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19.
|
|
Anh Lê Nhật Thanh (25 tuổi, ngụ Q.6) đã có mặt tại nơi phong tỏa từ rất sớm để mang gói thực phẩm đến gửi cho cô của anh. Anh cho biết bản thân có chút lo lắng khi đến gần nơi đang bị phong tỏa vì dịch Covid-19: “Cô mình cần thì mình phải giúp cô thôi, chỉ mong cô có đủ sức khỏe trong quá trình bị phong tỏa”.
PV Thanh Niên liên hệ với cô của anh Thanh qua điện thoại. Bà Lê Thị Mai (63 tuổi) cho biết hiện bà đang sống cùng con trai và con dâu và khi hay tin gia đình bà bị phong tỏa, người thân gọi hỏi thăm liên tục.
|
“Chuyện xảy ra bất ngờ quá nên tôi có phần hoang mang, nhất là khi phải sống ở đây không được đi đâu nên cũng chưa có quen, cứ thấy bực bội, bức bối quá. Thực phẩm giờ cũng chưa biết sao, trong nhà cũng còn ít gạo thôi mà cũng sắp hết, chưa có mua đồ gì cả”, bà rầu rĩ chia sẻ.
Bà Mai cho biết thêm hiện tại, người dân chưa có thông tin khi nào sẽ dỡ bỏ phong tỏa. Tuy nhiên, bà đã chuẩn bị sẵn tâm lý cách ly qua Tết Tân Sửu. Bà nói: “Năm nay định về dưới vườn ở Bình Phước đón Tết, mà tình hình như thế này thì không có Tết gì luôn. Thôi, xui thì đành chịu chứ biết sao!”.
Hàng xóm của bà Mai là bà Nguyễn Xuân Hồng (64 tuổi) cũng đang chịu cảnh cách ly cùng với gia đình 5 người. “Cách ly vậy tôi thấy bình thường, giữ bình tĩnh chứ không quá sợ. Thương là thương cháu của tôi còn nhỏ quá, không biết ăn uống như thế nào”, bà Hồng nói với PV qua điện thoại.
|
Bà cũng kể thêm, mới hôm qua bà còn có dự định đi du xuân, biếu quà cho người thân nhưng vì lệnh phong tỏa đành phải gác lại mọi dự định cho dịp Tết. “Cũng may là chúng tôi có mua mấy chục ký gạo hôm trước, nhà còn tí nước mắm, nước tương nên ăn uống cũng không sợ thiếu đồ ăn. Với lại trong đây có tạp hóa nên cũng mua được đồ”, bà cười.
Bà Hồng cho biết hoàn cảnh của gia đình con trai bà khó khăn, vợ bệnh nên con bà chạy xe ôm công nghệ kiếm sống. “Cách ly như vậy thì làm ăn được gì đâu, tôi lại phải nuôi các con mình”. Tuy nhiên, bà cho biết cả gia đình sẽ tuân thủ tốt quy định trong quá trình phong tỏa để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.
|
Theo quan sát, các hàng quán bên ngoài nơi phong tỏa vẫn hoạt động bình thường. “Cửa hàng thuốc của tôi vẫn mở vì dù dịch bệnh nhưng cuộc sống vẫn diễn ra, tôi thấy sáng giờ bán cũng có khách nên chắc là không sao đâu”, một người bán thuốc gần đó lạc quan.
Bình luận (0)