TP.HCM phong tỏa 2 hẻm đường Nguyễn Văn Công, Q.Gò Vấp: Chợ Tân Sơn Nhất đìu hiu

29/05/2021 11:34 GMT+7

Sau thông tin có nhiều ca nhiễm Covid-19 liên quan đến điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (ở Gò Vấp, TP.HCM) hàng xóm của mục sư cũng nghi nhiễm, xóm chợ gần đó nhiều người than ế ẩm, vắng vẻ.

Ngày 28.5, HCDC thông báo thêm 4 người trong cùng một gia đình là hàng xóm của mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng nghi nhiễm Covid-19. Trước đó, chiều tối 27.5, nhân viên y tế đã lấy mẫu xét nghiệm hàng loạt người dân ở khu vực này.
Những ngày này, đường Nguyễn Văn Công (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vắng xe qua lại, nhiều gia đình đóng kín cửa ở trong nhà. Cách đó chưa đầy 1km, khu chợ Tân Sơn Nhất cũng thưa thớt người đi chợ, tiểu thương than ế ẩm.

Trưa 29.5: Bộ Y tế công bố 56 ca Covid-19, 1 ca ở Tây Ninh liên quan Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng

15 năm mới gặp cảnh này

Theo quan sát của PV, từ sáng 27.5, nhiều nhân viên y tế di chuyển đến hẻm 415 Nguyễn Văn Công để lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn địa điểm do liên quan đến một số ca nhiễm Covid-19. Ở khu đầu chợ, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra khá bình thường, người bán, người mua ai nấy đều khẩu trang kín mít và nhanh chóng rời đi sau khi mua bán xong.

Tiểu thương chợ Tân Sơn Nhất than bán buôn ế ẩm khi có ca nhiễm Covid-19 ở gần chợ

Ảnh: Cao An Biên

Nhưng chỉ 1 ngày sau, khi thông tin 4 người trong một gia đình là hàng xóm của mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng nghi nhiễm thì khu chợ vắng hẳn, các con đường hẻm quanh chợ thông với đường Nguyễn Văn Công cũng chỉ có vài chiếc xe qua lại.
Giữa trưa nắng, nhiều người ngồi nhìn số hàng hóa còn lại, rồi thở dài. Ông Phạm Văn Khuyến (53 tuổi, bán trái cây) cho biết ông gắn bó với chợ Tân Sơn Nhất đến nay đã hơn 15 năm, nhưng giờ mới thấy cảnh vắng như thế này.
Ngồi từ sáng đến trưa, quầy trái cây bên đường của ông chỉ có vài khách đến mua. “Từ chiều qua đến nay ít người qua lại khu này nên bán ế lắm, nhưng tôi cứ dọn ra vì cả hai vợ chồng nuôi 3 đứa con ăn học phụ thuộc vào quầy này thôi. Mà trước giờ thấy TP phản ứng nhanh với dịch nên tôi cũng mong đợt này sẽ sớm được khống chế”, ông Khuyến chia sẻ.

Đường Nguyễn Văn Công hằng ngày đông đúc xe qua lại nay cũng trở nên vắng lặng

Ảnh: Vũ Phượng

Gần đó, bà Thanh Liễu (bán mít) cũng đang ngồi tách từng múi mít đóng sẵn hộp để khách tiện mua bán. Nhưng nhìn dọc chợ, thấy người bán nhiều hơn người mua. Bà quay sang nói chuyện với bạn hàng sát bên: “Nghe nói mới có 4 ca nghĩ nhiễm chỗ hẻm 415, bà hay chưa? Dịch giờ ghê quá, mới có 2 ngày mà mấy chục ca”. Thấy PV hỏi thăm, bà cho hay: “Qua nay cả chợ này xôn xao về những ca ở trong đường đó đó, không biết chuyện bán buôn những ngày tới đây sẽ ra sao”.
Bà Liễu nói từ nhà đến chợ, đi đâu cũng thấy phong tỏa vì Covid-19. “Nhà tôi ở Q.12, gần nhà có người dương tính vì sinh hoạt trong Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Còn bán ở chợ thì gần 2 hẻm bị phong tỏa cũng liên quan, ở đâu cũng vắng tanh như thế này. Thường tôi bán ngày kiếm 2 triệu cả vốn lẫn lãi thì hôm kia chỉ được 500.000 đồng thôi”.

Trưa 29.5: Bộ Y tế công bố 56 ca Covid-19, 1 ca ở Tây Ninh liên quan Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng

Ráng trụ, vì cuộc sống

Hơn 10 năm gắn bó với chợ Tân Sơn Nhất, bà Mỹ Thoa (49 tuổi, bán mận) nhận xét, chưa bao giờ thấy cảnh ế ẩm như vậy. Bình thường, khách của bà Thoa là công nhân, giờ họ tan ca, chạy ngang rồi về luôn. Khách cứ giảm dần, giảm dần…

Chợ không một bóng khách

Ảnh: Cao An Biên

Sắp xếp lại mấy trái mận cho đẹp mắt, bà kể, thông thường bà dọn hàng lúc 6 giờ và đến 15 giờ chiều là bán hết sạch. Vậy nhưng tối qua, đến khi trời tối mịt, đồng hồ điểm 20 giờ, số mận lấy trong ngày vẫn chưa hết…
Bà bộc bạch: “Đầu tháng 5, TP.HCM có vài ca Covid-19 mới là đã bắt đầu vắng khách rồi, nay còn ế hơn nữa vì thấy ca nhiễm ở ngay sát bên. Nếu lúc trước về sớm thì nay phải ngồi thêm 4 - 5 tiếng nữa, may ra”.

Người dân gần đây cũng hạn chế ra đường nên chợ càng thêm vắng

Ảnh: Cao An Biên

Theo lời bà Thoa, dù tình hình dịch khó khăn, hàng nào cũng bán chậm nhưng bà vẫn ráng trụ lại bán cho bằng hết trái cây vì đây là nguồn thu chính của gia đình, từng đồng kiếm được đủ để trang trải nhà trọ, nuôi 2 con ăn học.
Mới từ Ninh Bình vào TP.HCM để kế thừa chiếc xe đi bán vài món lặt vặt ở chợ Tân Sơn Nhất của chị gái được 1 tuần, anh Minh Hùng (27 tuổi) chỉ biết cười trừ khi được hỏi về tình hình buôn bán 2 hôm nay.
“Từ khi có ca nhiễm Covid-19 mới trong đường Nguyễn Văn Công là khu chợ vắng hơn hẳn, người qua lại ít, khách mua càng ít hơn. Thấy bạn hàng quanh chợ vẫn ráng trụ lại bán nên tôi cũng ráng theo, chứ giờ nghỉ chưa biết làm gì”, anh thở dài.

Khi TP.HCM có ca nhiễm Covid-19 ở quận khác, tiểu thương chợ Tân Sơn Nhất đã gặp cảnh vắng vẻ, nay có ca nhiễm gần chợ, chợ càng đìu hiu, ế ẩm

Ảnh: Cao An Biên

Anh so sánh: “Cứ buổi sáng sớm hay chiều tan tầm, chợ kẹt cứng người mua bán, mà nay đường đi ngang rộng rãi, xe cộ qua lại thoải mái là hiểu rồi. Ngày hôm qua đã vắng, nay càng vắng hơn nữa”.
Khi chưa có ca nhiễm gần chợ, mỗi ngày anh bán được khoảng 500.000 đồng - 600.000 đồng, nhưng ngày hôm qua thì giảm một nửa.
Nhiều tiểu thương buôn bán trong chợ Tân Sơn Nhất đang ở trọ, chăm lo con nhỏ nên sự ế ẩm khiến nhiều người vừa bán vừa lo. Nhưng vì những áp lực tiền bạc còn nặng trên vai, họ vẫn phải tiếp tục bám ở chợ, đeo khẩu trang kín, chốc chốc lại chia nhau chút nước rửa tay xịt khuẩn…

Công nhân lo lắng về việc hỗ trợ tiền lương những ngày nghỉ vì phong tỏa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.