Chiều 28.5, lực lượng chức năng đã phong tỏa hẻm 26 đường Trần Quý Cáp để điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sống bên trong. Tuy nhiên, chưa có thêm thông tin cụ thể về điểm phong tỏa này.
Bất ngờ khi thấy phong tỏa
Vừa hết ca làm buổi sáng, bà Hạnh (51 tuổi) chạy xe về và không khỏi bất ngờ khi thấy hẻm nhà bị phong tỏa. Bà được đội dân quân tự vệ động viên nghỉ làm, cách ly tại nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, người phụ nữ giải thích chuẩn bị vô ca làm tối nên muốn làm nốt ngày hôm nay.
Sau khi nhận một túi quần áo để thay từ con trai qua tấm rào chắn, bà nán lại phía bên kia đường một lúc lâu. “Chết thật, giờ mà vô thì không ra được, nếu vậy sẽ mất việc. Trong nhà giờ có hai đứa con trai, đứa nhỏ cũng học lớp 12 rồi nhưng tôi không an tâm vì hồi đó tới giờ chúng đều được mẹ lo cho cơm nước. Không biết bao giờ mới dỡ phong tỏa, rầu quá”, bà nói trong lo lắng.
|
Tương tự, ông Dũng (43 tuổi) cũng sống bên trong con hẻm đang bị phong tỏa. Ông cho biết mình đi bán từ sáng sớm, nghe người nhà gọi báo thì hớt hải chạy về xem tình hình vì còn mẹ già và hai con ở nhà. Sau khi nhờ người bên trong lấy đủ những đồ dùng cần thiết, ông nói: “Thấy cảnh này không lo sao được, chắc tối nay phải kiếm chỗ ngủ để mai còn dậy sớm đi bán, nghỉ thì lấy gì mà ăn”.
Anh Quang Nhật (34 tuổi, thuê trọ sống một mình trong hẻm này), chia sẻ: “Tôi thuê trọ nhưng 1 tháng chỉ về từ 1 - 2 lần vào buổi tối, lấy đồ xong thì rời khỏi chứ cũng không ngủ lại. Lúc nãy đang làm thì chủ nhà gọi điện báo tin tầng trên có ca nghi nhiễm Covid-19, tôi mới chạy về xem sao. Tuy nhiên, tôi tính đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe trước, nếu không có vấn đề gì thì quay lại công ty vì còn nhiều việc cần xử lý”.
Cố gắng bình tĩnh
Người đi đường tò mò nhìn vào bên trong, một số người nghi ngại quay đầu xe. Bà Thúy (58 tuổi) bán nước mía gần đó đang vội vàng thu dọn ly cốc để nghỉ sớm, chốc lát lại nhìn qua phía bên kia hẻm. Bà kể lại: “Hơn 12 giờ trưa, tôi đang ăn cơm thì thấy cán bộ phường xuống đông lắm nhưng không biết chuyện gì. Một lúc sau thấy xe chở rào chắn xuống là tôi biết ngay phong tỏa. Ở gần cũng lo chứ nên hôm nay dọn sớm, nếu mai tình hình mà êm thì dọn ra bán lại”.
|
Theo lời bà Thúy, trong hẻm đa phần là dân lao động, nhà cửa san sát nhau. Mọi năm, cứ tới lễ Phật đản là bà lại qua chùa thắp nhang lễ Phật, kể từ khi có dịch thì bà tuyệt đối không đi đâu. Ngoài ra, hẻm còn thông với nhiều đường khác như Phạm Văn Đồng, Nơ Trang Long và đường Phan Văn Trị ra chợ Cây Thị. Ngày trước, bà thường đi tắt vào hẻm để ra chợ cho gần, dạo gần đây chuyển qua đi đường lớn bên ngoài.
Chị Lê Thanh Ngọc Mỹ Linh (33 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nhà ở đầu đường) cho hay: “Bản thân mình là nhân viên y tế, đã được chích 1 mũi vắc xin nên không quá lo lắng gì. Nhưng không thể chủ quan, cố gắng thực hiện đầy đủ "5K" và nhắc nhở những người xung quanh như vậy”, chị Linh nói.
Còn bà Tư (53 tuổi, chủ của một tiệm giặt ủi gần đó) lạc quan nói: “Bên kia phong tỏa thì bên này lo chứ, lo nhưng phải bình tĩnh vì nếu ai cũng hoảng sợ thì càng nguy hiểm. Lúc nhận đồ của khách thì tôi đeo găng tay, xong xuôi thì rửa tay sát khuẩn. Nói chung mỗi người cần tự giác và nâng cao ý thức bảo vệ bản thân trước tiên thì việc phòng dịch mới hiệu quả được”.
Bình luận (0)