TP.HCM thử nghiệm kiểm soát người đi đường bằng mã QR: Giảm tiếp xúc tối đa

04/09/2021 09:23 GMT+7

Tại 2 chốt thử nghiệm kiểm soát người đi đường bằng mã QR ở TP.HCM, đa phần người dân tới chốt mới bắt đầu khai báo nhưng nhận xét cách làm này an toàn, giúp cả người dân và cán bộ chiến sĩ trực hạn chế tiếp xúc.

Sáng 4.9, tại 2 chốt thí điểm kiểm soát người đi đường bằng mã QR ở giao lộ Nguyễn Trãi - Cách Mạng Tháng 8 và đường Cách Mạng Tháng 8 (trước Công an Q.3, TP.HCM) lượng xe lưu thông khá thưa thớt. Khi qua các chốt, người dân được yêu cầu đưa mã QR sau khi khai báo di biến động dân cư (di chuyển nội địa) về phía camera, xuất trình giấy đi đường cho công an kiểm tra.

Người dân quét mã khi qua chốt kiểm soát Ngã sáu Phù Đổng (giao lộ đường Nguyễn Trãi - Cách Mạng Tháng 8)

Cao An Biên

Như vậy, thay vì lực lượng trực chốt phải dùng điện thoại cá nhân của mình để quét và kiểm tra thông tin thì camera sẽ quét mã QR mà người dân đã khai báo. Tại chốt kiểm soát, có một cán bộ ngồi trực cùng với máy tính để kiểm tra các thông tin cá nhân của người quét mã như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ làm việc, vị trí công tác, mục đích ra đường… xem có trùng khớp với giấy đi đường hay không.
Tại chốt kiểm soát trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3), có thời điểm nhiều người chờ khai báo, để tránh ùn tắc, lực lượng chức năng vừa hướng dẫn người dân khai báo bằng camera vừa dùng điện thoại để quét mã.

Khi xe qua chốt đông, CSGT tạm thời dùng điện thoại quét mã để người dân không phải chờ tới lượt quét qua camera

Cao An Biên

Một cán bộ CSGT làm nhiệm vụ tại chốt nhận xét: "Nếu quét bằng điện thoại, màn hình không đủ sáng hoặc ánh sáng quá mạnh đôi khi tốn nhiều thời gian mới nhận diện được mã, còn quét bằng camera được lắp đặt sẵn có ưu thế hơn”.

TP.HCM: 241.143 ca Covid-19 cộng đồng, tổng cộng 120.509 bệnh nhân hồi phục

Hạn chế tiếp xúc nguy hiểm

Qua chốt kiểm soát của Công an Q.3 trên đường Cách Mạng Tháng 8, chị M.H (36 tuổi) được hướng dẫn đưa mã trên điện thoại hướng vào camera để quét. Sau khi kiểm tra thông tin, đối chiếu với giấy đi đường, cán bộ trực chốt mời chị tiếp tục lưu thông. 
“Tôi thấy đưa mã trước camera là quét được thôi. Quét mã này cũng không tốn quá nhiều thời gian nên từ lần này có kinh nghiệm rồi, lần sau sẽ làm nhanh hơn”, chị chia sẻ.

Vì chỉ có 1 camera, thời điểm đông xe các cán bộ trực chốt dùng thêm điện thoại để quét mã, tránh ùn ứ

Cao An Biên

Còn tại chốt kiểm soát của Công an Q.1 ở giao lộ Nguyễn Trãi - Cách Mạng Tháng 8, ông Nguyễn Nhật Vũ (49 tuổi, shipper) quét mã trước camera nhưng máy tính hiện thông tin mã QR hết hạn. Sau đó, ông được yêu cầu khai báo lại để quét mã qua chốt kiểm soát.
“Khai báo như vậy tôi cũng thấy đỡ lo hơn nhiều vì công an không phải cầm điện thoại của tôi để quét, vừa nguy hiểm cho tôi và cho cả lực lượng trực nữa. Mấy ngày trước đọc báo thấy có thông tin F0 lưu thông ngoài đường nên cũng sợ, cách làm này an toàn. Tôi nghĩ cách làm này cần được nhân rộng hơn”, ông bày tỏ. 

Việc quét mã qua camera sẽ hạn chế tiếp xúc giữa lực lượng trực chốt và người dân

Cao An Biên

Trao đổi với Thanh Niên sáng 4.9, lãnh đạo đội CSGT - TT Công an Q.3 cho biết, hiện công an trực chốt sau khi hướng dẫn người dân quét mã QR qua camera vẫn khải kiểm tra giấy đi đường. Theo vị này, khi Công an TP.HCM cập nhật xong dữ liệu người được phép ra đường kết nối vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì việc kiểm tra sẽ nhanh chóng hơn nữa, đảm bảo hạn chế tiếp xúc giữa công an trực và người đi đường.
"Đa số người dân chưa khai báo mã QR trước ở nhà nên qua các chốt mất thêm thời gian đứng khai báo nên còn tốn thời gian tại chốt. Mục đích của phần mềm này là thống kê số lượng người dân đi qua các chốt, thông tin để truy vết F0, F1 nếu cần thiết", vị này nói.

Nhiều người dân đến chốt mới bắt đầu khai báo di chuyển nội địa

Cao An Biên

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cũng cho biết, hiện Công an TP đang nhập dữ liệu những người được phép ra đường lên hệ thống. Đến khi có đủ cơ sở dữ liệu hay TP mở rộng các nhóm đối tượng được phép ra đường thì công an trực có thể kiểm tra theo xác suất, các trường hợp nghi vấn,... để giảm tiếp xúc.  
Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM nhận xét phương pháp này sẽ có những hiệu quả như: công an trực chốt sẽ phát hiện ngay F0 di chuyển ra đường, người không thuộc diện có giấy đi đường thì bị yêu cầu quay đầu về hoặc xử phạt, người dùng giấy giả cũng bị phát hiện ngay, tốc độ xử lý nhanh hơn, hạn chế tiếp xúc. 
"Khi TP mở giãn cách cho nhiều người lưu thông thì kiểm soát người đi đường bằng mã QR sẽ xử lý nhanh, hạn chế ách tắc, tiếp xúc nguy hiểm. Công an TP.HCM đang cho thí điểm đánh giá, tìm phương án cung cấp các trang thiết bị, đồng thời bám sát các phương án của TP sau ngày 6.9 để có hướng đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí", thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.