Chỉ cần năm ba phút đi bộ ở “trung tâm” trà sữa của Sài Gòn là đường Ngô Đức Kế và Hồ Tùng Mậu (Q.1), có thể đếm được hơn chục thương hiệu trà sữa đang là những cái tên “đầu môi chót lưỡi” của giới trẻ, giới văn phòng, thậm chí thu hút cả giới trung niên nhưng tâm hồn có lẽ vẫn còn trẻ, mỗi khi đang làm việc, dạo phố mà cảm thấy khát nước hoặc buồn miệng.
Thú vui xếp hàng mua trà sữa
Trước năm 2006, khi mà hầu như khi nói đến Đài Loan, người VN vẫn còn rất mù mờ và chưa hiểu có gì hay ho ở xứ sở này (ngoài chuyện lấy chồng Đài Loan !), thì trà sữa đã là một nét ẩm thực đặc trưng của xứ Đài và hầu như chưa có bán ở Sài Gòn. Nên dù đi Đài Loan liên tục mỗi năm, uống trà sữa hầu như mỗi ngày ở bên đấy, người viết cũng không bị “nghiện” như bây giờ.
VN hiện giờ đang thưởng thức trà sữa với phong cách gần như của Đài Loan nhưng mà là... 10 năm về trước. Tức là ở VN, khi nói đến Gong Cha, Ten Ren’s Tea, Sharetea, TooCha, Chachago… mọi người đều nghĩ đến thức uống có trà, sữa và trân châu, và kem sữa chế lên trên mặt ly trà (milkfoam) - đang là món khoái khẩu của nhiều người trẻ.
Giá một ly trà sữa ở VN nếu có thương hiệu và cửa hàng ở trung tâm, thông thường sẽ không dưới 35.000 đồng cho loại nhỏ/vừa, không có trân châu, hoặc có loại trà trái cây nghe nói là nhập khẩu giá lên đến 139.000 đồng/ly. Trong khi ở Đài Loan, cái nôi trà sữa, giá trung bình ở Đài Bắc khoảng tầm tương đương 30.000 - 35.000 đồng cho ly to hơn và có trân châu, ở Đài Trung giá chỉ khoảng 20.000 - 25.000 đồng cho một ly cỡ to.
tin liên quan
Tức tưởi uống 'sinh tố bà chửi', sinh viên Làng đại học nào từng bị 'mắng'?Ở làng Đại học Quốc gia TP. HCM có một quán sinh tố muốn uống phải nghe… 'chửi'. Lạ lùng là vậy nhưng 'đặc sản' này đã gắn liền với biết bao thế hệ sinh viên. Đặc biệt, đổi lại là sự trân quý của các sinh viên dành cho quán sinh tố độc đáo này.
Tuy nhiên, vẫn có những tiệm trà sữa ở Đài Loan giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn đông khách như Chun Shui Tang, Ten Ren’s Tea. Ví dụ một ly Chun Shui Tang full option (loại ngon nhất, to nhất, đầy đủ trân châu các loại) khoảng 145.500 đồng, ly này phải hai người cùng uống mới xuể. Chun Shui Tang là tiệm trà sữa đầu tiên ở Đài Loan làm ra trân châu như bây giờ. Một câu chuyện rất hay về người sáng lập Chun Shui Tang là do một sự tình cờ khi pha trộn giữa mochi Nhật Bản và trà sữa Đài Loan (thời bấy giờ chưa có trân châu), đã thấy vô cùng thích thú và sáng tạo nên món trà sữa trân châu như bây giờ.
Ở VN, ban đầu khi chưa nhiều “trà sữa chính gốc Đài Loan” du nhập về, thì chỉ có bọn con nít mới hút trà sữa nhai trân châu. Còn hiện nay, với giá một ly cỡ vừa có trân châu có kem cheese các thứ thì giá cũng phải 60.000 đồng trở lên, mức giá đó thì ngoài con nít nhà khá giả, học sinh, sinh viên túi rủng rỉnh thi thoảng mới uống. Vậy nên, lượng khách tiềm năng của các quán trà sữa có thương hiệu chính là giới văn phòng, đặc biệt là nữ, hoàn toàn có thể đôi ba lần trong một tuần là khách hàng thân thiết của trà sữa trân châu.
Không tính đến giá tiền rẻ hơn cho cùng thức uống/thương hiệu giữa Đài Loan và Sài Gòn, thì ly trà của xứ Đài bao giờ cũng nhiều gấp rưỡi gấp đôi ly mua ở Sài Gòn. Uống xong một ly trà mua ở Đài no bỏ cả ăn, ở Sài Gòn uống hết ly vẫn chưa đã khát!
Trước đây các quán trà sữa ở Sài Gòn thường đóng cửa sớm và mở cửa muộn nhưng có lẽ dân thành thị đang quen với chuyện uống trà sữa bất kể giờ giấc, không sợ cả việc uống xong sẽ mất ngủ vào ban đêm nên khuynh hướng các quán trà mở cửa muộn hơn, vài nơi đến tận 10 giờ đêm và đa số đều phải có không gian máy lạnh đẹp, hiện đại cho khách ngồi lại tán gẫu. Trừ một số “hiện tượng” như Gong Cha, Koi Thé thường xuyên có khách xếp hàng ở những tiệm vị trí trung tâm thì chuyện rồng rắn xếp hàng mua trà sữa chỉ có thể là do tiệm mới khai trương, hoặc đang giảm giá trong thời gian đầu, hay đang có chương trình khuyến mãi hấp dẫn gì đó. Và vì các tiệm trà sữa ở TP.HCM đang mọc lên hầu như mỗi ngày nên các bạn trẻ lại miệt mài xếp hàng, âu cũng là một thú vui.
tin liên quan
Người Sài Gòn tấm tắc trước những món ăn đường phố không thể bỏ quaẨm thực đường phố là một trong những điều làm nên sự khác biệt của Sài Gòn so với những vùng đất khác.
|
Kiểu Đài Loan ở Sài Gòn lại giống Mỹ nhiều hơn
Như đã nói, gu trà sữa dân Sài Gòn bây giờ là của Đài Loan 10 năm về trước. Bởi nếu tinh ý và hay đi Đài Loan, bạn sẽ nhận ra rằng người Đài Loan đang chuyển sang một cách uống trà có lợi cho sức khỏe hơn. Vẫn là trà, nhưng thêm trái cây, hoặc pha chung với nước trái cây ép, ít đường. Váng sữa kem cheese như ở VN ư? Đi tìm mỏi mắt cũng không có.
Người viết từng có dịp không vượt qua nổi cơn ghiền khi đến Mỹ nên phải dạo một vòng các quán trà Chattime, Gong Cha, Sharetea, KungFu… thì cũng lạ thay, menu gần giống menu các tiệm trà sữa ở VN và cũng rồng rắn xếp hàng, có khi tận 30 phút.
Ở Đài Loan, không ai ngồi lại và cũng không có chỗ để ngồi tại tiệm trà sữa, trừ một vài tiệm kiểu như quá nổi tiếng, bán trà sữa kèm các món ăn hoặc sản phẩm khác như Ten Ren’s Tea, Gong Cha (Cao Hùng), Chun Shui Tang.
tin liên quan
Món Sài Gòn ra Hà NộiKho quẹt để chấm rau củ đã không còn là “đặc sản” của phương nam nữa, giờ đã len vào từng mâm cơm gia đình ở Hà Nội cũng như nhiều biến thể của món Sài Gòn khác đang hấp dẫn người thủ đô.
Thật ra, một ly trà sữa ngon đúng kiểu truyền thống Đài Loan, ở VN chưa có tiệm nào bán. Phải uống thử Chun Shui Tang hoặc quán trà nhà làm nổi tiếng Đài Bắc, thì mới hiểu thế nào là vị trà nguyên bản. Còn ở Sài Gòn, thường thì tiệm nào đông khách, tiệm đó ngon. Nhưng với những người ghiền trà sữa như tôi, trước cơn thèm lại nhớ biết bao nhiêu lời cảnh báo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến trà sữa ở nước nhà. Chỉ hy vọng rằng ly trà mắc tiền, có khi mắc gấp đôi quê hương Đài Loan của nó, sẽ có trà chính hãng, sữa an toàn và trân châu không phải từ chợ Kim Biên hay Quảng Châu, Trung Quốc!
Bình luận (0)