Khốn khó miền biên viễn
Chuyến đi miền biên viễn trước đó đã 2 lần phải hủy giờ chót vì mưa gió, đường sá sạt lở nặng. Vì vậy mà sáng 14.12, tin từ UBND H.Tây Giang thông báo đường lên các xã khu 7, thuộc biên giới Việt - Lào cơ bản đã có thể thông tuyến, đoàn lập tức chuẩn bị lên đường. 222 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho bà con 4 xã A Xan, Ch’Ơm, Tr’Hy, GaRi (H.Tây Giang, Quảng Nam) vì vậy mà càng thêm ý nghĩa.
Mờ sáng ngày 15.12, đoàn vượt chặng đường gần 200 cây số trong hơn 6 giờ, băng qua cả trăm điểm sạt lở lớn nhỏ của đại ngàn Trường Sơn để có mặt tại điểm trao đầu tiên là xã Ch’Ơm. Hành trình bị gián đoạn dừng lại 45 phút để chờ điểm sạt lở lớn nhất được thông tuyến, và chúng tôi là đoàn đầu tiên mang những phần quà đến tận nơi trao cho người dân của các xã biên giới khu 7. Đó là chưa kể có những điểm rất khó qua được, phải nhờ sự hỗ trợ của xe ủi, xe múc vì mới sạt lở đêm qua do mưa lớn.
Giữa sương mù và cái lạnh căm căm miền biên viễn, thấy bà con Cơ Tu xã Ch’Ơm đang tập trung chờ đoàn, mọi người không khỏi xúc động và dường như quên hẳn bao mệt nhọc, nguy hiểm. Bà Bling Thị Đẹp, Phó chủ tịch xã Ch’Ơm, cho biết đợt bão lũ liên tiếp vừa qua đã cuốn trôi, vùi lấp nhiều cánh đồng lúa nước. Bên cạnh đó, đồi trồng sâm, cam sắp đến thời điểm thu hoạch cũng bị lũ quét cuốn trôi chỉ còn trơ lại ghềnh đá. Căn nhà của gia đình bà Đẹp cũng bị bão số 9 quật sập hoàn toàn. “Người dân vốn đã khó khăn, gia tài chỉ có đồng lúa và đồi sâm để sống, giờ tan hoang hết. Thời điểm này bà con thật sự rất cần sự giúp đỡ…”, bà Đẹp nói.
|
Bà Bhriu Thị Nhối (thôn Hjuh, xã Ch’Ơm) mặc chiếc áo mưa dày cộm, vui mừng khi nhận quà, vừa co ro vì lạnh. Bà Nhối cho biết từ ngày mưa bão kéo dài gây thiệt hại ruộng nương, khiến gia đình 8 miệng ăn chỉ biết bám víu vào những ký gạo cứu đói. “Chúng tôi chỉ mong mưa lũ qua đi, để có thể dựng lại ruộng nương, lên rẫy kiếm cái ăn”, bà Nhối nghẹn ngào.
Ước muốn có một cái tết ấm áp
Sáng sớm, ông Cơlâu Hơnh (xã A Xan, H.Tây Giang) đã cõng cháu nội chưa đầy 3 tuổi lội bộ gần 1 tiếng đồng hồ đến trụ sở UBND xã A Xan (H.Tây Giang, Quảng Nam) để nhận quà. Ông Hơnh cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, toàn bộ diện tích hoa màu cùng cây keo bị bồi lấp, hư hại, cuộc sống khó khăn. Điều khiến ông Hơnh lo lắng nhất lúc này là Tết Nguyên đán cận kề, trong khi mưa lớn cứ kéo dài, nguy cơ sạt lở núi cao nên cả nhà không thể lên rẫy để canh tác.
“Nhìn con cháu thiếu thốn, không có cái ăn khiến tôi lo lắng. Mọi năm chờ thu hoạch đồi cam, đồi sâm kiếm tiền mua bộ áo mới cho chúng. Bây giờ lũ cuốn trôi hết, tết năm nay sẽ khổ rồi. Ba mẹ tụi nhỏ đi làm thuê ở nơi khác, cũng mong kiếm vài đồng về lo tết”, ông Hơnh xúc động nói không nên lời.
Nhận phần quà 1 triệu tiền mặt, bà A Lăng Thị Dưm (thôn AChoong, xã Ch’Ơm) không giấu được vui mừng quay qua nói với người hàng xóm: “Về mua gạo cho con ăn, trả nợ tiền gạo muối. Còn lại để dành mua cho 2 đứa nhỏ bộ đồ mới mặc tết”.
Ông Cơ Lâu Hạnh, Chủ tịch UB MTTQ H.Tây Giang, đi cùng đoàn công tác chia sẻ: “Mọi năm thời tiết thuận lợi, mùa màng tốt tươi thì khi tết đến xuân về người đồng bào góp tiền để cúng tạ sau đó có thịt bò, thịt lợn để ăn. Tuy nhiên, năm nay thiên tai nối tiếp nhau khiến gạo cũng không đủ ăn nên đời sống rơi vào khó khăn và không dám nghĩ nhiều đến cái tết đủ đầy. Những phần quà của Báo Thanh Niên giữa lúc khốn khó này, chúng tôi quý lắm. Rất cảm ơn báo và bạn đọc đã quan tâm đến bà con vùng cao”.
Ngoài 222 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) trao ngày 15.12, trước đó, Công ty CP đầu tư Nam Long đã thông qua Báo Thanh Niên ủng hộ 395 triệu đồng tiền học bổng cho các sinh viên nghèo bị ảnh hưởng Covid-19 và thiên tai tại miền Trung. Đây là số tiền do tập thể và cá nhân cán bộ công ty quyên góp, ủng hộ.
|
Bình luận (0)