Trọng con trai, hàng triệu cô gái đã 'biến mất vô hình' ở Trung Quốc

02/12/2016 21:29 GMT+7

Chính sách một con gây tranh cãi ở Trung Quốc trong suốt hơn 3 thập niên qua khiến người ta tưởng rằng sự mất cân bằng giới tính ở nước này đang rất nghiêm trọng. Thực ra thì theo một nghiên cứu, những em bé gái vẫn tồn tại nhưng lại 'vô hình'.

Hầu hết mọi người tin vào giải thích theo nhân khẩu học rằng nạo phá thai là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt khoảng 30 triệu bé gái ở Trung Quốc.
Theo CNN, trong một nghiên cứu mới do John Kennedy, Phó giáo sư ngành chính trị học ở đại học Kansas (Mỹ) và Shi Yaojiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển xã hội Tây Bắc, thuộc đại học Sư phạm tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc tiến hành phân tích số liệu trong suốt 25 năm đã phát hiện khoảng 25 triệu cô gái trong số này không thực sự “mất tích”, mà chỉ là không được khai báo khi sinh ra. Họ chỉ xuất hiện ở các cuộc điều tra dân số của chính phủ trong giai đoạn sau của cuộc đời.
Các nhà nghiên cứu so sánh số trẻ sinh ra trong chu kỳ 20 năm, tính năm từ 1990 (theo đăng ký khai sinh) với lượng nam giới và phụ nữ 20 tuổi ở Trung Quốc. Tính đến năm 2010 thì số người tuổi 20 cho kết quả rằng số người nhiều hơn 4 triệu, trong đó số phụ nữ nhiều hơn nam giới 1 triệu.
Như vậy "sau 25 năm kể từ năm 1990, có thể có khoảng 25 triệu phụ nữ không được đăng ký khai sinh", ông Kennedy cho biết.
Nghiên cứu này lý giải, từ năm 1979, Chính phủ Trung Quốc thi hành chính sách một con, giao cho cán bộ kế hoạch hóa gia đình ở địa phương thực thi. Giữa những năm 1980, chính sách một con ở các vùng nông thôn được nới lỏng, cho phép người dân đẻ thêm đứa con thứ hai nếu đứa đầu lòng là con gái. Tuy nhiên, các quy định này được thực hiện lỏng lẻo ở nông thôn, nơi các quan chức cũng là thành viên trong cộng đồng gần gũi này.
Kennedy - người đã dành thời gian nghiên cứu lâu dài ở nông thôn Trung Quốc – thấy rằng trong nhiều trường hợp, cán bộ thôn làm ngơ để trẻ em sinh ra ngoài chính sách một con. Họ không muốn báo cáo với chính quyền nhằm duy trì mối quan hệ tốt với dân làng.
Khi phỏng vấn người dân địa phương, một nông dân có 3 người con cho biết con gái đầu tiên và con trai thứ 3 của ông được đăng ký khai sinh, còn đứa con gái giữa được ông gọi là "đứa con không tồn tại” do không đăng ký khai sinh với chính quyền vì sợ bị phạt theo chính sách 1 con.
Mặc dù các gia đình này không khai sinh cho các bé gái ngay từ đầu, song những cô gái này vẫn được đăng ký muộn sau đó (hầu hết trong độ tuổi từ 10-20) để có thể hưởng các phúc lợi xã hội và quyền công dân. Như vậy, nghiên cứu này chỉ ra kết luận mất cân bằng giới tính là có thật nhưng không nghiêm trọng như số liệu thống kê. Nhiều phụ nữ có tồn tại thật dù trên giấy tờ khai sinh thì hoàn toàn không.
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính sẽ không quá nghiêm trọng sau khi họ trưởng thành.
Tháng 10 năm 2015, Trung Quốc hủy bỏ chính sách một con do những lo ngại về sự già hóa dân số và thiếu hụt lao động trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Ông Kennedy hy vọng rằng những phát hiện từ nghiên cứu của ông sẽ khuyến khích chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện, giúp đỡ những người phụ nữ chưa được khai sinh nhưng vẫn đang tồn tại thực tế trong xã hội được đăng ký quyền công dân chính thức.
“Họ không thể có được một công việc đàng hoàng hoặc cảm thấy như một phần của xã hội nếu cứ mãi bị vô hình", ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.