Từ sáng sớm, bầu trời đã trong xanh không một gợn mây. “Trời trong một cách lạ lùng. Mới những ngày trước còn mây trắng, mây xám đen kịt bầu trời. Cảm giác mây trời đã bị hút hết đi đâu đó... Một dự cảm đáng sợ về thời tiết trước cuồng phong của bão số 9, dựa theo kinh nghiệm dân gian”, anh Nguyễn Anh Hùng (người dân P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) không ngớt âu lo.
|
|
Quả thật, trời hửng lên từ phía đàng đông, chiếu những tia nắng những tưởng sẽ xua tan những ngày mưa gió ủ ê, nhưng không mang lại cảm giác hân hoan mà trái lại, những người miền Trung kinh nghiệm gió sương với bão lũ cũng thấy lo lắng.
|
|
Lẽ thường, những ngày nắng lên là những ngày sôi động, tấp nập ở khu vực bờ biển du lịch đẹp nhất của Đà Nẵng thì giờ đây, các hộ dân cấp tập khiêng vác đồ chạy bão.
|
Bà Nguyễn Thị Mai (P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà) vừa hối hả khiêng đồ từ khu vực bờ biển lên chỗ ẩn trú an toàn, vừa ngoái lại bầu trời trong xanh tĩnh lặng, một cách đầy tiếc nuối. Nhưng là dân vùng biển, với kinh nghiệm sóng gió bao đời, bà hiểu, trời đẹp này không dành cho du khách, mà là sự dự báo trước ẩn họa thiên nhiên...
|
|
|
|
Mạng xã hội trầm trồ rồi thắc thỏm vì trời quá đẹp
Sáng sớm 27.10, dự kiến khoảng gần 20 giờ đồng hồ trước khi bão số 9 vào miền Trung, tràn ngập mạng xã hội là những dòng trạng thái, những hình ảnh bầu trời trong xanh.
|
Tài khoản Hoai Nguyen đăng 3 bức ảnh bầu trời Đà Nẵng kèm theo dòng trạng thái “Sáng nay trời đẹp, thấy... sợ”. Tương tự, bác sĩ Huỳnh Tấn Dũng (Bệnh viện Đà Nẵng) cũng chia sẻ những hình ảnh anh chụp Đà Nẵng từ tầng cao của bệnh viện nhưng rất tâm trạng “Sáng nay trời đẹp. Nhưng chiều và tối nay...”
|
Tài khoản Nguyễn Đức Sơn “Nắng càng to, bão càng lớn. Sáng nay Đà Nẵng nắng trong veo luôn”. Cùng với tâm trạng khắc khoải âu lo là nỗi “xót xa cho những hàng cây trơ trụi lá đón bão về”. Tài khoản facebook Lê Hải Sơn chia sẻ hình ảnh “Đà Nẵng lúc này trước khi bão vào. “Nắng chói lóa mưa. Trận cuồng phong Molave sẽ kèm mưa rất lớn””..
Cùng với hình ảnh bầu trời đẹp những dòng cảnh báo “Trời yên biển lặng nắng dịu, nhưng hãy cảnh giác với sự tĩnh lặng đáng ngờ đó”.
Trời đẹp ở Đà Nẵng sáng nay gợi nhớ siêu bão Xangsane, cơn bão kinh hoàng quét qua miền Trung tháng 10.2006. Chỉ 6 giờ đồng hồ quần đảo nhưng mức tàn phá, thiệt hại không thể đong đếm... với 69 người chết và mất tích, gần 300 ngàn căn nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Anh Mai Anh Đức cảnh báo: “Mọi người chú ý không chủ quan. Kinh nghiệm từ bão Xangsane cho thấy thời tiết nắng đẹp chứng tỏ bão rất lớn”. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm lớn lên từ vùng bão lũ “hoàn lưu bão lớn nó hút hết mây ra ngoài tâm bão nên thời tiết nắng đẹp. Hội bão Xangsane 2006 cũng vậy. Thấy nắng bừng lên mọi người chủ quan đến khi bão tấp vào trở tay không kịp. Đặc biệt, khu vực nơi nó đi qua còn quật lại, giật lại với cấp độ mạnh hơn nữa”
Bầu trời đẹp và tĩnh lặng mang lại nhiều dự cảm đáng sợ. tài khoản Nguyệt Trần bình luận: “Cái im lặng của nó tựa như 2006”. Facebook Thùy Trang Trần Nguyễn “Sáng dậy thấy trời đẹp mà sợ”. Phuong Hoang “cái đẹp (bầu trời) hôm nay đến run sợ”. Thu Huong Tran “Thấy tĩnh lặng quá lại khiến lòng lo sợ”. Huynh Ngoc Chenh “Nắng lên rất nguy hiểm, nó nạp thêm năng lượng cho bão”...
|
Vì sao trước bão trời thường rất đẹp
Theo dự báo của TT Khí tượng thủy văn quốc gia trong bản tin mới nhất từ trưa và chiều nay (27.10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9 - 11, sau tăng lên cấp 12 - 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6 - 8 m. Vịnh Bắc bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8 - 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4 - 6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 - 5 m.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia khí tượng thủy văn, trước khi có bão, bầu trời thường quang đãng, trong xanh.
|
Theo giải thích thì bão được hình thành từ dòng vận động đi lên của khí. Hiểu một cách đơn giản hơn, khi cơn bão trong thời gian định hình, chúng sẽ bắt đầu hút không khí nóng ẩm từ môi trường xung quanh. Không khí sẽ đi qua mây, được “bắn” trả lại lên tầng cao nhất rồi đi xuống mặt đất. Trong hành trình đi xuống, không khí trở nên khô và ấm hơn vì đã bị hút hết độ ẩm trước đó....
Vì không khí khô, nóng có tính chất ổn định hơn nóng ẩm nên kết quả chúng trở thành một lá chắn tạm thời cho cơn bão, ngăn chặn những phần khí không cần thiết “đột nhập” quá trình bão hình thành. Điều này lý giải cho tình trạng lặng gió khi không khí không được lưu thông một cách bình thường và bầu trời trở nên tuyệt đẹp trước khi có bão số 9 ở khu vực miền Trung.
Bình luận (0)