Tủ bánh mì chưa bao giờ ế
Chị Phạm Ngọc Loan (35 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) là người đã đứng ra thực hiện tất cả các hoạt động trên. Bình trà đá giải khát miễn phí của chị đã được đưa ra phục vụ bà con từ bác xe ôm đến cô ve chai, bán vé số mấy năm nay. Riêng
tủ bánh mì tình thương và những phần
cơm từ thiện được chị thực hiện từ mấy tháng gần đây. Theo lời chị Loan, từ ngày đưa ra phục vụ, những “mặt hàng” của chị chưa bao giờ ế, đặc biệt là bánh mì.
“Mỗi ngày tôi ngồi đây thấy người ta đi bán vé số, lượm ve chai vừa đói vừa nắng nên sau thùng trà đá tôi suy nghĩ nên thêm tủ bánh mì, món ăn đơn sơ mà ấm bụng. Buổi sáng tôi mua 50 ổ bánh mì không và để vào tủ, ban đầu tôi tưởng sẽ hết chậm vì nhiều người khó khăn chưa biết địa điểm này nhưng thật may, điều này hoàn toàn ngược lại khi số lượng bánh mì tôi mua mỗi ngày một tăng lên để phục vụ bà con. Có khi tôi mua 100 ổ và bây giờ là gần 200 ổ bánh mì một ngày. Chúng tôi vẫn hay đùa, tủ bánh mì đắt khách lắm, không bao giờ ế ẩm”, chị Loan tâm sự.
Chị kể rằng chi phí mua bánh mì đa phần là chị tự túc, mỗi ngày, mỗi ngày đều có sẵn bánh mì không trong tủ, bên cạnh bánh mì là nước tương và sữa để người nhận có thể thoải mái lựa chọn. Chị Loan tính trung bình mỗi tháng chị chi ra khoảng từ 3-4 triệu đồng mua bánh mì. Thỉnh thoảng chị vẫn nhận được sự ủng hộ thêm từ bạn bè, các mạnh thường quân.
Thùng bánh mì tình thương
|
Cơm được xếp gọn để phát cho người khó khăn vào buổi chiều tối
|
Thời gian gần đây, một số mạnh thường quân kết nối với chị Ngọc Loan để
phát cơm miễn phí, thay vì họ tự chạy đi tìm người khó khăn để tặng cơm thì họ có thể gửi cơm hoặc chi phí để chị Loan sắp xếp chuẩn bị và phát cho người cần ngay tại địa điểm quen thuộc này. Tuy có ngày 30 phần, có ngày 50 phần, có ngày cơm chay, có ngày cơm mặn nhưng những phần cơm được phát cho người khó khăn ở địa chỉ 240 Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) luôn đầy dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh.
Đa phần những người khó khăn cần những bữa ăn miễn phí này là những người bán vé số, nhặt ve chai, người lang thang. Nhiều người đến nhận bánh mì rất thường xuyên, còn có người mỗi ngày ăn 3 bữa đều là bánh mì…
Chị Loan nhớ nhất về hoàn cảnh của ông Hải làm nghề chạy xe ôm, người thường ăn bánh mì ở thùng bánh mì tình thương của chị. “Tôi thấy chú thực sự khắc khổ, có hôm chú đến mà người chú run cầm cập vì đói mệt nhưng thùng lại hết bánh mì nên tôi mua tặng chú hộp cơm. Về sau, thương chú chạy xe ôm mà chiếc xe quá cũ lúc nào cũng phải treo bình nhớt kế bên nên tôi có kêu gọi và quyên góp giúp đỡ chú được hơn 10 triệu”, chị Loan nói.
Thời điểm có nhiều người đến nhận cùng lúc, chị Loan (ảnh trên) hoặc nhân viên của mình sẽ trực tiếp phục vụ
|
Thay vì tôi ăn phở vào buổi sáng...
“Tôi thường chỉ đặt trà đá, bánh mì và đôi khi là để những phần cơm để người cần họ sẽ tự tin nhận mà không có cảm giác tự ti. Còn tôi chỉ quan sát qua camera, chỉ khi đông người, hết đồ ăn thức uống hay người nhận họ cần hỗ trợ thì tôi mới chạy ra giúp đỡ. Bởi tôi nghĩ, người khó khăn đôi khi nhìn mình người ta sẽ ngại, mình cứ làm việc mình rồi thỉnh thoảng chú ý camera để người nhận được tự nhiên. Và hơn nữa tôi cũng không cần người ta biết mình là ai, chỉ cần người ta biết chỗ này có
đồ ăn thức uống miễn phí để đến nhận là tôi thấy vui lắm rồi”, chị Loan chia sẻ với
Thanh Niên.
Với quan niệm làm tình nguyện xuất phát từ tâm, không mục đích vụ lợi nên những lời bàn tán, nhận xét không hay của nhiều người chị Loan đều coi là động lực để chị cố gắng hơn nữa.
Để người nhận thoải mái nhận thức ăn, chị Loan chỉ quan sát qua camera
|
Nụ cười của người được nhận thức ăn
|
Chị nói thêm: “Trước đây tôi thường đi xa làm các chuyến tình nguyện mùa Trung thu, Tết… nhưng tôi cảm thấy trước mắt mình còn nhiều người khổ mà ngày nào bản thân cũng chứng kiến nên tôi quyết định giúp đỡ người gần gũi mình trước, nếu có thêm khả năng thì đi xa hơn. Tôi tự thấy mình may mắn hơn nhiều người vì ít nhất tôi có cơ thể lành lặn, có công việc. Nên thay vì bữa sáng của tôi là 1 tô phở mấy chục ngàn tôi lấy số tiền đó mua mấy chục ổ bánh mì để chia sẻ cho mấy chục người là đã thấy ấm lòng rồi”.
Dù là hoạt động cá nhân nhưng chị Ngọc Loan vẫn đặt tên cho hoạt động từ thiện của mình tên là Hoa Từ Bi. Chị lý giải rằng, nghe tên Hoa Từ Bi chị cảm thấy suy nghĩ của mình nhẹ nhàng hơn và ngày càng có động lực làm việc thiện hơn nữa.
Bà Trần Thị Hạnh (ngụ Q.Tân Phú), sau một ngày nhặt ve chai, ghé đến đây nhận bánh mì. Bà xúc động: “Tối về vẫn phải nấu cơm cho các con ăn nhưng nhờ có bánh mì của cô Loan mà tôi có sức đạp chiếc xe nặng này về đến nhà và cũng no nê hơn, tiết kiệm được phần bữa ăn tối của tôi ở nhà. Có vài hôm tôi đến nhận bánh mì nhưng được phát cơm hộp, tôi bất ngờ, no bụng lắm và còn đỡ được biết bao nhiêu tiền”.
Người khó khăn nhận bánh mì được sử dụng sữa đặc hoặc nước tương để ăn kèm
|
Ông Hải chạy xe ôm đến nhận bánh mì
|
Bình luận (0)