Mỏi mòn chờ... nước
Đầu năm 2016, UBND H.Phú Ninh phê duyệt đầu tư xây dựng hệ thống công trình trạm bơm Long Sơn, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Phú Ninh (nay là Ban Quản lý dự án - quỹ đất - đô thị H.Phú Ninh) làm chủ đầu tư, thực hiện trong vòng 1 năm (2016 - 2017). Mục tiêu dự án đặt ra là phục vụ nước tưới cho 60 ha đất sản xuất của người dân thôn Long Sơn (xã Tam Đại, H.Phú Ninh) và góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Bà Phạm Thị Tựu (57 tuổi, ở thôn Long Sơn) cho biết, khi đầu tư hệ thống trạm bơm, người dân ai cũng mừng vì nghĩ đồng ruộng sẽ thoát cảnh bỏ hoang. Theo tính toán, khi hoàn thành, hệ thống trạm bơm Long Sơn sẽ lấy nước từ suối Đập Đàn (trạm bơm Đại An), cung cấp nước cho các cánh đồng Rộc, Gò Bút… "Nào ngờ, công trình đầu tư hàng tỉ đồng này làm mãi vẫn không xong”, bà Tựu nói.
Vụ hè thu năm nay, gia đình bà Tựu có 3 sào ruộng phải bỏ hoang vì không có nước để canh tác. Với người dân địa phương, mấy năm qua cũng chỉ sản xuất được một vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì đành chịu.
Theo bà Nguyễn Thị Nhạt (62 tuổi, ở thôn Long Sơn), nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến một phần diện tích đất sản xuất trong vườn để đào đường kênh của trạm bơm Long Sơn đi qua dài gần 1,6 km.
“Nếu công trình không thi công nữa thì trả lại đất để người dân sản xuất. Mỗi lần vào vụ hè thu là đất của người dân đành bỏ hoang, rất lãng phí. Chúng tôi cứ mỏi mòn chờ… nước”, bà Nhạt bức xúc.
|
Vướng mặt bằng?
Ông Nguyễn Văn Vương, Phó chủ tịch UBND xã Tam Đại, cho biết khi có chủ trương thực hiện dự án hệ thống trạm bơm Long Sơn, địa phương đã họp dân lấy ý kiến. Người dân cũng thống nhất hiến đất để làm kênh mương. Nhưng khi đi vào triển khai dự án, có một số hộ dân yêu cầu bồi thường, hiện còn vướng mặt bằng của 4 hộ.
“Địa phương sẽ họp với các hộ dân có yêu cầu bồi thường để tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, trước khi công trình đi vào hoạt động, cần đánh giá lại chuyên môn và tính khả thi”, ông Vương nói.
Ông Trần Quốc Danh, Giám đốc Ban Quản lý dự án - quỹ đất - đô thị H.Phú Ninh, cho biết trong tổng mức đầu tư dự án (gần 5 tỉ đồng) có 3,18 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, còn lại ngân sách huyện. Lý giải về nguyên nhân trạm bơm dở dang, ông Danh cho hay dự án thực hiện theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân tự hiến đất và dự án cũng không có chủ trương hỗ trợ tiền bồi thường.
Theo ông Danh, trước khi xây dựng đều thông qua dân, phần lớn đều nhận được sự ủng hộ, nhưng đến phút chót có một số hộ yêu cầu bồi thường khi hệ thống kênh mương đi qua đất của họ. “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền để từng bước tháo gỡ vướng mắc”, ông Danh nói.
Bình luận (0)