Ông Võ Thành Liêm (54 tuổi, thôn Hà Lộc) cho biết những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra phức tạp, nhất là sau cơn bão số 9 cuối năm 2020. “Cứ vào mùa mưa bão, những con sóng dữ liên tiếp đổ ập vào bờ, cuốn phăng nhiều công trình khiến nhiều người nơm nớp lo âu. Dù người dân đã tìm mọi cách gia cố bờ biển nhưng tất cả chỉ là giải pháp tình thế. Biển cứ ngày một ăn sâu vào đất liền, uy hiếp cuộc sống của hàng chục hộ dân”, ông Liêm nói.
Bà Trần Thị Phương (52 tuổi, cùng ngụ thôn Hà Lộc) cho hay trước đây sát nhà bà có một số nhà hàng chuyên kinh doanh buôn bán hải sản, tuy nhiên sau các đợt mưa bão lớn vừa qua, sóng lớn kết hợp với triều cường làm hàng chục mét bờ biển bị “nuốt chửng”, nhà hàng bị đánh sập. “Nhà tôi giờ chỉ cách bờ biển khoảng 3 m. Chúng tôi mong nhà nước có phương án xây kè những khu vực sạt lở để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, chứ đến mùa mưa bão lại sống trong cảnh bất an, lo lắng”, bà Phượng bày tỏ.
Khẩn cấp xây kè chống sạt lở
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sóng biển và triều cường đánh mạnh cũng gây sạt lở hơn 1 km bờ biển, ăn sâu vào bên trong đất liền khiến nhiều cây dương liễu chắn sóng, gió bị ngã đổ cuốn ra biển. Bên cạnh đó, nhiều công trình vốn là nhà hàng kinh doanh hải sản của người dân bị sóng biển đánh làm sập đổ hư hỏng nên mọi người di chuyển đến địa điểm khác. Có nhiều chỗ sóng biển khoét sâu tạo thành hàm ếch cao hơn 1 m, ăn sâu vào 10 - 20 m so với hiện trạng trước đây. Để bảo vệ tạm thời, người dân thôn Hà Lộc phải dùng cọc tre đóng thẳng xuống bãi cát làm kè tạm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Uy, Phó chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết trước đây hiện tượng sạt lở mức độ không đáng kể. Tuy nhiên, từ sau cơn bão số 9 vào cuối năm 2020, tình trạng sạt lở, xâm thực diễn ra rất mạnh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân.
Theo ông Uy, riêng ở thôn Hà Lộc tình trạng sạt lở xảy ra với chiều dài hơn 1 km. Vừa rồi, Sở NN-PTNT và Sở TT-MT có khảo sát, kiểm tra tại khu vực sạt lở. Sau đó, hai đơn vị này thông tin sẽ kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam xin kinh phí từ T.Ư để xây dựng kè cứng. “Phải khẩn cấp xây dựng kè, nếu không mùa mưa bão năm 2021, sạt lở sẽ ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa đến cuộc sống của hơn 20 hộ dân sống dọc bờ biển này”, ông Uy nói.
Bình luận (0)