Chịu cảnh “gần nhà, xa ngõ”
Nhiều tháng nay, lợi dụng nước dưới con sông Đá Giăng khô cạn, hàng ngàn người dân thôn Danh Sơn và Thuận Yên Tây (xã Tam Sơn) đã tranh thủ vượt sông để về nhà hoặc đi ra trung tâm xã nhằm giảm thiểu khoảng cách. Bởi, không đi đường tắt này thì người dân đi ra trung tâm xã hoặc từ trung tâm xã về nhà phải đi con đường vòng dài gần 10km nên mất rất nhiều thời gian.
Đi xe máy băng qua con nước nhỏ dưới đoạn thắt lòng sông Đá Giăng, chạy theo lối mòn để về nhà, ông Lê Bá Tri (58 tuổi, trú thôn Danh Sơn, xã Tam Sơn) cho biết, vào những tháng hè nước trên sông Đá Giăng cạn nên tranh thủ vượt sông đi ra trung tâm xã cho gần chứ vào mùa mưa là bó tay. “Ước mơ cháy bỏng của người dân hàng chục năm qua là mong có được một cây cầu nối liền đôi bờ Đá Giăng để một ngày Tam Sơn không còn cách trở, nhưng…vẫn chỉ là mơ ước”, ông Tri buồn bã nói.
|
Theo ông Tri, trong tất cả buổi họp dân, diễn đàn của hội, đoàn thể, cây cầu Đá Giăng luôn là cái tên được nhắc nhiều nhất. Một khi cây cầu được xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của xã Tam Sơn cũng như kết nối giao thương, đi lại với các địa phương giáp ranh thuộc H.Tiên Phước và Phú Ninh. Đặc biệt, là người dân không còn phải sống trong tình cảnh “gần nhà, xa ngõ” với trung tâm xã nữa.
Bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi, ở thôn Thuận Yên Tây) cho hay thương nhất có lẽ là các cháu học sinh cấp 2. Đường đến trường của hai thôn vẫn còn xa ngái với gần 20km đi và về mỗi ngày. Mùa nắng nóng còn đỡ, mùa mưa là rất khổ cực. “Nhiều năm trước, tôi thấy có các đoàn về đây khảo sát xây cầu. Thấy vậy, tôi và mọi người vui mừng lắm. Thế nhưng rồi mùa mưa này tới mùa mưa khác, vẫn chẳng thấy động tĩnh gì”, bà Nga thở dài.
Cấp thiết
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Công Hiệu, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho hay chuyện xây cây cầu Đá Giăng là niềm mong mỏi lớn của hàng ngàn hộ dân hàng chục năm qua. Trước đây, giai đoạn năm 2010, cây cầu Đá Giăng từng được đưa vào nghị quyết để đầu tư, song do bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế khiến nguồn lực bị thiếu nên buộc phải tạm dừng, và dừng mãi đến nay.
“Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần. Hiện cấp trên cũng đang nghiên cứu để đầu tư xây cầu bởi nguồn kinh phí tương đối lớn nên phải xây dựng kế hoạch từng bước cụ thể chứ không thể làm liền được trong ngày một, ngày hai”, ông Hiệu nói.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND H.Núi Thành thông tin cây cầu Đá Giăng thực ra đã được “nghiên cứu” từ rất lâu, song do không có vốn nên buộc phải tạm dừng. Cầu Đá Giăng nếu được xây dựng sẽ tạo thêm một tuyến liên kết vùng kết nối đông tây ở khu vực phía Nam của tỉnh. Chúng tôi nhận thấy việc đầu tư xây dựng công trình cầu Đá Giăng là hết sức cần thiết. Huyện đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh Quảng nam và các sở, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để đầu tư công trình cầu Đá Giăng.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi về khảo sát thực tế, đơn vị nhận định cầu Đá Giăng là hạng mục quan trọng, cần xem xét thực hiện sớm. Quy mô đầu tư công trình cầu Đá Giăng dài khoảng 300m, đường dẫn dài khoảng 2km, kinh phí đầu tư khoảng 200 tỉ đồng. Sở đã đề nghị UBND H.Núi Thành nghiên cứu, lập đề xuất chủ trương đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GT-VT để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư.
Bình luận (0)