Từ đơn thư bạn đọc: Ô nhiễm nghiêm trọng ở hào thành cổ Vinh

05/03/2020 07:39 GMT+7

Sau khi hào thành cổ của thành Vinh (Nghệ An) được đầu tư gần 140 tỉ đồng để cải tạo, những tưởng tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ được cải thiện, nhưng hàng ngàn người dân sống quanh hào lại khốn khổ hơn...

Hôi thối nồng nặc
Hào thành cổ Vinh là tuyến kênh bao quanh thành Vinh, thành lũy được nhà Nguyễn xây dựng bằng đá năm 1831, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1998. Thành có chu vi 2.520 m, gồm 3 cửa ra vào thành. Hệ thống kênh hào bao quanh thành để phòng thủ được thiết kế theo hình lục giác, sâu 3 m, rộng 28 m.
Năm 2016, dự án cải tạo hào thành cổ Vinh với kinh phí gần 140 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, do UBND TP.Vinh làm chủ đầu tư được thực hiện để nạo vét, xây bờ kè dọc hai bờ hào, hệ thống thu gom nước thải, tạo cảnh quan quanh hào thành...
Dự án này được kỳ vọng sẽ “giải phóng” cho hàng ngàn hộ dân sống hai bên hào khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài hàng chục năm nay do nước bị tù đọng. Thế nhưng, công trình mới đưa vào vận hành, sử dụng được ít tháng thì ô nhiễm lại tái diễn.
Bà Võ Thị Vang (ngụ P.Quang Trung, TP.Vinh), sống ngay cạnh hào thành, cho biết chỉ sau mấy tháng hoàn thành, nước trong hào thành đã biến thành đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Theo quan sát của PV, tại đoạn hào thành thuộc địa bàn P.Quang Trung, dù nhiều ngày trước đó không hề có mưa nhưng nước ở một số miệng cống dùng để xả nước mưa ở khu vực này vẫn liên tục chảy xuống hào. Người dân cho biết đó là nước thải sinh hoạt và nó chính là nguyên nhân khiến nước trong hào đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Bà Nguyễn Thị Thủy (ngụ P.Cửa Nam, TP.Vinh) nói: “Sau khi hào được cải tạo, cảnh quan khá đẹp, dân rất phấn khỏi. Nhưng chỉ được ít tháng, nước dưới hào đen thui, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nên chúng tôi ít khi dám mở cửa. Nhiều đêm hôi thối quá, nhức đầu không ngủ được. Trước đây, khi chưa cải tạo, nước trong hào cũng bị ô nhiễm nhưng mùi hôi đỡ hơn bây giờ”.

Hào thành trở thành nơi chứa nước thải

Theo thiết kế, nước thải sinh hoạt của người dân sống phía trong và ngoài hào thành được thu gom bằng hệ thống riêng biệt. Chỉ khi có mưa, lượng nước đủ lớn hệ thống cửa xả tự động mới xả nước vào hào thành. Tuy nhiên, nước thải vẫn liên tục chảy xuống hào theo một số cửa xả nước mưa.
Sau khi cải tạo xong, giữa năm 2019, hào thành được bàn giao cho Công ty quản lý hạ tầng đô thị Vinh quản lý, vận hành. Cũng từ đó, ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty quản lý hạ tầng đô thị Vinh, cho biết nguyên nhân chính khiến nước hào thành bị ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt chảy vào hào khi trời không mưa. Mặc dù được thiết kế riêng, nhưng có thể do đường ống dẫn nước thải bị tắc khiến nước chảy tràn ra theo cửa xả nước mưa, bởi đường ống nước thải có một số đoạn thiết kế nhỏ, đường kính chỉ 30 cm nên gây tắc nghẽn.
Một cán bộ kỹ thuật phụ trách quản lý dự án này cho rằng do hào thành không có nguồn nước tự nhiên lưu thông ra vào, mực nước trong hào phụ thuộc vào lượng mưa, nếu lâu ngày trời không mưa sẽ tạo thành bùn đặc và bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, người dân sống hai bên hào thành cho rằng lý do này không thuyết phục vì nếu không phải là nước sinh hoạt thải ra hồ thì không thể tạo ra nguồn nước đen ngòm và hôi thối như vậy.
Trong cuộc họp bàn phương án giải quyết ô nhiễm hào thành mới đây, ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP.Vinh, đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra, xác định nguyên nhân và phương án khắc phục ô nhiễm. Về lâu dài, TP.Vinh cũng sẽ xúc tiến một dự án tiếp theo để cải tạo hệ thống mương gom nước thải quanh hào thành, giải quyết tình trạng ô nhiễm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.