Tự lập nghĩa trang trên đất ruộng ở TP.HCM

10/05/2017 13:32 GMT+7

Gần đây Báo Thanh Niên nhận được phản ánh, một số người dân tại ấp 2, xã Đa Phước, H.Bình Chánh (TP.HCM) bán đất để chôn cất người chết, hình thành nghĩa trang trong vườn nhà mình, ngay trong khu dân cư.

Điều này khiến người dân sống lân cận hoang mang và lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường lâu dài.

tin liên quan

Mối nguy từ nấm mồ
Thói quen chôn cất người chết có thể gây tác động về dài hạn đối với môi trường tự nhiên, thay đổi đến tận cốt lõi của kết cấu đất đai theo hướng chẳng mấy tích cực.
Ngày 4.5, trong vai người có nhu cầu mua đất lập khu mộ cho gia tộc, chúng tôi đi dọc QL50 (đoạn qua ấp 4, xã Đa Phước) để tìm hiểu. Một người dân gặp ven đường nhanh nhảu nói: “Mua đất mai táng người chết thì hỏi đường vô tổ 2, ấp 2, xã Đa Phước. Ở trong đó có nhiều người dân bán đất lập mộ”. Cách QL50 khoảng 500 m, theo quan sát của PV, dọc hai bên đường bê tông vào tổ 2, ấp 2, xã Đa Phước, hai bên là ruộng và nhà dân. Xen kẽ giữa các thửa ruộng (trồng dưa gang, lúa…) là những ngôi mộ mới được xây kiên cố.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà ông Nhỏ (ấp 2, tổ 2, xã Đa Phước), hỏi mua đất, ông Nhỏ dẫn đi đường tắt ra khu nghĩa trang mới, cũng chính là ruộng lúa của ông Nhỏ vừa thu hoạch vài tháng, nơi đây có gần 20 ngôi mộ. “Đất ruộng này của tôi, một phần mộ khoảng 4 m2, tôi bán giá 15 triệu đồng. Đám ruộng 1.000 m2 tôi bán còn lại chừng đó, mua bao nhiêu cũng bán nhưng giờ còn trống nên làm lúa, ai mua thì bán liền. Như phần mộ này mới chôn được 2 tháng”, ông Nhỏ chỉ tay về phía một ngôi mộ còn mới và nói.
Khi được hỏi chính quyền địa phương có kiểm tra không, ông Nhỏ trả lời: “Làm gì có chuyện đó, đất của tôi, tôi bán hay làm gì cũng được, chắc chắn sẽ không có chuyện đi kiểm tra hay bắt di dời. Mà nếu có kiểm tra thì mình nói là họ hàng nên chôn trong vườn” (!).
Người dân cũng giới thiệu cho PV nhà ông An bán đất lập mộ, nhưng được bán với giá cao hơn 25 triệu đồng/khu mộ, diện tích đất lập mộ cũng bằng nhau. Tại vườn nhà ông An, có khá nhiều ngôi mộ mới xây và hiện đã xây kín hết chỗ. Điều đáng nói là nhà ông Nhỏ, ông An cách nhau không bao xa, nước sinh hoạt của nhiều hộ dân nơi đây không phải nước máy mà từ những giếng khoan trong lòng đất.
Trong khi đó, bà Trương Thoại Linh, Chủ tịch UBND xã Đa Phước, cho hay bà không biết sự việc này, lãnh đạo xã sẽ cho kiểm tra khu vực nói trên và sẽ trả lời cụ thể. PV hỏi trên địa bàn xã có trường hợp nào được cấp phép xây dựng nghĩa trang không, bà Linh nói chỉ duy nhất nghĩa trang Đa Phước được xây dựng theo chủ trương của TP mà thôi.
Đề cập đến thực trạng nói trên, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Người dân bán đất để người khác chôn cất người chết, xây mộ và hình thành một khu như nghĩa trang là hết sức nguy hiểm cho môi trường nơi đây. Việc xây dựng nghĩa trang phải phù hợp quy hoạch theo quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 5.4.2016. Theo đó, tại khoản 1, điều 3 xác định: “Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường”. Ngoài ra, theo quy định của luật Đất đai năm 2013 thì tại điều 7 phân thành hai loại: đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tại điều 10 xác định đất làm nghĩa trang, nghĩa địa là thuộc nhóm phi nông nghiệp. Có thể nói những hành vi này đã vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và có thể bị xử phạt hành chính. Theo Nghị định 179/2013 về xử phạt thì mức phạt có thể lên đến hàng tỉ đồng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.