Từ nghề trang trí hòm miễn phí đến vẽ bích họa của người đàn ông Tây Ninh

06/06/2019 13:13 GMT+7

Những ngày này, người dân Tây Ninh mỗi dịp đi ngang qua Tòa Thánh Cao Đài (thuộc H.Hòa Thành) đều cố nán lại để được ngắm hàng trăm bức tranh phong cảnh sống động trên bờ tường rào.

Những bức tranh trên tường

Một buổi chiều cuối tháng 5.2019, PV bắt gặp Phạm Tuấn Kiệt (62 tuổi, phụ trách công việc nấu cơm chay ở trai đường Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh) đang miệt mài vẽ những bức tranh phong cảnh Việt Nam lên bờ tường rào trong nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Từng nét vẽ của ông biến những bức tường tưởng chừng khô khan trở nên sống động, đáng yêu đến lạ thường.
Theo ông Kiệt, xuất phát từ ý tưởng ban đầu của Hội Thánh Cao Đài là biến những bức tường hàng rào trong nội Ô Tòa Thánh Cao Đài trở nên sống động. Nhờ biết một chút về vẽ, ông Kiệt không ngần ngại là họa sĩ đầu tiên đăng ký vẽ tranh phong cảnh Việt Nam. Mỗi ngày ông Kiệt cố gắng tận dụng những giờ rảnh của bản thân để vẽ hoàn thành xong một bức tranh.
Bờ tường trong nội ô Tòa Thánh Cao Đài trở nên sống động GIANG PHƯƠNG
Ông Kiệt miệt mài vẽ tranh GIANG PHƯƠNG
Mỗi ngày ông Kiệt cố gắng tận dụng những lúc rảnh rỗi để vẽ hoàn thành xong một bức tranh phong cảnh  GIANG PHƯƠNG
Cứ vẽ xong một bức, tối về ngủ ông lại suy nghĩ cảnh vật tiếp theo để có tư liệu cho sáng mai vẽ. Cứ thế, đến nay, ông có gần 40 bức tranh cảnh vật, quê hương đất nước từ Bắc chí Nam, nào la hồ Hoàn Kiếm, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, cầu Vàng, vịnh Hạ Long, núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài..
Ông Kiệt hóm hỉnh lý giải: “Khi mình vẽ cảnh ở khắp đất nước lên đây, mỗi năm vào các ngày đại lễ bà con ở khắp nơi tề tựu về nhìn thấy quê mình cũng có mặt ở đây và sẽ rất vui”.
Cứ thế, ông Kiệt cùng nhiều họa sĩ khác cứ miệt mài sáng tác khiến cho những con đường trong nội ô Tòa Thánh trở nên sống động chưa từng có. Cũng từ đây, người khắp mỗi khi đi ngang đều dừng lại ngắm nghía.
Người dân qua lại thích thú đứng xem vẽ GIANG PHƯƠNG
Giờ đây, những bức tường đã không còn khô khan nữa GIANG PHƯƠNG

Tranh thủ rước con đi học về ghé vào xem tranh đang được các họa sĩ vẽ, anh Châu Văn Thành (39 tuổi, ngụ H.Hòa Thành, Tây Ninh) hồ hởi: “Trước đây, những bức tường vàng bình thường tôi ít khi để ý. Thế mà khi có những bức tranh thì có cảm giá thoải mái hơn đến lạ thường”.

Anh Thành cũng như nhiều người dân khác, cứ mỗi chiều khi con tan học lại đưa con ra đó ngắm tranh. Anh Thành lý giải: “Những phong cảnh về làng quê Việt Nam cũng là một cách dạy cho các con em về tình yêu quê hương đất nước”.

Biết vẽ từ nghề trang trí... hòm

Nói về nghiệp làm họa sĩ, ông Kiệt cười xòa nói gọn lỏn: “Tôi tự học nghề vẽ từ trang trí hòm”. Ông Kiệt kể, ngày trước, ông đã bắt đầu vào Tòa Thánh phụ công việc nấu cơm. Thời điểm này, hòm cho người chết còn rất ít. Khi đó, người ta thường đóng hòm bằng cây xoài hoặc cây gòn và thường phải thuê thợ sơn về để trang trí.
Ông Kiệt kể, ông bắt đầu nghề vẽ từ việc thử trang trí... hòm ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Từng nét cọ của họa sĩ Kiệt và nhiều họa sĩ khác đang từng ngày giúp cho những bức tường trở nên đẹp mắt, đáng yêu đến lạ thường GIANG PHƯƠNG
Nhiều lần ông đi đám tang, thấy nhiều gia đình không thuê nổi thợ sơn mà để hòm trắng. Dù không biết sơn nhưng thấy vậy, ông Kiệt cũng đánh liều ngỏ lời sơn giúp miễn phí thì gia đình đồng ý. Sơn xong, nhìn thấy cảnh gia đình họ hồ hởi mà thấy ấm lòng hơn. Từ đó, ông bắt đầu dấn thân đi... trang trí hòm cho những gia đình khó khăn.
Ông Kiệt “sơn hòm” ở Trại Đường cũng từ đây trở thành nơi tìm đến của người khó khăn khi tang gia. Ông Kiệt đi sơn hòm khắp cả tỉnh, có ngày cao điểm, ông Kiệt chạy đi sơn đến 7 hòm/ngày. Cũng theo lời ông Kiệt, hòm ngày nay không còn phải sơn bằng tay mà toàn bộ đã được các trại hòm sơn sẵn nên ông không còn phải đi sơn như trước nữa.
“Những chiếc hòm sơn đầu tiên chắc xấu lắm vì lúc đó tôi không biết vẽ. Nhưng rồi dần dần cứ vẽ hết chiếc này đến chiếc khác một thời gian tôi biết vẽ lúc nào không hay ”, ông Kiệt nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.