Tự tình bên Hiên Cúc Vàng

21/01/2018 20:32 GMT+7

Ở một nơi như Sài Gòn thì quán sá dĩ nhiên đa phong cách. Khi đã quá quen với những hiện đại hay cổ điển, nhộn nhịp hay trầm lặng, bạn sẽ nhận ra đôi lúc thèm nhớ chốn nhẹ nhõm để bình yên.

Một hôm chợt ngang qua Hiên Cúc Vàng, bất giác như gặp chốn cũ mà mình tưởng đã quên.
Góc quán nhỏ yên bình
Hẳn phải để tâm lắm mới nhận ra sự hiện diện của một quán nước nhỏ xinh mà không vội lướt qua. Quán chẳng là quán mà giống nhà hơn - Hiên Cúc Vàng (đường Tăng Bạt Hổ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là thế. Ghé Hiên uống nước, ăn cao lầu rồi nghe nhạc Trịnh, yên bình vô cùng. Cảm giác ở Hiên như khi bạn đang ở không gian ngày cũ - ấm êm như nhà với các món luôn thay đồi, mùa nào thức nấy.
“Có người nói cái tên Hiên Cúc Vàng nghe rất thơ. Thì tên quán chính là một bản nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. “Người ngẩn trong mưa hay tình xưa. Làm chưa xong hết cuộc tiễn đưa”. Bản này là tango, điệu nhẹ nhàng, tưởng vui nhưng không vui. “Một giấc hoàng-hoa, một ảo-ảnh, không-có-thật, một-chỗ-ngồi-yên thôi” - cô chủ quán Hạ Tuyên đã chia sẻ về cái tên quán bằng một giọng đầy âu yếm như thế.
Khi đến quán, có thể bạn sẽ nghĩ nơi này có phong cách cổ điển kiểu như các quán retro. “Ồ không, Hiên không có phong cách. Cái kệ đó được mang về vì mình cảm thấy phải mang về. Cả những viên gạch cũng vậy. Chúng tôi ngồi xếp cả đêm, chẳng có lý do gì cả, chỉ để linh cảm của mình được nằm ngoan mà không phải cày xới lên thêm. Sách trong quán là từ nhà mang ra. Cái thùng rác ngày đầu tiên, chị gái vì thương mang lại làm quà. Cây cối trong Hiên, bức rèm, khối đá. Tất cả tự nhiên như chính nó phải là. Trước khi nghĩ đến Hiên như một cái quán, chúng tôi nghĩ đến sự sống. Và chúng tôi sống trong từng khoảnh khắc nó tượng hình. Chúng tôi không từng thiết kế. Không có bản thiết kế nào dành cho tình yêu”, chủ nhân của Hiên cho biết.
Tự tình bên Hiên Cúc vàng 1
Đậm đà món cao lầu mẹ nấu
Ngoài một chỗ ngồi nhẹ nhõm, rất yên để lắng lòng qua từng trang sách hay giản dị hơn là cùng người bạn thân chia sẻ về những ngày qua, bạn sẽ được thưởng thức món đặc biệt chỉ có vào ngày cuối tuần: cao lầu.
Chị Tuyên chia sẻ: “Mẹ của mình không phải là người nấu ăn ngon nhưng thỉnh thoảng, bà sẽ làm toàn thể nhân loại hết hồn vì một vài món nào đó khi bà quyết định dùng cả trái tim mình cho món ăn. Đó là lúc thiên hạ chỉ biết ăn mà không kịp hớp hơi. Những lần như vậy rất ít trong cuộc đời. Những lần như vậy thường thường lại ra món cao lầu. Vì nó sinh ra từ quê hương của mẹ. Hiên bán cao lầu vào mỗi cuối tuần. Thực ra, đầy lo lắng vì luôn muốn nó ở phong độ tốt nhất, như mối tình của mẹ dành cho quê hương vậy”.
Có thể là vì nó không giống một chỗ đang kinh doanh lắm. Nó giống một căn nhà hơn, giống một nơi để trở về. Cũng nên hiểu rằng, nhà không phải lúc nào cũng ấm áp, nơi-trở-về cũng vậy. Đôi khi, người ta thần thánh hóa các khái niệm này. Nhà có khi xô lệch, nơi-trở-về cũng buồn. Hiên cũng vậy, Hiên được yêu vì nó sống động, mỗi ngày, trong không gian tưởng chừng lạnh và buồn. Bạn tự do ở đó. Hôm thế này, hôm thế kia. Không phải vì Hiên đâu, vì lòng bạn đấy.
Tự tình bên Hiên Cúc vàng 2
Tự tình bên Hiên Cúc vàng 3
Tự tình bên Hiên Cúc vàng 4
Không gian ở Hiên Cúc Vàng gần gũi, ấm áp như một ngôi nhà thân thuộc
Ở nơi nhìn thấy cuộc đời rất đẹp
Hiên mở nhạc từ loa bluetooth, nhạc rất nhỏ, đôi lúc dường như không, và không có đĩa nhạc nào. Thỉnh thoảng, bạn sẽ “bị” ăn cao lầu trong khi Thái Thanh đang réo rắt bên trên đầu hay một bản trầm buồn nào đó, giọng Khánh Ly rền vang, và bạn thì húp hạt đác nước cam xì xà xì xụp.
Giản dị như thể bạn đang cho mình một khoảng lặng, một không gian tự chọn, và món ăn ưa thích. Đôi khi là những người bạn ngồi thuỗng mặt nhìn nhau. Nhạc hát khắp nơi. Bọn mèo thì cứ đi qua đi lại màu mè. Cuộc đời rất đẹp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.